Bán trú vệ tinh, hay còn gọi bán trú tự phát, là loại hình đưa học sinh cấp tiểu học, trung học cơ sở về ăn, ngủ trưa, học ôn tập buổi 2 tại các cơ sở giáo dục tư nhân.
Tuy nhiên, cho đến nay, tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa có quy định, cơ chế nào cho việc cấp phép hoạt động, giám sát loại hình hoạt động này, khiến cho cả người làm, lẫn nhà quản lý đều rất bối rối trong việc thực hiện, giám sát.
Là một trong những quận đông dân nhất Thành phố Hồ Chí Minh (gần 1 triệu dân, kể cả dân nhập cư), trong đó có rất nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lớn, với công nhân là chủ yếu, quận Bình Tân luôn là điểm “nóng” cho các loại hình giáo dục, kể cả loại hình bán trú vệ tinh.
Mới đây, từ thông tin người dân địa phương cung cấp, dù hè chưa bắt đầu, nhưng cơ sở bồi dưỡng văn hóa Hồng Hà (đường Hương lộ 2, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) đã trưng ra một tấm bảng quảng cáo, ghi rất rõ ràng khai giảng khóa hè từ 1/6/2017.
Cơ sở này có tổ chức các lớp bán trú hè cho học sinh cấp 1, 2 (tặng bộ sách giáo khoa cho học sinh đăng ký bán trú), rèn chữ và dạy vỡ lòng cho học sinh sắp vào học lớp 1, hay là tổ chức văn hóa hè cho học sinh cấp 1, 2.
Bảng quảng cáo chiêu sinh khóa hè, có bán trú của cơ sở bồi dưỡng văn hóa Hồng Hà (ảnh: P.L) |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Thành Trung – chủ cơ sở Hồng Hà cho biết, cơ sở có giấy phép tổ chức dạy thêm học thêm (cấp 2) cho học sinh, và cả giấy phép thành lập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cho tới nay, bán trú vệ tinh của cơ sở này thì chưa có cơ quan quản lý nào cấp phép. Dù vậy, ông Trung vẫn nhấn mạnh, đây là một nhu cầu có thật, rất cấp thiết của phụ huynh sinh sống tại địa phương.
Cũng tương tự như vậy, cơ sở bồi dưỡng văn hóa Thiên Phát (liên khu 1 – 6, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) dù hè chưa bắt đầu, nhưng cũng đã giăng các bảng quảng cáo “Nhận học sinh bán trú hè” tại các trường tiểu học, trung học cơ sở sát bên (cơ sở - pv) từ nhiều ngày nay.
Trên các bảng quảng cáo này cũng thể hiện cơ sở có nhận dạy thêm (hiện cơ sở cũng đã có phép của quận cấp) cho học sinh lớp 1 đến 9 trong dịp hè.
Bảng quảng cáo chiêu sinh bán trú hè của cơ sở bồi dưỡng văn hóa Thiên Phát (ảnh: P.L) |
Vốn dĩ nằm tại một khu vực vô cùng thuận lợi, sát bên Trường tiểu học Bình Trị 1 (khoảng 4 nghìn học sinh), Trường trung học cơ sở Bình Trị Đông, cơ sở Thiên Phát cũng thu hút một số lượng lớn học sinh, những em có phụ huynh là công nhân (thường xuyên phải đi tăng ca sản xuất) theo học.
Quận Bình Tân cấp giấy phép dạy thêm tràn lan, ai chịu trách nhiệm? |
Bà Thu Hiền – chủ cơ sở Thiên Phát chiều ngày 23/5 chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, loại hình bán trú vệ tinh nếu biết phát huy đúng chức năng sẽ có ích rất lớn cho phụ huynh, xã hội.
Theo bà Thu Hiền, nếu những em học sinh trong độ tuổi nhỏ xíu (chưa nhận thức được đúng sai), cha mẹ bận rộn đi làm, không ai trông coi, chăm sóc, nếu chẳng may các em ra ngoài xã hội, bị ai dụ dỗ, xâm hại thì sẽ ra sao đây?
Ngoài ra, bà Thu Hiền cũng cho rằng, đây rõ ràng không phải là loại hình kinh doanh phi pháp, nhưng vẫn chưa có cơ chế cấp phép cho loại hình này, thì những cơ sở có nhu cầu thực hiện phải làm sao đây? Đi xin phép thì phải xin ở đâu đây?
Dưới góc độ lãnh đạo một trong những quận đông dân nhất của Thành phố Hồ Chí Minh, ông Đỗ Đình Thiện – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Tân khẳng định: Ngay sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải việc vi phạm của cơ sở Hồng Hà, phường Bình Trị Đông đã đề xuất quận rút giấy phép hoạt động dạy thêm học thêm của cơ sở này.
Học sinh học buổi 2 sau khi ăn ngủ tại một điểm bán trú vệ tinh ở quận Bình Tân (ảnh: P.L) |
Đối với việc quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn, sắp tới, quận Bình Tân sẽ tăng cường kiểm tra việc này trên địa bàn. Quận sẽ xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm nếu có xảy ra.
Bày tỏ quan điểm về loại hình bán trú vệ tinh, ông Đỗ Đình Thiện – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Tân nói, dù quận đã rất nhiều lần đề xuất, nhưng cho đến nay, thành phố vẫn chưa có trả lời cho việc cấp phép loại hoạt động loại hình này.
Dù vẫn biết là nhu cầu có thật tại địa phương, nhưng ông Đỗ Đình Thiện vẫn đề nghị các cơ sở bồi dưỡng văn hóa phải tuân thủ các quy định của pháp luật, không có giấy phép là không được làm.
Theo ông Đỗ Đình Thiện, nếu không có phép mà vẫn làm, nếu có chuyện gì xảy ra thì hậu quả sẽ rất khôn lường.