Tốt nghiệp Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh, khoa giáo dục tiểu học năm 2000, cô Nguyễn Thị Thanh Trúc được phân về làm giáo viên Trường tiểu học Hưng Phú, quận 8.
Tới đầu năm 2006, cô Trúc được bổ nhiệm vào chức vụ Phó Hiệu trưởng của Trường tiểu học Rạch Ông, quận 8, và hơn 7 năm sau, cô được cấp trên điều động về làm Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Hy Vọng.
Cô Nguyễn Thị Thanh Trúc chia sẻ: Ban đầu, khi mới về trường, cô xác định là sẽ có nhiều khó khăn, vất vả để đưa trường vào khuôn khổ, nề nếp.
Khó khăn lớn nhất của cô Trúc khi đó, chính là việc ngôn ngữ giao tiếp của trẻ câm điếc không giống như bình thường, mà phải sử dụng ký hiệu tay và khẩu hình miệng, một loại hình giao tiếp mà cô chưa từng thực hiện.
Cô Nguyễn Thị Thanh Trúc trong một tiết lên lớp dạy cho trẻ câm điếc (ảnh: CTV) |
Không quản ngại khó khăn của nhiệm vụ mới, ngay từ khi mới về Trường Hy Vọng, cô đã đăng ký ngay một khóa học ngôn ngữ chuyên dành cho trẻ câm điếc, rồi còn mày mò, học hỏi đồng nghiệp cách dùng ký hiệu ngôn ngữ, nhằm giúp cho việc trao đổi với học sinh, hòa nhập với môi trường mới.
Cũng theo cô Nguyễn Thị Thanh Trúc, chính việc giao tiếp được với học sinh, sẽ giúp cho cô hiểu được các em muốn gì, cần gì, thì từ đó mình mới có những hành động phù hợp với các em.
Với mong ước những trẻ câm điếc ở Trường chuyên biệt Hy Vọng có thể sớm hòa nhập với cộng đồng xã hội, như những trẻ bình thường khác, mỗi ngày đi làm, nữ Hiệu trưởng này đều tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn đưa những phương pháp giảng dạy mới, như lồng ghép cách dạy của học sinh tiểu học bình thường, vào chung với các trẻ chuyên biệt, nhằm cải thiện khả năng nghe hiểu của các em.
Cô Nguyễn Thị Thanh Trúc luôn mong muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho Trường Hy Vọng (ảnh: CTV) |
Không chỉ vậy, ngoài việc truyền tải kiến thức, cô Trúc còn tạo mọi điều kiện tốt nhất để cho học sinh của trường có thể được học kỹ năng sống, như đi tham quan các di tích lịch sử, bảo tàng, hay lễ tết, cô Trúc đều thông qua các mối quan hệ cá nhân để tìm kiếm các mạnh thường quân tặng quà cho học sinh.
Ngoài việc hết lòng thương yêu, chăm sóc cho học sinh, cô Nguyễn Thị Thanh Trúc còn cùng với các đồng nghiệp trong trường tổ chức được 3 lớp học ký hiệu ngôn ngữ miễn phí cho phụ huynh.
Cô Trúc cho rằng, phụ huynh của trường Hy Vọng phần lớn là các lao động nghèo, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, không biết các ký hiệu ngôn ngữ để giao tiếp với con, nên chắc chắn trẻ sẽ bực bội, bất hợp tác.
Chính vì vậy, dù điều kiện cơ sở vật chất nhà trường còn nhiều khó khăn, nhưng cô Trúc vẫn tổ chức các lớp học miễn phí vào ngày thứ 7, chủ nhật.
“Khi phụ huynh hiểu được nguyện vọng, nhu cầu của trẻ, thì các em sẽ cảm thấy gần gũi hơn, không cảm thấy bị bơ vơ, cô đơn ngay trong chính gia đình của mình” – cô Trúc nhấn mạnh.
Với những đóng góp xuất sắc của mình trong sự nghiệp giáo dục, nhiều năm nay, cô Nguyễn Thị Thanh Trúc luôn là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp thành phố.
Học sinh và giáo viên trường đã đạt nhiều thành tích cao trong các hội thi cấp quận, thành phố.
Dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm ngoái, cô Trúc đã đạt được giải thưởng Võ Trường Toản – một danh hiệu cao quí dành cho các nhà giáo có nhiều cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp trồng người.