Chiều 27/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã khảo sát tại Ban Công tác đại biểu, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Ban Công tác đại biểu, Ủy ban các Vấn đề xã hội và Văn phòng Quốc hội đề nghị cải cách chính sách tiền lương không chỉ là điều chỉnh mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu vùng mà cần xây dựng một hệ thống chính sách tiền lương trở thành động lực cho hoạt động công vụ, lao động, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, không cào bằng như hiện nay, có sự phù hợp tương đối giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (Ảnh: VPCP) |
Đối với phạm vi hoạt động của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng đề nghị Ban Chỉ đạo nghiên cứu giảm các loại chế độ, phụ cấp (có tính chất lương) để tính gộp vào lương, giúp nâng lương cho cán bộ, công chức và cơ quan của Quốc hội mà không làm ảnh hưởng tới nguồn kinh phí trả lương; kéo giảm số lượng bậc lương vốn đang quá nhiều như hiện nay...
Đánh giá cao các ý kiến thảo luận và đóng góp xây dựng Đề án cải cách chính sách liền lương của các cơ quan, Trưởng Ban chỉ đạo Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục phân tích, góp ý xây dựng Đề án đối với Ban chỉ đạo trong thời gian tới.
Theo đó, Văn phòng Quốc hội và các Ủy ban tham khảo kinh nghiệm của các nghị viện trong khu vực và thế giới để tính toán chính sách lương phù hợp cho các đại biểu Quốc hội lâu năm, các chức danh mới được luật pháp quy định như Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Tổng Thư ký Quốc hội; tính toán tương quan lương của cơ quan dân cử ở Trung ương và địa phương đối với các cơ quan tư pháp đặc thù khác cùng cấp.
Qua các ý kiến của các cơ quan, Trưởng Ban chỉ đạo bày tỏ đồng tình phải làm rõ và phân biệt giữa tiền lương và các khoản phụ cấp có tính chất lương và các khoản phụ cấp có tính chất trợ cấp ưu đãi để minh bạch tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện “tăng thu, tiết kiệm chi”, trong đó phân tích, định rõ cơ cấu chi thường xuyên của bộ máy nhà nước để tạo thêm nguồn cho cải cách tiền lương trong giai đoạn tới.