Không nên có tư tưởng ác cảm với con, cháu cán bộ
Bộ Nội vụ vừa công bố thông tin 9 địa phương trên cả nước có hiện tượng "cả họ làm quan".
Nội dung này nhanh chóng thu hút được sự chú ý của dư luận. Không ít ý kiến cho rằng, việc chọn/ưu ái tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà vào các vị trí quan trọng trong các cơ quan công quyền, rất dễ dẫn đến tình trạng chia bè, kết phái trong môi trường làm việc.
Bình luận về việc này, hôm 20/2 với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, cần có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề bổ nhiệm người nhà tại các cơ quan công quyền.
Ông Dĩnh cho rằng, mối quan hệ thân hữu trong việc bổ nhiệm đang tồn tại khá phổ biến tại Việt Nam.
“Tôi nghĩ số lượng 9 địa phương bị phát hiện có trường hợp “cả họ làm quan” chỉ là số ít mà các cơ quan quan báo chí đã phát hiện được.
Nếu kiểm tra một cách tổng thể thì các tỉnh, thành phố đều có hiện tượng này, quan trọng là có nhiều hay ít thôi", ông Dĩnh nhận định.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, không phải trường hợp “con ông cháu cha” nào được đề bạt, bổ nhiệm đều không tốt, không đủ năng lực.
"Nhiều cán bộ là con, cháu lãnh đạo cũng giỏi lắm chứ! Những người có năng lực, được đào tạo bài bản thì phải tạo điều kiện cho họ có cơ hội phấn đấu.
Ví dụ, một vị giám đốc Sở là con của vị Bí thư tỉnh ủy đã về hưu, trước khi được bổ nhiệm, anh ta đã trải qua các vị trí khác nhau và được rèn luyện rất tốt ở cơ sở.
Vừa rồi khi lấy phiếu bầu tại hội đồng, anh ấy trúng phiếu cao, bởi họ nói được, làm được và có đóng góp thiết thực cho xã hội. Cái đó chúng ta nên tôn trọng thay vì có quan điểm hiềm khích.
Còn bây giờ theo quy định cứ 5 năm hoặc 10 năm mới đề bạt, bổ nhiệm thì làm gì có cán bộ trẻ. Nếu cứ có ác cảm với con cán bộ, có khi chúng ta lại bỏ sót nhân tài ấy chứ!
Vấn đề đặt ra là trong số các trường hợp "con ông cháu cha", phải xem xét những trường hợp cụ thể, rằng người đó có năng lực thực sự, đáp ứng được nhu cầu đề bạt, bổ nhiệm vào các vị trí đó không?
Nếu qua kiểm tra năng lực về mặt thực tiễn, người ta đáp ứng được yêu cầu công việc thì cũng phải thừa nhận.
Hay nói cách khác, dù là con ông cháu cha nhưng khi người ta khẳng định được năng lực của mình thì cũng đừng nên ác cảm với họ.
Ngược lại, trường hợp đề bạt người nhà nhưng người đó không đủ năng lực thì kiên quyết lên án”, ông Dĩnh nêu quan điểm.
Ông Dĩnh nói thêm: "Công bằng mà nói, trong thực tế cũng có những người tuy xuất phát điểm thấp nhưng vẫn được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng vì họ có tài năng, đạo đức, chứ không phải chỉ mình con "quan" mới được ưu ái".
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (ảnh: VOV). |
Bên cạnh đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng chỉ rõ những điểm còn hạn chế trong công tác bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là đối với những trường hợp thân hữu với người giữ chức vụ.
"Thực tế mà nói, nhiều khi vì mối quan hệ gia đình, dòng họ nên con đường thăng tiến của họ (con cái lãnh đạo - PV) sẽ tốt hơn người bình thường.
Người bình thường nếu không có người giới thiệu, phát hiện thì cho dù anh có tài năng cũng sẽ gặp khó khăn.
Chúng ta luôn đề cao tính gương mẫu của người đứng đầu trong công tác cán bộ, nhưng việc nêu gương thì vẫn còn hạn chế.
Ví dụ, một ông Bí thư tỉnh nọ có con chuẩn bị được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở, thì tôi chắc rằng Thường vụ sẽ đồng ý bỏ phiếu cho cán bộ này, vì có khi họ bỏ phiếu cho con anh là do nể nang nhau.
Tuy nhiên, nếu ông Bí thư ấy nghiêm túc, xét thấy con cháu mình chưa đủ khả năng, năng lực đảm nhận vị trí thì họ sẽ không đồng ý việc bổ nhiệm này", ông Dĩnh phân tích.
Con "quan" chưa chắc đã hơn con nông dân
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII nhận định, nếu cho rằng các tổ chức cơ quan công quyền là một dạng "tài sản công" đặc biệt, vô giá thì tài sản đó phải là sở hữu chung của mọi người chứ không kể là con của "quan" hay con của nông dân.
“Người quản lý "tài sản" đó chẳng qua là công bộc, đầy tới của nhân dân.
Người dân nuôi anh, thuê anh, giao trách nhiệm cho anh quản lý cơ quan đó, thì anh phải có trách nhiệm làm cho cơ quan đó mạnh lên, tốt lên, trong sạch lên chứ anh không có quyền thích cho ai vào thì vào, ai ra thì ra...
Như vậy, nếu cơ quan công quyền là "tài sản công" thì mọi công dân đều có quyền tiếp cận cơ hội về việc làm như nhau không kể là con ông cháu cha hay con cháu nông dân.
Vì cớ gì mà con "quan" thì được ưu tiên đề bạt, bổ nhiệm, còn con nông dân thì không?", PGS.TS Bùi Thị An nêu quan điểm.
PGS.TS Bùi Thị An (ảnh: Ngọc Quang). |
Vị nguyên Đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn trước tình trạng nhiều địa phương bị phát hiện có việc "cả họ làm quan".
"Người ta từng nói rất nhiều về việc trục lợi trong công tác cán bộ. Đó có thể gọi là lợi ích nhóm hay một dạng tham nhũng chính sách.
Những cán bộ leo cao bằng mối quan hệ thân hữu khi không đủ tài, đủ đức, thì rất nguy hiểm cho đất nước.
Xét ở một khía cạnh nào đó, việc “cả họ làm quan” rất dễ tạo ra phe cánh, nhằm phục vụ cho lợi ích nhóm để trục lợi.
Do vậy, trong trường hợp này, nếu con cái các đồng chí có chức vụ, thực sự có năng lực, được đề bạt, bổ nhiệm đúng quy định thì không có vấn đề gì.
Nhưng việc tập trung đông người nhà, trong một cơ quan công quyền hoặc cùng ngành thì rất không nên vì nó mang tính nhạy cảm", PGS.TS Bùi Thị An nói.
Chờ vào tính gương mẫu của người đứng đầu
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, để hạn chế tình trạng "cả họ làm quan", chọn người nhà thay cho người tài, đòi hỏi người đứng đầu các cơ quan công quyền phải thực sự gương mẫu để nêu gương.
"Ở một số nước người ta quy định, người đứng đầu một tỉnh/thành phố thường không phải là người ở tỉnh /thành phố đó.
Chúng đã đã áp dụng giải pháp này để hạn chế tiêu cực trong công tác cán bộ, tuy nhiên, việc triển khai thực hiện không hề đơn giản.
Hai lần Thủ Tướng chỉ đạo, Thanh Hóa vẫn giữ nguyên 8 Phó, kiến nghị lập thêm Sở |
Ví dụ, người ta làm Bí thư tỉnh này nhưng có mối quan hệ với cán bộ đồng cấp ở tỉnh khác nên vẫn vẫn có thể nhờ vả, xin xỏ cho người thân có vị trí trong cơ quan công quyền.
Đổi lại anh phải giúp người thân của người kia...
Nói tóm lại, quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ là do con người tạo ra.
Nếu người đứng đầu gương mẫu thì quy trình đó khách quan, đồng thời anh sẽ loại ngay được những phần tử cơ hội và ngược lại.
Trường hợp bổ nhiệm "con ông cháu cha" nhưng người được đề bạt, bổ nhiệm không xứng đáng thì phải có chế tài mạnh mẽ để xử lý, cá nhân, tập thể đề bạt, bổ nhiệm.
Người được đề bạt, bổ nhiệm không đáp ứng được các tiêu chí, năng lực cụ thể cũng phải cho xuống luôn.
Bên cạnh đó phải tiến tới việc xây dựng cơ chế cụ thể, tạo điều kiện cho người dân được tham gia giới thiệu, giám sát việc bổ nhiệm cán bộ...", ông Dĩnh nêu quan điểm.
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, vấn đề công khai minh bạch trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm là điểm mấu chốt để chọn người có tài, có tâm phụng sự đất nước.
"Phải minh bạch từ khâu giám sát tuyển chọn cán bộ trong việc xác định vị trí công việc, số lượng, chức năng nhiệm vụ, tiêu chuẩn tuyển chọn.
Hội đồng tuyển chọn phải hết sức công tâm để tránh tình trạng, người tài không lọt mà để lọt người không đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn.
Bên cạnh đó, cần công khai danh tính của những trường hợp bổ nhiệm người nhà không đúng quy định để người dân được biết và giám sát", PGS.TS Bùi Thị An đề nghị.