LTS: Vấn đề dạy thêm học thêm đang trở thành bài toán lớn ở nhiều địa phương. Dù không muốn dạy trước chương trình hay nhá đề, các thầy cô giáo vẫn phải làm vậy để thu hút học sinh theo học.
Cô giáo Thuận Phương chỉ ra thực tế trên, đồng thời nêu ra những khó khăn ở những địa phương áp dụng mô hình trường học mới VNEN.
Học VNEN thì việc dạy trước chương trình ở lớp học thêm lại là cách để học sinh chủ động, tự tin học tập hơn.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Tôi đồng cảm với chia sẻ của thầy Hiệu trưởng trường tiểu học về việc giáo viên dạy thêm rằng:
“Dạy trước chương trình sẽ khiến các em học sinh lơ đãng, coi thường giờ học trên lớp. Lâu dài, thói quen này sẽ khiến học sinh bị thụt lùi so với các bạn”.
Điều này chính phụ huynh cũng biết, giáo viên lại càng hiểu nhưng dường như cả hai vẫn cố tình chấp nhận.
Bởi nếu không dạy như thế, ai sẽ là người hướng dẫn các em chuẩn bị bài học ở nhà? Và các lớp dạy thêm liệu có còn ai đến học?
Nhiều giáo viên dạy thêm dạy trước chương trình. (Ảnh minh họa: Trần Vương) |
Nếu nói đúng bản chất của dạy thêm học thêm là dạy và học những kiến thức các em còn yếu, còn hổng, những kiến thức mà các em nắm trên lớp chưa vững vì khó, vì thời gian hạn hẹp thầy cô chưa truyền tải hết hoặc những điều nâng cao hơn mức yêu cầu cần thiết...
Được học thêm kiểu này, các em yếu, kém sẽ nắm chắc kiến thức giúp cho việc học tiếp theo được dễ dàng hơn.
Những em khá giỏi lại có hiểu biết chuyên sâu hơn… Nhưng hầu như khó có thể tìm thấy một lớp học thêm như thế. Bởi nhiều lý do đến từ hai phía đó là phụ huynh và chính các thầy cô giáo.
Khi phụ huynh yêu cầu
Vùng quê tôi, học sinh từ cấp tiểu học cũng đã tất tả kiếm nơi học thêm, đặc biệt những vùng học sinh học theo phương pháp VNEN tình trạng các em đi học thêm diễn ra nhiều hơn bình thường.
Muốn học VNEN tốt, các em phải có sự chuẩn bị bài tốt ở nhà trước khi đến lớp.
Không ít vị phụ huynh lên tiếng: “Nhìn vào chương trình mới chẳng biết dạy con thế nào”, “Mình không biết dạy con học để thầy cô lo cho nó yên tâm hơn”.
Thầy Hiệu trưởng trường tiểu học phản đối dậy trước chương trình |
Đã thế, theo phương pháp dạy học mới, các em thường có thêm “Hoạt động ứng dụng” ở nhà, theo yêu cầu là làm bài cùng với gia đình.
Nhiều phụ huynh gửi con học thêm đã yêu cầu giáo viên chuẩn bị dùm bài tập ứng dụng cho các em và giảng giải ngay bài các em sẽ học trên lớp vào ngày mai.
Điều này không có lợi cho chính các em nhưng lại thuận lợi cho chính cha mẹ và các thầy cô giáo.
Bởi khi đã gửi thầy cô (dù không phải thầy cô dạy trên lớp) dạy trước chương trình mới cho con.
Về nhà, phụ huynh yên tâm không phải lo bài vở cho con nữa, ngoài ra, ngày mai lên lớp con sẽ không bị thầy cô la rày vì chưa chuẩn bị bài. Con sẽ chủ động, tự tin học tập, sẽ được khen khi cái gì cũng biết.
Khi giáo viên đồng tình thỏa hiệp
Giáo viên là người hiểu hơn ai hết việc dạy thêm mà chỉ dạy trước chương trình cho học sinh nó chẳng khác gì kiểu “ăn xổi”, giống như cái cây quên vun trồng gốc mà chỉ nhăm nhăm chăm sóc phần ngọn.
Nhiều em tỏ ra lanh lợi, học tốt là thế nhưng kiến thức cũ, kiến thức sâu rộng lại thiếu và yếu.
Thầy trò ngày đêm quay cuồng với các "cuộc chiến" để mang hư danh về cho trường |
Việc dạy trước chương trình cho học sinh còn là tác nhân làm cho trẻ thiếu tập trung trong giờ học, khi trẻ biết trước rồi sẽ có tâm lý lơ là, chủ quan, thiếu tập trung và làm bài không cẩn thận…
Sự đánh giá của thầy cô về học sinh ấy cũng vì thế mà thiếu đi sự chính xác gây nên không ít ngộ nhận cho chính học sinh và cha mẹ các em.
Nhưng dù thế, ít có giáo viên nào có đủ “can đảm” để từ chối kiểu dạy này.
Bởi theo một số người “Không dạy trước như thế lấy học trò đâu mà dạy?”
Một lớp học thêm ở tiểu học, giáo viên dạy khoảng hơn chục em nhưng ít nhất cũng có vài trình độ.
Dạy theo kiểu cần kèm cặp hoặc nâng cao kiến thức nào, giáo viên dạy, kèm kiến thức đó… phụ huynh làm sao có thể trả nổi tiền học phí?
Bởi cách dạy này vừa tốn công sức, vừa mất nhiều thời gian của giáo viên trong khi mỗi lần dạy lại không thể dạy nhiều. Vì thế, chỉ dạy trước chương trình cho mọi trình độ là giải pháp tối ưu và được thầy cô lựa chọn nhiều nhất.
Ở các lớp dạy thêm bậc trung học cũng vậy, nhiều học sinh đi học thêm chỉ vì điểm số hơn là vì kiến thức.
Trong thực tế những lớp học thêm nào thầy cô giải đề mà phần lớn là đề na ná khi thi thường có lượng học trò theo học rất đông.
Chúng thường đồn nhau “Cô (thầy) ấy giỏi lắm hay đoán trúng đề”. Ngược lại, lớp học thêm nào chỉ ôn luyện kiến thức, số lượng học sinh theo học đã ít lại cứ ngày một vơi dần.
Có giáo viên chua chát chia sẻ: “Mình cũng không muốn dạy theo kiểu nhá đề nhưng nếu cứ dạy theo kiểu ôn luyện như thế biết lấy học trò đâu mà dạy?”
Có “cầu” ắt sẽ có “cung” trong giáo dục cũng không loại trừ hiện tượng này.