Ai được quyền thành lập trường đại học tư thục?

26/10/2018 07:17
Tiến sĩ Đặng Văn Định
(GDVN) - Theo Tiến sĩ Đặng Văn Định, tổ chức kinh tế không thể đại diện duy nhất cho bức tranh đầu tư vào đại học tư thục.

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng đăng tải bài viết cuối cùng của Tiến sĩ Đặng Văn Định - Trưởng ban nghiên cứu và phân tích chính sách (Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam), nguyên Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo dục quốc gia về những góp ý xung quanh Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đề ngày 19/9/2018.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Trong dự thảo đề ngày 19/9/2018 về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (gọi tắt là Dự thảo 19/9/2018), tại Khoản 1, Điều 16.a viết: 

“Nhà đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là các tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách của nhà nước Việt Nam.

Trong trường hợp một cá nhân, một tổ chức kinh tế nước ngoài hoặc một số tổ chức kinh tế, cá nhân đầu tư thì phải thành lập tổ chức kinh tế mới tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam”.

Liệu chỉ có “tổ chức kinh tế mới” được quyền thành lập trường đại học tư thục.

Theo tôi, câu trả lời là không, bởi vì:

Thứ nhất, tổ chức kinh tế chỉ là một trong những đối tượng đầu tư

Kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu với nền kinh tế thị trường. Những chuyển động không ngừng của nền kinh tế tác động trực tiếp đến các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập. 

Ai được quyền thành lập trường đại học tư thục? ảnh 1Tiến sĩ Đặng Văn Định góp ý hoàn thiện mô hình tổ chức và quản trị đại học

Vì thế Thủ tướng Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung các bản quy chế về tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập (dân lập và tư thục) vào các năm: 1993, 1994, 2000, 2005, 2009, 2011, 2013, 2014 [1].

Trong những lần điều chỉnh trên, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế cho giáo dục vẫn là trục chính.

Nhà nước luôn nhất quán đối tượng đầu tư, thành lập trường là cá nhân, tập thể, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế. 

Chưa bao giờ đối tượng thành lập trường đại học ngoài công lập chỉ duy nhất bởi “tổ chức kinh tế”. Nói cách khác, tổ chức kinh tế chỉ là một trong những đối tượng đầu tư.

Ba mươi năm phát triển đại học ngoài công lập, đã có 5 năm (2000 - 2005) việc thành lập trường chỉ dành cho các tổ chức.

Đây là thời kỳ ít trường ra đời nhất và những phiền toái liên quan đến việc phải có tổ chức đứng ra thành lập trường còn lưu lại đến bây giờ. Nay lập lại cách làm đã bỏ đi với đối tượng “cô đọng hơn” thì điều gì sẽ đến!

Thứ hai, hoạt động vì lợi nhuận không phải đối tượng khuyến khích

Thời kỳ đầu, việc đầu tư thành lập trường đại học dân lập (nay là đại học tư thục) bằng nhiệt huyết, uy tín khoa học và năng lực quản lý giáo dục của một số nhà giáo, nhà khoa học. 

Họ đã sáng lập, huy động nguồn lực xã hội để thành lập và dẫn dắt nhà trường phát triển.

Sự có mặt của các trường đại học: Thăng Long, Đông Đô, Phương Đông, Văn Lang, Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh…là những ví dụ.

Theo Tiến sĩ Đặng Văn Định, việc thành lập đại học tư thục phải do tổ chức “mẹ” là một “tổ chức kinh tế” sẽ làm nảy sinh những xung đột mới. (Ảnh minh họa: Nguồn BáoLao động)
Theo Tiến sĩ Đặng Văn Định, việc thành lập đại học tư thục phải do tổ chức “mẹ” là một “tổ chức kinh tế” sẽ làm nảy sinh những xung đột mới. (Ảnh minh họa: Nguồn BáoLao động)

Từ năm 2005, luật pháp cho phép mọi tầng lớp nhân dân có thể “đưa tài sản vào nhà trường để trở thành chủ sở hữu chung của nhà trường”. 

Lực lượng nhà đầu tư xây dựng đại học tư thục rất đa dạng và có thể phân loại theo: (i) một tập thể gồm nhiều cá nhân; (ii) một gia đình; (iii) một tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp.

Xu thế chọn giáo dục đại học như một kênh đầu tư được lan tỏa mạnh.

Tập đoàn kinh tế hoặc doanh nghiệp có khả năng “tập trung tư bản”, hóa thân thành “cổ đông” để ra đời đại học tư thục với nguồn lực ban đầu rất mạnh. 

Ví dụ, Tập đoàn FPT đứng ra lập Trường Đại học FPT, Tập đoàn Becamex Bình Dương đứng ra lập Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Tập đoàn Tân Tạo đứng ra lập Trường Đại học Tân Tạo...

Đã có trường đại học tư thục tự thoát khỏi cách đầu tư “truyền thống” bằng cách lập ra một tổ chức tài chính trung gian để thu hút đầu tư.

Ví dụ: tại Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH), tổ chức ấy gọi là: Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục HUTECH để hoạt động kinh doanh (kể cả nhận chuyển nhượng cơ sở giáo dục đại học khác);

Tập đoàn Nguyễn Hoàng tự thân “là cái ô” trùm lên hàng chục trường từ mẫu giáo đến đại học (trong đó có Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng và Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu..).

Điều nhìn thấy là tổ chức kinh tế có thể “tập trung tư bản”, mang lại khả năng vượt trội để cạnh tranh. Tuy nhiên các tổ chức kinh tế có mục tiêu hàng đầu là lợi nhuận, đây không phải mô hình được Nhà nước khuyến khích [2].

Cho nên, tổ chức kinh tế không thể đại diện duy nhất cho bức tranh đầu tư vào đại học tư thục.

Thứ ba, sẽ tạo nên những xung đột không đáng có

Nếu việc thành lập đại học tư thục phải do tổ chức “mẹ” là một “tổ chức kinh tế” sẽ làm nảy sinh những xung đột mới.

Ai được quyền thành lập trường đại học tư thục? ảnh 3Bản chất thật của Giáo dục Đại học

Điều này không khó nhận ra nếu chúng ta đọc Điều 48 của Luật Giáo dục, Điều 26 và văn bản hướng dẫn thực hiện điều này của Luật Giáo dục đại học, Điều 2 của Luật đầu tư, Điều 18 của Luật Doanh nghiệp, và các Điều 22, 55, 62, 69… của Luật Khoa học và công nghệ. 

Sự diễn giải ở mỗi luật có khác nhau, nhưng đều có điểm chung về đối tượng đầu tư, đó là các tổ chức, các cá nhân. Họ đều được làm đề án thành lập tổ chức mà họ mong đợi và pháp luật không cấm.

Xung đột còn tìm thấy ở Nghị định của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Trong nghị định này Chính phủ quy định: thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức quốc tế và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề [3].

Tóm lại, tổ chức kinh tế chỉ là một trong những đối tượng đầu tư, nó không phải đối tượng Nhà nước khuyến khích đầu tư vào giáo dục. Nếu bắt buộc việc thành lập đại học tư thục phải do tổ chức “mẹ” là một “tổ chức kinh tế” sẽ tạo nên những xung đột không đáng có.

Tài liệu tham khảo:

1. Các quy chế tổ chức và hoạt động trường đại học ngoài công lập từ 1993 đến 2014; 

2. Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao.

3. Nghị định 73/2012/NĐ-CP, 26/9/2012 Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.  

Tiến sĩ Đặng Văn Định