Có thể nói năm 2018, ngành giáo dục Việt Nam đã có nhiều sự kiện đáng vui mừng nhưng cũng có nhiều sự cố đáng tiếc.
Xã hội không khỏi lo lắng khi mà tiêu cực trong thi cử, đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường giữa trò với trò, giữa trò với thầy cô không còn chỉ là một vài hiện tượng cá biệt xảy ra ở một vài nơi mà đã trở nên phổ biến có thể xảy ra ở bất kỳ tỉnh thành nào, ở bất kỳ ngành học nào trên cả nước.
Theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền, nền giáo dục một chiều, giáo điều, và áp đặt không còn phù hợp với sự thay đổi của xã hội hiện nay. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Thông qua báo chí và dư luận nhiều tiêu cực trong giáo dục được phanh phui, mổ xẻ.
Một số người cho rằng nền giáo dục chúng ta đang đi sai đường lạc hướng và cần một triết lý để dẫn dắt.
Những người lạc quan hơn thì cho đó chỉ là một vài nét tiêu cực trong bức tranh xán lạn của nền giáo dục nước nhà.
Tuy nhiên, khi trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh chuyên ngành giáo dục, thành viên Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế NAFSA, Đại học Newcastle, Australia cho rằng:
“Theo cá nhân tôi, dù đánh giá thế nào đi nữa khi nhìn về tổng thể ngành giáo dục năm 2018 thì đó lại là tín hiệu tốt lành cho những chuyến biến tích cực của nền giáo dục nước nhà”.
Vị này phân tích, phải khẳng định rằng từ khi Đảng có chủ trương “đổi mới bản và toàn diện giáo dục và đào tạo” từ nghị quyết số 29 –NQ/TW năm 2013, ngành giáo dục đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội.
“Trước đây, xây dựng nền giáo dục chỉ là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì nay nó đã trở thành mối quan tâm chung của mọi người, mọi nhà và cả xã hội.
Dù một vấn đề nhỏ xảy ra ở trường, ở lớp đều nhận được sự quan tâm đặc biệt từ xã hội. Vì vậy có thể nói giáo dục nước nhà đã thực sự xã hội hóa về thực chất.
Đây chính là tiền đề quan trọng để xây dựng và thúc đẩy hướng tới một nền giáo dục phát triển và tiến bộ”, chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền nhấn mạnh.
Chính vì vậy để có thể đáp ứng được kỳ vọng của xã hội thì chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền cho rằng, khoan hãy nói về nền giáo dục 4.0 thì thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn rất nhiều việc phải làm.
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh chuyên ngành giáo dục, thành viên Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế NAFSA, Đại học Newcastle, Australia cho rằng: “Theo cá nhân tôi, dù đánh giá thế nào đi nữa khi nhìn về tổng thể ngành giáo dục năm 2018 thì đó lại là tín hiệu tốt lành cho những chuyến biến tích cực của nền giáo dục nước nhà”. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Cụ thể, chuyên gia này chỉ rõ, thứ nhất, Bộ cần thay đổi về tư duy giáo dục. Nền giáo dục một chiều, giáo điều, và áp đặt không còn phù hợp với sự thay đổi của xã hội hiện nay.
Bởi lẽ với sự phát triển khoa học công nghệ như bây giờ giới trẻ có thể tự trở thành người thầy của chính mình về kiến thức cho nên quan niệm giáo dục là quá trình truyền thụ tri thức của thế hệ trước cho thế hệ sau không còn phù hợp.
Người thầy không còn giữ vị trí độc tôn về chiếm lĩnh tri thức và là người quyền uy để ban phát tri thức nữa mà thay vào đó giáo viên chỉ nên đóng vai trò là hướng dẫn, hỗ trợ và giúp đỡ học sinh mình phát huy khả năng và theo đuổi sở thích của chúng, vì vậy bản chất của quá trình dạy học hiện nay là trao cho chúng kĩ năng tự học và hướng tới đào tạo những người học tập suốt đời.
Thứ hai, đời sống của giáo viên phải được chăm lo và đảm bảo vì họ là người trực tiếp thực thi các chính sách giáo dục nếu cơm áo, gạo tiền còn đè nặng thì khó mong cho họ dồn hết tâm huyết với nghề.
Thứ ba, giảm bớt các mệnh lệnh hành chính trong giáo dục và hướng tới một nền giáo dục dân chủ thực chất có như vậy mới có thể tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh và tích cực.
Thứ tư, cần ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số trong dạy học và quản lý giáo dục một cách đồng bộ và hiệu quả.
Thứ năm, cần phải hướng tới xây dựng các trường học tự chủ vì chỉ có tự chủ mới có chất lượng thực chất.
Cuối cùng, bất cập lớn nhất hiện nay của nền giáo dục chúng ta là đang duy trì một cấu trúc giáo dục định hướng về học thuật và coi nhẹ nghề nghiệp.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền nêu, những quốc gia phát triển họ thiết kế hệ thống giáo dục theo định hướng nghề nghiệp rất rõ ràng từ trung học phổ thông thậm chí nhiều quốc gia như Đan Mạch, Đức, hay Thụy Điển họ đã cho học sinh lựa chọn ngành học từ trung học cơ sở và xem trung học phổ thông như là bước chuyển tiếp cho ngành mà học sinh sẽ theo đuổi ở bậc cao hơn.
Còn ở Việt Nam vẫn còn duy trì 3 năm trung học phổ thông với chương trình nặng về kiến thức hàn lâm, áp đặt và quá dàn trải, thậm chí khi tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng các em không có một kiến thức nghề nghiệp chuyên môn nào cụ thể và nếu không tiếp tục con đường học lên cao thì chỉ trở thành những lao động phổ thông thiếu kĩ năng. Đây chính là sự lãng phí nguồn nhân lực kĩ năng của đất nước.
Khép lại năm 2018 cho thấy xã hội đặc biệt quan tâm và luôn đòi hỏi cao đối với lĩnh vực giáo dục. Đây cũng là điều dễ hiểu khi giáo dục là quốc sách hàng đầu, liên quan đến thịnh suy của dân tộc.
Bằng niềm tin của mình, vị chuyên gia này tin rằng, với sự quan tâm của xã hội, của Đảng và Chính phủ, ngành giáo dục nước nhà sẽ có những khởi sắc trong năm mới 2019.