Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh qua nhiều bài viết về những mảng tối xảy ra trong nhiều năm liền tại ngôi trường ngay giữa Thủ đô, Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội).
Những góc khuất, mảng tối của ngôi trường này dần được vén màn bởi có những giáo viên dám đứng lên đấu tranh với sai trái và bất công, họ chấp nhận bị trù dập, bị thiệt thòi.
Giữa Thủ đô, 10 năm qua, giáo viên trường Hoàng Hoa Thám bị ăn chặn tiền lên lớp |
Không ít giáo viên trường này bày tỏ sự thất vọng và vô cùng bức xúc, bởi giữa Thủ đô mà chế độ, mồ hôi nước mắt, công sức của giáo viên không được đảm bảo. Người đứng đầu nhà trường hành xử theo cảm tính, mất dân chủ.
Đáng chú ý, ngoài việc bị giáo viên phản ánh như chế độ dạy thêm giờ, lương dạy học 2 buổi bị bớt xén, ăn chặn trong nhiều năm qua, giáo viên còn tố những người “ăn trên ngồi chốc” tự nghĩ ra công thức tính tiền bán trú sai quy định và tổ chức dạy hè trái quy định nhằm mục đích thu lợi từ học sinh và phụ huynh.
Không dừng lại ở đó, một giáo viên mới đây phản ánh đến phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vì quá bức xúc, vì bị o ép đã phải xin nghỉ việc.
Điều ngạc nhiên, đây cũng cũng là giáo viên chỉ nhận được 250 ngàn đồng lương dạy 2 buổi trong tháng 8/2017 mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh bảng lương bất công trước đó.
Trong đó, ban giám hiệu, thủ quỹ, kế toán có mức thu nhập lương 2 buổi từ 24-27 triệu đồng, tức mức thu nhập này gấp cả trăm lần giáo viên trên.
Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám bị giáo viên tố rất nhiều khoản chi tiêu tài chính mập mờ. Ảnh: NVCC |
Giáo viên này thẳng thắn chia sẻ: “Tháng 12/2017, tôi đã quyết định xin nghỉ việc tại Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám. Sau một thời gian dài tôi chịu đựng với mong muốn được yên ổn và chờ thi vào biên chế nên tôi phải câm nín.
Nhưng trước cách đối xử bất công và o ép của lãnh đạo nhà trường khiến tôi phải đưa ra quyết định vô cùng khó khăn là nghỉ việc.
Đây là quyết định khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, bởi đó là ngôi trường tôi đã gắn bó hơn 10 năm.
Tôi chấp nhận thất nghiệp vài tháng trước khi nộp hồ sơ vào dạy tại một trường quốc tế”.
Giáo viên này cũng cho biết, thời gian dạy tại Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám bị đối xử rất bất công, đơn giá tiết dạy 2 buổi của giáo viên không chỉ bị ăn chặn, bớt xén và mang nặng hình thức áp đặt, “ban ơn” của lãnh đạo nhà trường.
Mọi quyết định phụ thuộc vào sự yêu ghét của người đứng đầu nhà trường.
Giáo viên này bức xúc cho biết: “Giáo viên hợp đồng tại trường nhiều năm liền bị thiệt đơn thiệt kép mà không dám lên tiếng.
Giáo viên biên chế bị tính thiếu đơn giá theo một công thức loằng ngoằng của nhà trường đưa ra là 34.000 đồng/tiết thay vì đơn giá 52.000 đồng.
Còn giáo viên diện hợp đồng còn bị bớt xén, ăn chặn nhiều hơn nữa.
Giáo viên hợp đồng chỉ được tính đơn giá dạy 2 buổi rất thấp, có thời điểm 15.000 đồng cho 1 tiết dạy 2 buổi, thời điểm 25.000 đồng, lúc lại được tính 34.000 đồng.
Trong đó có năm 2013, tôi được nhận 34.000 đồng/tiết bằng với giáo viên biên chế.
Sau đó tôi lại nhận mức đơn giá cũ là 25.000 đồng/tiết dạy 2 buổi.
Nói về việc tôi được nhận đơn giá 34.000 đồng/tiết trên do thời gian này hiệu trưởng nhà trường là bà Bùi Thị Kim Thúy đang lấy phiếu tín nhiệm để làm hiệu trưởng nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo.
Gần chục năm qua tôi nhận mức đơn giá thấp như vậy. Tôi có thắc mắc với hiệu trưởng thì cũng không được trả lời một cách rõ ràng, minh bạch.
Trong khi đó, theo quy định, lương dạy 2 buổi/ngày không phân biệt giáo viên hợp đồng hay biên chế, bởi đây là khoản thu nhập thêm ngoài lương ngân sách do phụ huynh đóng góp”.
Bảng thu nhập tháng 8/2017 của ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám tổ chức dạy thêm trá hình dưới danh nghĩa câu lạc bộ hè. Trong ô vuông đỏ là thu nhập 2 buổi của ban giám hiệu, thủ quỹ, kế toán từ 24-27 triệu đồng. Ảnh: NVCC |
Cũng theo giáo viên này, từ năm 2007 đến 2015 thuộc diện hợp đồng với quận Ba Đình, nhận lương từ quận và được hưởng đầy đủ chế độ và được đóng bảo hiểm xã hội.
Giáo viên này chỉ rõ: “Trước tôi là giáo viên hợp đồng với quận thì được đóng bảo hiểm xã hội và nhận lương giáo viên theo hợp đồng do quận trả và thêm khoản nữa là lương dạy 2 buổi do trường trả.
Nhưng sau đó, tôi chuyển về hợp đồng với trường, tôi chỉ được nhận được một mức thu nhập duy nhất là một tháng đứng lớp bao nhiêu tiết sẽ nhân với đơn tiết dạy 2 buổi do nhà trường tự áp đặt.
Điều này rất vô lý bởi lương giáo viên đứng lớp dạy buổi chính phải trả lương riêng, còn lương đứng lớp dạy 2 buổi phải theo công thức tính mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hướng dẫn.
Dù nhà trường ký hợp đồng với giáo viên là 1 năm, nhưng tôi không được đóng bảo hiểm xã hội. Tôi có hỏi hiệu trưởng tại sao giáo viên hợp đồng với quận thì được đóng, còn về trường lại không được đóng.
Hiệu trưởng trả lời do nhà nước không hỗ trợ, và trường cũng không đóng. Vì không muốn gián đoạn đóng bảo hiểm xã hội, tôi xin được tự đóng và gửi bảo hiểm xã hội ở trường. Nhưng, hiệu trưởng cũng không đồng ý. Tôi phải gửi bảo hiểm xã hội tại một trường khác để không bị gián đoạn”.
Một trong những câu chuyện khiến giáo viên này bức xúc và khó hiểu trước cách ứng xử của hiệu trưởng đó là thời điểm giáo viên này mang thai gần đến ngày sinh, nhưng hiệu trưởng không cho nghỉ.
Hiệu trưởng trường Hoàng Hoa Thám nói không ăn, cũng không làm một mình |
Giáo viên này cho biết: “Tôi đến gặp hiệu trưởng xin nghỉ theo chế độ thai sản.
Nhưng hiệu trưởng nói không được nghỉ, bởi không có giáo viên dạy thay.
Nhà trường cũng không có tiền thuê giáo viên dạy thay. Tôi rất ngạc nhiên trước cách trả lời của hiệu trưởng.
Tôi không biết nói sao chỉ xin hiệu trưởng giúp đỡ. Sau đó, hiệu trưởng mới gợi ý rằng tôi muốn nghỉ phải tự thuê giáo viên dạy thay.
Tôi không biết làm thế nào vì quá gần ngày sinh rồi. Tôi chỉ biết nhờ hiệu trưởng giúp đỡ thì được gợi ý là nhà trường đứng ra thuê giáo viên dạy thay, nhưng tôi phải trả tiền lương hàng tháng cho giáo viên dạy thay.
Khoản tiền trả cho giáo viên dạy thay bằng tiền chế độ thai sản của tôi do bảo hiểm chi trả.
Tuy nhiên, ngày hôm sau hiệu trưởng lại gọi tôi lên nói là bảo hiểm chỉ trả 75% lương chế độ thai sản, bởi vậy tôi phải đóng thêm 25% nữa để trường thuê giáo viên dạy thay.
Tôi chấp nhận đóng thêm 25%. Hết thời gian nghỉ thai sản tôi đi dạy lại thì không thấy nhà trường bắt đóng khoản này. Tôi cũng không biết vì sao trường không bắt tôi trả tiền thuê giáo viên dạy thay thời gian tôi nghỉ thai sản”.
Lãnh đạo Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám áp dụng công thức chi bán trú khác với hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội theo hướng có lợi cho người quản lý. Ảnh: NVCC |
Không chỉ giáo viên trên, mà nhiều giáo viên khác đang giảng dạy tại Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám còn tiếp tục "tố" khoản tiền bán trú 150.000 đồng/học sinh/tháng cũng đang bị bớt xén và không rõ ràng.
Một giáo viên chủ nhiệm cho biết: “Ngoài khoản tiền giáo viên được nhận từ ngân sách, tiền học 2 buổi, còn một khoản nữa là tiền bán trú. Khoản tiền này dùng để chi trả cho giáo viên giúp học sinh như việc ăn trưa, ngủ trưa…
Công thức tính tiền bán trú cũng được Sở hướng dẫn rất rõ. 80% cho người trực tiếp chăm sóc, nhân viên phục vụ khác. 20% còn lại cho cán bộ quản lý, kế toán, thủ quỹ, thanh tra, công đoàn … và phúc lợi tập thể.
Tuy nhiên, nhà trường lại nghĩ ra một công thức khác có lợi cho quản lý. Theo công thức của trường, giáo viên trực tiếp chăm sóc chỉ được từ 40%-50%. Chi cho quản lý 20%-25%, chi cho nhân viên khác là 25%".
Ai cùng với Hiệu trưởng trường Hoàng Hoa Thám bớt tiền lên lớp của thày cô? |
Cũng theo giáo viên chủ nhiệm này, giáo viên gần như làm hết từ cho học sinh ăn, ngủ, đến rửa cốc, lau quạt trần…, nhưng cũng chỉ được 40%-50%. Trong khi đó, riêng ban giám hiệu nhận 20% -25%. Phần còn lại không biết chi vào đâu, nhưng không thấy công khai.
Tổng số học sinh năm học 2017-2018 là trên 1.400 học sinh, trong đó có 1.286 ăn bán trú. Tính ra riêng số tiền bán trú mỗi tháng học sinh cả trường đóng lên đến hơn 190 triệu đồng. Mấy chục giáo viên được tối đa một nửa số tiền trên, còn lại là ban giám hiệu và công tác khác.
Đáng nói, việc thu chi tiền bán trú và tiền học 2 buổi/tuần, tiền dạy thêm hè trong tháng 8 diễn ra trong nhiều năm liền, nhưng không công khai để giáo viên, nhân viên, phụ huynh giám sát. Những khoản thu và chi này rất mập mờ”.
Đến đây, thanh tra ngành giáo dục, các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ về những dấu hiệu sai phạm tại Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám để trả lại môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh của Thủ đô.