Ngày 24/1/2019, thầy Phạm Quốc Đạt, giáo viên Văn của Trường trung học phổ thông Võ Trường Toản, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh đã có đơn khiếu nại (bổ sung), gửi Hiệu trưởng nhà trường, về quyết định kỷ luật cảnh cáo do ông Lương Văn Định – Hiệu trưởng ký ngày 21/1/2019.
Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Võ Trường Toản đã ký quyết định kỷ luật cảnh cáo, đồng thời đình chỉ công tác giảng dạy bộ môn Văn, công tác chủ nhiệm tại trường của thầy Phạm Quốc Đạt.
Nguyên nhân: Quyết định kỷ luật này cho biết, thầy Đạt đã có sai phạm trong hoạt động chuyên môn, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
Trường trung học phổ thông Võ Trường Toản, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L) |
Thầy Phạm Quốc Đạt khẳng định, nhà trường hoàn toàn không có đủ cơ sở pháp lý để kỷ luật cảnh cáo mình trong trường hợp này.
Thầy giáo này giải thích: Trong quá trình công tác tại nhà trường, thầy Đạt chưa có sai phạm trong hoạt động chuyên môn, gây hậu quả nghiêm trọng, không xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
Giáp tết, giáo viên kêu cứu vì cho rằng bị kỷ luật oan sai |
Thầy Phạm Quốc Đạt nói: Mình không tự ý thay đổi phân phối chương trình buổi 2, vẫn đảm bảo thời lượng và mục tiêu của môn học, chưa lần nào ra đề kiểm tra sai, bị tổ chuyên môn nhắc nhở bằng văn bản (học kỳ 1 năm học 2018 – 2019).
Về hoạt động ngoại khóa văn học Việt Nam, hoạt cảnh tiểu phẩm văn học “Quan Âm Thị Kính” (lớp 11B7), “Bỉ Vỏ” (lớp 11B12) có những phân đoạn bị cho là nhạy cảm, thầy Phạm Quốc Đạt nhấn mạnh, mình không được biết trước, kể cả các buổi duyệt trước khi diễn.
Trong quá trình học sinh diễn, thầy Đạt cũng có giám sát hậu trường để xem phương pháp thực hiện của học sinh, và đảm bảo không có bất cứ cảnh nào được cho là có nhạy cảm.
Tại hội nghị trù bị cán bộ công chức viên chức của trường năm 2019, thầy Phạm Quốc Đạt cũng có những phát biểu thẳng thắn về tình hình giảng dạy môn Văn, chứ không có lời nói nào xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của thầy cô trong trường.
Căn cứ vào khoản 1, điều 11 của Nghị định 27/2012/NĐ-CP, thầy Phạm Quốc Đạt tự thấy rằng, mình không có sai phạm trong hoạt động chuyên môn gây hậu quả nghiêm trọng, không có lời nói nào xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, nên nhà trường không có đủ cơ sở để xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với thầy.
Ngoài ra, nhà trường còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ công tác giảng dạy, làm chủ nhiệm trong vòng 12 tháng.
Theo thầy Phạm Quốc Đạt, căn cứ vào điều 29, điểm đ – khoản 1 của điều 52, khoản 1 của điều 57 Luật Viên chức năm 2010, thì thầy không thuộc trường hợp viên chức bị buộc thôi việc, nên nhà trường cũng không đủ cơ sở để đình chỉ công tác giảng dạy, chủ nhiệm của thầy.
Vì tất cả những yếu tố này, thầy Phạm Quốc Đạt đề nghị, ông Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Võ Trường Toản, quận 12 cần hủy ngay quyết định kỷ luật cảnh cáo của thầy.
Đồng thời tiếp tục nhận thầy trở lại làm việc, đúng theo ngạch viên chức đã được Sở Nội Vụ bổ nhiệm theo quyết định được ký ngày 29/12/2009.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Quốc Đạt chia sẻ: Hiện thầy đang đợi nhà trường trả lời khiếu nại này của mình theo đúng luật định.
Trong trường hợp trường trả lời không thỏa đáng, chắc chắn thầy sẽ khiếu nại lên các cấp lãnh đạo cao hơn, để nhằm bảo vệ danh dự, uy tín của một nhà giáo như mình.
Thế nhưng, theo một Hiệu trưởng trường trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giải thích, với hình thức xử phạt bổ sung thầy Đạt, là do các thành viên của Hội đồng khen thưởng – kỷ luật nhà trường bỏ phiếu kín, để quyết định.
Còn hình thức kỷ luật cảnh cáo căn cứ theo Luật Viên chức, nhà trường cần chứng minh được thầy Phạm Quốc Đạt có lời nói xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, còn nếu mỗi bên đang có ý kiến khác nhau, thì cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng có thẩm quyền (bên thứ 3).