Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được thông tin từ người dân địa phương cung cấp cho biết, trên địa bàn phường 5 – quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh có cơ sở bồi dưỡng văn hóa Thăng Long, dạy thêm cho học sinh tiểu học từ lâu, nhưng nơi này không bị siết chặt, kiểm tra hoạt động đúng quy định.
Chiều ngày 6/6, trong vai là một phụ huynh có nhu cầu tìm chỗ học thêm hè cho học sinh lớp 4, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đến cơ sở bồi dưỡng văn hóa Thăng Long (đường Cách Mạng Tháng 8, phường 5, quận Tân Bình) để tìm hiểu.
Tại đây, phóng viên đã được nhân viên của cơ sở giới thiệu, khóa học hè bắt đầu từ ngày 2/6, kéo dài đến ngày 15/8/2017 (2,5 tháng).
Nếu học sinh lớp 4 thì học Toán – tiếng Việt, mỗi tuần 3 buổi (thứ 2,4,6 hoặc 3,5,7) với thời gian học mỗi ngày từ 2h30 đến 2h45.
Thời khóa biểu học hè lớp 4 tại cơ sở bồi dưỡng văn hóa Thăng Long (ảnh: P.L) |
Học phí nếu đóng 1 tháng là 640.000 đồng, còn đóng trọn khóa là 1,550 triệu đồng. Riêng đối với Anh văn cấp 1 thì học phí là 250.000 đồng/tháng.
Cũng tương tự như vậy, nếu học sinh đăng ký lớp 1,2,3 thì có đến 3 ca học mỗi ngày. Sáng từ 7h – 9h45, chiều từ 14h đến 16h30 và tối từ 17h30 đến 20h vào các thứ 2,4,6 hay 3,5,7.
Học phí thì rẻ hơn 40.000 đồng so với lớp 4 (nếu đóng 1 tháng) hay 100.000 đồng (nếu đóng trọn khóa).
Thời khóa biểu dạy thêm hè từ lớp 1 đến lớp 3 ở cơ sở bồi dưỡng văn hóa Thăng Long (ảnh: P.L) |
Chiều ngày 7/6, đại diện cơ sở bồi dưỡng văn hóa Thăng Long là ông Vũ Nguyễn Hoàng Ân – Trưởng cơ sở xác nhận, các thông tin mà phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nắm được là chính xác.
Đây là cơ sở bồi dưỡng văn hóa đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy phép tổ chức dạy thêm học thêm, nhưng ông Ân thừa nhận việc có tổ chức dạy thêm học thêm cho khối tiểu học là sai.
Cũng theo ông Vũ Nguyễn Hoàng Ân - đại diện của cơ sở bồi dưỡng văn hóa này thì, ông hoàn toàn nắm được các quy định thuộc thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như các quy định về dạy thêm của thành phố là không cho phép dạy thêm cấp tiểu học.
Tuy nhiên, nói với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ân đã khẳng định, đây là nhu cầu từ phụ huynh cần gửi con em đến để học.
Về chương trình dạy cấp tiểu học, ông Vũ Nguyễn Hoàng Ân nói, môn Toán chủ yếu luyện cho học sinh các kỹ năng tính toán, còn môn tiếng Việt là phải dạy trước chương trình chính khóa rồi.
Học sinh tiểu học đến học cơ sở bồi dưỡng văn hóa Thăng Long chiều ngày 6/6 (ảnh chụp lúc 14h: P.L) |
Đối với giáo viên, cơ sở bồi dưỡng văn hóa Thăng Long chủ yếu sử dụng giáo viên từ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (đối với cấp trung học phổ thông), còn dạy cấp tiểu học thì đa số là giáo viên đã về hưu.
Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có từ năm 2012, cũng như các quy định về dạy thêm học thêm đã được thành phố ban hành từ rất lâu.
Thế nhưng cho đến nay, ngay giữa địa bàn trung tâm quận Tân Bình vẫn tồn tại một cơ sở bồi dưỡng văn hóa ngang nhiên dạy thêm cho cấp tiểu học, sẽ khiến cho người dân băn khoăn, đặt vấn đề về mức độ quản lý, giám sát của chính quyền địa phương sở tại.
Nhằm thực hiện đúng các quy định của Nhà nước trong việc quản lý dạy thêm học thêm, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (nơi cấp phép), cũng như chính quyền địa phương (quận Tân Bình, phường 5) cần sớm tổ chức kiểm tra cơ sở bồi dưỡng văn hóa này.