Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (sở, ngành), cấp huyện (phòng, ban).
Theo đó, việc tạm dừng này là để chờ Nghị định của Chính phủ.
Được biết, Bộ Nội vụ đã xây dựng 2 dự thảo liên quan, gồm: dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Cả 2 dự thảo này đã trình Chính phủ và báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ để trình Bộ Chính trị cho ý kiến một số nội dung liên quan đến khung số lượng cơ quan chuyên môn, tiêu chí thành lập tổ chức, biên chế tối thiểu, số lượng cấp phó tối đa của một tổ chức hành chính ở địa phương.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc. Ảnh: VOV |
Điều đáng nói, trong khi các dự thảo trên vẫn chưa được ban hành thì đã có 2 địa phương tiến hành sáp nhập, hợp nhất các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh.
Cụ thể, vào tháng 7/2018, tỉnh Lào Cai công bố thông tin hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải – Xây dựng.
Tiếp đó, vào tháng 11, tỉnh Bạc Liêu cũng công bố hợp nhất Sở Thông tin - Truyền thông với Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch thành Sở Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch.
Hợp nhất Sở Khoa học - Công nghệ với Sở Giáo dục và Đào tạo thành Sở Giáo dục - Khoa học và Công nghệ.
Dù bày tỏ sự đồng tình với động thái trên của Bộ Nội vụ nhưng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, lẽ ra phải có hướng dẫn sớm hơn thay vì để một số địa phương làm tự phát.
“Rõ ràng sau khi có Nghị quyết tại Hội nghị Trung ương 6 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì Bộ Nội vụ phải có nghị định trình Chính phủ để cụ thể hóa Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6. Như vậy mới thống nhất được trong cả nước”.
Theo vị nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, việc tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả, cắt giảm đầu mối tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ là việc không thể chần chừ.
Tuy nhiên, để mỗi tỉnh làm một kiểu thì rất khó vì không thống nhất trong cả nước sẽ gây khó khăn trong chỉ đạo, điều hành.
Tiếp đó, nó còn phụ thuộc các Bộ trên Trung ương chỉ đạo xuống thì sẽ thực thi thế nào khi mà cấp Tỉnh là một Sở nhưng trên Trung ương lại có tới 2 Bộ. Việc chỉ đạo sẽ ra sao? Nó phải có sự thống nhất.
“Theo tôi thì tốt nhất là phải thống nhất từ trên Trung ương xuống chứ không chỉ hướng dẫn thống nhất ở cấp Tỉnh.
Các Bộ ở Trung ương có xu hướng sáp nhập không, tinh giản không?”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc nêu băn khoăn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, việc địa phương chủ động tiến hành sáp nhập như Lào Cai, Bạc Liêu vừa qua ngay khi đó ông đã phát biểu với truyền thông rằng tinh thần tiên phong là tốt nhưng cần chờ văn bản quy phạm pháp luật cụ thể.
Việc Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương tạm dừng sáp nhập Sở, ngành, phòng ban dù muộn (vì một số địa phương đã làm) nhưng cần thiết.
“Các địa phương đã quyết định hợp nhất, nhân sự đã sắp xếp xong thì theo tôi nên để cho họ làm.
Đó cũng coi như là thí điểm để tìm ra mô hình phù hợp.
Hợp nhất Sở Giáo dục với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu |
Ví dụ như tỉnh Lào Cai hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng thành một Sở thì nên để họ làm như một thí điểm để xem có hợp lý không.
Theo tôi, giai đoạn này dù là chúng ta vẫn đang tìm một mô hình phù hợp nhưng yếu tố quan trọng ngoài mô hình hợp lý thì nhân sự mới là quan trọng.
Nếu lãnh đạo không đủ tầm, đủ tài thì khó mang lại hiệu quả, chuyển biến của lĩnh vực đó.
Đặc biết, nếu sắp xếp, sáp nhập một cách cơ học thì chỉ là dồn cán bộ về một chỗ và sẽ không mang lại hiệu quả là bao”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc nói.