LTS: Tòa soạn đã nhận được góp ý của thầy giáo Trần Trí Dũng (một giáo viên dạy học ở Quảng Ninh) về phương pháp ra bài tập với học sinh sao cho hiệu quả.
Trân trọng gửi đến độc giả!
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 27/9/2016 có đăng bài viết "Thế nào là bài tập về nhà?" của tác giả Phan Tuyết. Bài viết nói về việc thành phố Hồ Chí Minh cấm không giao bài tập về nhà cho học sinh Tiểu học khi đã học 2 buổi/ ngày ở trường.
Bài tập cho học sinh là một nội dung quan trọng của giáo dục, tuy nhiên cần ra như thế nào cho chính xác không phải là một câu hỏi dễ trả lời.
Và theo tôi cách đặt vấn đề nên đi từ câu hỏi: "Bài tập về nhà phải như thế nào?" chứ không phải là "thế nào là bài tập về nhà?" như bài viết trên đã nêu.
Theo đó, bài tập về nhà là một nội dung được đặt ra ở tất cả các cấp học khác nhau, theo nguyên tắc "học đi đôi với hành".
Với những bài tập về nhà hay, tốt sẽ kích thích niềm say mê học tâm và sự sáng tạo của học sinh (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn). |
Đối với lệnh cấm của thành phố Hồ Chí Minh không giao bài tập về nhà cho học sinh Tiểu học khi đã học 2 buổi/ ngày ở trường, tôi thấy là cũng có cơ sở hợp lý nhất định. Bởi lẽ khi học sinh đã học hai buổi ở trường, nhất là đối với học sinh Tiểu học, là học sinh đã được giải quyết các vấn đề thuộc nội dung học ở lớp.
Như thế nếu giao thêm bài tập cho học sinh làm ở nhà sẽ khiến cho các em dễ bị mệt mỏi ở độ tuổi này, không còn thời gian để vui chơi phát triển toàn diện.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là trong quá trình học hai buổi ở trường, các giáo viên phải giải quyết cho cho các em toàn diện các nội dung với các yêu cầu cần thiết của bài học.
Chính vì thế mà khi có lệnh cấm của thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra những ý kiến trái chiều nhau.
Nên với vấn đề nhạy cảm này cũng không nên quy định một cách quá cứng nhắc, mà nên theo hướng định hướng về mặt chuyên môn cho các giáo viên.
Trên cơ sở sau khi đã bao quát được nội dung đã học, giáo viên chỉ nên giao một số lượng hạn chế các bài tập về nhà cho học sinh để có sự tương tác cuộc sống, rèn luyện kỹ năng sống hay hình thành tâm lý cho các em, tránh những bài tập phải suy nghĩ phức tạp.
Vấn đề bài tập về nhà được đặt ra đối với mọi bậc học, kể cả bậc học Mầm non.
Theo đó, bài tập về nhà cho bậc học Mầm non phải thường là những câu hỏi thú vị cho các em như hỏi tuổi ông bà cha mẹ. Đó có thể là yêu cầu các em kể chuyện cho bố mẹ nghe về những câu chuyện mà các em đã được nghe ở lớp; về nhà tập viết lại những chữ cái đã học; tìm các chữ cái trong sách báo...
Thầy giáo phân tích nguyên nhân và nêu 5 giải pháp chấm dứt dạy thêm |
Đối với bậc Tiểu học, bài tập về nhà nên tập trung vào kỹ năng sống, rèn luyện và mở rộng dần kiến thức. Đối với bậc Trung học Cơ sở, cần có những bài tập để các em nhớ kiến thức, vận dụng kiến thức từ đó phát triển dần tư duy; đặc biệt là cần những bài tập để vận dụng trong thực tiễn.
Đối với bậc Trung học Phổ thông, bài tập về nhà có ý nghĩa rất quan trọng.
Theo đó, bài tập về nhà cho học sinh Trung học Phổ thông phải theo năm định hướng.
Một là, những bài tập để các em nắm vững những kiến thức đã học.
Hai là, những bài tập để các em vận dụng kiến thức trong những trường hợp phát sinh, để từ đó khái quát lại nội dung được học.
Ba là, bài tập mở rộng để phát triển khả năng và tư duy.
Bốn là, những bài tập để học sinh tìm tòi sự sáng tạo, từ đó tìm ra những tri thức mới.
Năm là, những bài tập để học sinh liên hệ thực tiễn.
Việc ra bài tập về nhà cho học sinh như thế nào là tùy thuộc vào từng môn học, tùy từng bài học cụ thể. Nghĩa là các giáo viên cần linh hoạt trong ra bài tập về nhà cho học sinh.
Đặc biệt cần đánh giá đúng tâm lý của học sinh để ra những bài tập thích hợp. Có nghĩa là, giáo viên cần xem xét trạng thái tâm lý của học sinh sau mỗi buổi học để từ đó lựa cách ra bài tập.
Ví dụ, nếu sau một buổi học mà các em có dấu hiệu mệt mỏi thì không nên giao bài tập về nhà, hoặc chỉ giao một số lượng hạn chế những bài để học sinh nhớ kiến thức, vì khi đó các em đã mất đi sự hào hứng đón nhận
Theo đó, nếu sau buổi học, học sinh tỏ ra hưng phấn thì cần giao nhiều bài tập theo sự đa dạng của vấn đề để học sinh định hướng lại nội dung và mở rộng kiến thức.
Vấn đề bài tập về nhà cho học sinh là một vấn đề khó, phụ thuộc nhiều vào năng lực, kiến thức và nhận thức của giáo viên.
Ở đây, để ra bài tập về nhà thích hợp, giáo viên cần đánh giá đúng năng lực, trạng thái tâm lý của học sinh, tránh tình trạng giáo viên giao bài tập về nhà nhưng học sinh không làm do có quá nhiều bài tập, hoặc học ở trên lớp xong đã rất mệt.
Quy định pháp luật về dạy thêm, học thêm dưới dạng hỏi-đáp |
Như thế, giáo viên cần xem xét lại những vấn đề đã dạy cho học sinh ở trên lớp, từ đó định lượng bài tập về nhà cho phù hợp. Đặc biệt, các giáo viên cũng cần ra những bài tập khó để học sinh tư duy, để khi chữa lại học sinh có thêm kinh nghiệm và kỹ năng làm bài.
Bài tập về nhà cần đa dạng và phong phú về nội dung, nhất là đối với các môn Khoa học Tự nhiên. Có một điểm cần lưu ý là cần có những bài tập sát với những yêu cầu các kỳ thi quan trọng như thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp hay thi vào Đại học...
Đối với bậc Đại học, bài tập về nhà nên theo ba hướng. Một là, nhũng bài tập để sinh viên củng cố kiến thức đã học. Hai là, những bài tập để sinh viên liên hệ trực tiếp vào thực tiễn. Ba là, những bài tập để phát huy tính sáng tạo, khả năng nghiên cứu và mở rộng vấn đề.
Giáo dục là một nghệ thuật mà ở đó người giáo viên phải năng động trong nhận thức, và truyền tải sự năng động ấy cho người học.
Đánh giá đúng nội dung bài học, khả năng nhận thức của học sinh để từ đó ra những bài tập thích hợp, tránh sự quá tải đối với người tiếp nhận và lĩnh hội.
Giáo viên phải đánh giá đúng yêu cầu của bài học, lường trước những vần đề phát sinh về kiến thức và từ đó ra những bài tập về nhà thích hợp. Với những bài tập về nhà hay, tốt sẽ kích thích niềm say mê học tập và sự sáng tạo của học sinh.