Ai đang bảo vệ con chúng tôi?

27/11/2018 07:43
NGUYỄN MINH THANH
(GDVN) - Đó là câu hỏi mà một vị phụ huynh gần nhà hỏi tôi lúc đến trường dẫn con về sau một sự việc xô xát giữa các em học sinh.

LTS: Vấn nạn bạo lực học đường vẫn luôn là một vấn đề nóng bỏng khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng.

Trong bài viết này, nhà giáo Nguyễn Minh Thanh chia sẻ những suy tư của mình về sự an toàn của học sinh trong nhà trường.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Một câu hỏi mà tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ dù không trực tiếp dạy trường mà con chị phụ huynh đó đang học.

Những vụ bắt nạt trong trường học là mảng tối mà chưa được nhiều chuyên gia tiếp cận hoặc chưa thể tiếp cận do một số trường học không công khai, cố tình che giấu.

Thực vậy, chẳng có một lãnh đạo nào trong trường học tự nhiên khui ra cho bàn dân thiên hạ thấy "con rận" trong cơ quan mình đảm nhiệm.

Chẳng có một trưởng phòng giáo dục nào nêu ra cho cấp trên biết là đơn vị mình cần nhiều lực lượng để giúp đỡ cải thiện tình hình bạo lực dưới cơ sở.

Nhưng thực ra, ai cũng biết rất nhiều vụ bắt nạt diễn ra. Thử vài câu hỏi tế nhị và khéo léo tí thôi, một giáo viên thực dạy trong trường học sẽ kể cho chúng ta nghe.

Ai đang bảo vệ học sinh? Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại
Ai đang bảo vệ học sinh? Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại

Đừng ai đi tìm báo cáo để để làm minh chứng. Hãy nghe "tâm tư" của các vị lãnh đạo khi các vị ấy có nhu cầu "phải dạy" kỹ năng sống, kỹ năng chống xâm hại... cho học sinh một cách ráo riết cho coi.

Hãy gặp các vụ phụ huynh để nghe chuyện các con cái họ kể gì cho cha mẹ nghe về em này đánh em kia, em này chửi bới em kia, em này chửi thề coi thường em kia....

Giám thị trường học thực tế được coi là những công an trường học, họ đảm bảo không để xảy ra chuyện căng thẳng thêm khi một sự việc nào đó vỡ lở và ồn ào thêm lên, họ lo xử lý đôi bên sau sự việc chứ họ không làm được việc của một người truyền cảm hứng sống an toàn, khơi dậy lòng nhân ái đâu.

Hết thảy của một quá trình giáo dục mấu chốt ở giáo viên, nhưng nhìn cảnh giáo viên bất lực trước việc giáo dục học trò mà Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh phải nhanh chóng tuyển giám thị cho các trường học, thực tế đã thấy rõ có một đội ngũ cần thiết sử dụng để bảo vệ "sự bình yên" của trường học chứ không phải là nơi "thánh đường thiêng liêng" nữa rồi.

Ai đang bảo vệ con chúng tôi? ảnh 2Kiên quyết không để giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo

Xin trích cụ thể lời nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung đã nói trong cuốn "Đúng việc" như sau:

"Trong một xã hội văn minh, hầu hết các nơi trong nhân gian đều là "cõi phàm", chỉ có ba nơi thường được xem là "cõi thiêng", đó là: nhà thờ, nhà chùa và nhà trường.

Nếu như nhà thờ là thánh đường của Công giáo và giáo lý là Kinh Thánh, còn nhà chùa là thánh đường của Phật giáo và giáo lý là Kinh Phật, thì nhà trường có thể được ví như là "thánh đường" của "lương giáo (lương tri, phẩm giá) và "khoa giáo" (chân lý, khoa học) và giáo lý chính là khoa học và nghệ thuật, chính là chân lý và đạo lý".

Ấy vậy mà, thánh đường của lương giáo và khoa giáo đang ngày một bị xâm phạm không chỉ bởi các "thế lực" từ bên ngoài xã hội tác động vào mà còn từ những người sống trong thánh đường đó gây ra.

Khi học sinh đến trường để được giáo dục trở thành con người đúng nghĩa thì dường như đang phải học đủ thứ kỹ nghệ để bảo vệ hơn là việc sống hạnh phúc với sự hồn nhiên của tuổi thần tiên.

Ai? Ai đang gây ra những hệ lụy trong giáo dục của ngày hôm nay, ai đang tạo ra một môi trường giáo dục đầy hoài nghi như bây giờ? Liệu có điểm mặt chỉ tên được không? Chỉ ra được cái tên đó rồi có giải quyết được vấn nạn này không?

Và, điểm lại vài sự việc nổi cộm gần đây có tác động lớn rất đáng báo động đến sự an toàn của môi trường giáo dục là:

Hà Tĩnh: Học sinh lớp 9 bị hai người "lạ" lao vào đánh tới tấp tại hành lang (1);

Phụ huynh vào trường yêu cầu cô giáo quỳ gối để xin lỗi (2), thầy giáo dâm ô 7 học sinh tiểu học (3);

Đang tham dự ngày lễ 20/11 thì sập giàn giáo làm nhiều học sinh nhập viện (4) và mới ngày 24/11 là việc một học sinh bị tát 231 cái vì bị bạn "tố" nói tục (5)...

Nếu bình tâm nhìn lại những chuyện tưởng chừng như không thể xảy ra trong giáo dục thì khi đọc bản tin về sự thiếu an toàn trong nhà trường thì chúng ta có lẽ ai cũng "nóng mặt" chứ không thể bình tĩnh và yên tâm nổi.

Và, thường lúc xảy ra sự cố nhiều bên hữu quan thường coi đó là yếu tố khách quan tác động nhưng thực ra rất chủ quan do sự thiếu trách nhiệm trước các em học sinh và phụ huynh.

Những sự việc này gây ra bao sửng sốt và không ít người đã phải thốt lên "giáo dục nước nhà đang có chuyện gì vậy?"

Nguồn tài liệu tham khảo:  

(1) http://m.soha.vn/ha-tinh-hoc-sinh-lop-9-bi-2-nguoi-la-lao-vao-danh-toi-tap-tai-hanh-lang-20181115192737638.htm

(2) https://tuoitre.vn/bo-gd-dt-len-tieng-vu-co-giao-quy-xin-loi-phu-huynh-20180305122429274.htm

(3) https://tuoitre.vn/thay-giao-dam-o-7-hoc-sinh-tieu-hoc-lanh-6-nam-tu-20180608153837953.htm

(4) https://tuoitre.vn/sap-gian-giao-lam-san-khau-nhieu-hoc-sinh-tieu-hoc-bi-thuong-2018112009323383.htm

(5) https://tuoitre.vn/bi-to-noi-tuc-mot-hoc-sinh-bi-tat-231-cai-phai-nhap-vien-20181124105746466.htm

NGUYỄN MINH THANH