Con em lao động di cư học ở đâu, ai lo?

25/05/2018 08:25
Thùy Linh
(GDVN) - Thống kê năm 2017, cả nước có khoảng 260 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động với tổng số 2,8 triệu lao động thế nhưng mới chỉ có 112 trường mầm non.

Từ năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ một nước nông nghiệp thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. 

Qua đó các mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất đã được hình thành, phát triển đa dạng nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư, tuy nhiên đi kèm với chủ trương này thì một số vấn đề nảy sinh đối với các địa phương tiếp nhận nhiều lao động di cư như dân số cơ học tăng nhanh trong khi lao động di cư mang theo con nhỏ chiếm tỷ lệ cao dẫn đến điều kiện cơ sở vật chất và tài chính cho cấp cơ sở không kịp đáp ứng. 

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Vương Thị Hanh– Giám đốc trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ cho hay: 

“Vừa qua Trung tâm kết hợp với Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người tiến hành nghiên cứu “Tiếp cận giáo dục mầm non của con em lao động di cư”, qua đó chúng tôi nhận thấy rất nhiều hạn chế trong tiếp cận giáo dục mầm non đối với trẻ em là con em lao động di cư”. 

Thiếu trường mầm non công lập cho con em lao động di cư

Theo đó, bà Vương Thị Hanh thông tin, hiện đang thiếu trường mầm non công lập tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và những địa phương có đông lao động di cư tự do. 

Đặc biệt, theo thống kê năm 2017 cả nước có khoảng 260 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động với tổng số 2,8 triệu lao động. Thế nhưng cả nước mới chỉ có 112 trường mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. 

Con em lao động di cư học ở đâu, ai lo? ảnh 1
Bà Vương Thị Hanh– Giám đốc trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ thông tin Hiện cả nước có khoảng 260 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động với tổng số 2,8 triệu lao động thế nhưng mới chỉ có 112 trường mầm non ở đó. (Ảnh: Thùy Linh)

Bà Hanh cũng nhấn mạnh, mặc dù Chính phủ đã có chính sách phát triển trường mầm non trong các khu có đông lao động nhưng quỹ đất quy hoạch để đầu tư xây dựng cơ sở mầm non là không đủ. 

Ngoài ra, Giám đốc trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ cũng nhận định rằng: 

Các cơ sở mầm non ngoài công lập còn tồn tại nhiều bất cập. Theo thống kê sơ bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến đầu năm 2014, có khoảng 2/3 trong số hơn 16.000 lớp mầm non độc lập tự phát hoạt động được cấp phép. 

Số còn lại chưa được cấp phép do các cơ sở giáo này không đủ điều kiện về cơ sở vật chất và vướng mắc về thủ tục thuê địa điểm, đội ngũ giáo viên và nhân viên không ổn định, trình độ hạn chế.

Các chủ nhóm trẻ thiếu kinh nghiệm quản lý, chuyên môn nghiệp vụ về chăm sóc giáo dục mầm non yếu. 

Và công tác kiểm tra giám sát của phòng giáo dục gặp khó khăn, không phát triển kịp thời những sai sót để chấn chỉnh do nhóm trẻ, lớp mầm non độc lập tư thục tự phát nằm rải rác trong địa bàn dân cư. 

Con em lao động di cư học ở đâu, ai lo? ảnh 2Trong hè, Thành phố Hồ Chí Minh nhận giữ trẻ mầm non từ ngày 18/6

Cùng với đó là trẻ em di cư chịu nhiều thiệt thòi trong thụ hưởng quyền chăm sóc và vui chơi. Người lao động di cư không có thời gian dành cho bản thân và phải làm việc ca kíp, làm thêm giờ ảnh hưởng đến việc chăm sóc và nuôi dạy con cái. 

Có tới 62% người được hỏi cho rằng trẻ em di cư không tham gia các hoạt động địa phương tổ chức và 25% cho rằng ít tham gia do không có thông tin hay bố, mẹ bận đi làm nên không có thời gian đưa đón con tham gia. 

Có tới 9% nam giới và 18% phụ nữ tham gia nghiên cứu cho rằng không bao giờ cho con đi chơi  ở nơi công cộng. 

Thêm vào đó, phần lớn trẻ con em lao động di cư tự do đều bị chi phối bởi việc kinh doanh phụ giúp gia đình.

Do vậy, trẻ khó có cơ hội điều kiện học tập và vui chơi. Một số cha mẹ cho rằng việc học không quan trọng bằng việc kiếm tiền nên thường có trẻ theo họ buôn bán, kinh doanh, kiếm sống. 

Riêng về công tác quy hoạch, đầu tư và xây dựng trường mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu đông dân cư, bà Hanh cho rằng, hiện đang thiếu đồng bộ và còn khoảng trống trong thực hiện chính sách phát triển cơ sở mầm non ngoài công lập. 

Các chính sách hiện tại về quy hoạch đất xây dựng các công trình phục vụ người lao động còn nhiều bất cập nên không đủ quỹ đất trong các khu công nghiệp để xây dựng trường mầm non. 

Vấn đề quản lý dân cư bằng hộ khẩu chính là rào cản đối với trẻ em di cư tiếp cận hệ thống giáo dục công lập.

Bởi lẽ theo quy định hiện hành, điều kiện quan trọng nhất để trẻ nhập học ở các trường công lập là có hộ khẩu thường trú hoặc sổ tạm trú dài hạn.

Đây là một rào cản lớn khiến trẻ di cư không được học ở các trường công lập. Nếu không có hộ khẩu, trẻ được xem ở diện trái tuyến. 

Trong trường hợp này trẻ chỉ được nhận học nếu lớp học còn chỗ, đóng tiền trái tuyến, hoặc phải đóng học phí cao hơn. 

Trong khi đó, lao động di cư muốn gửi con ở trường công lập vì miễn học phí cho bậc tiểu học và học phí hợp lý ở bậc mầm non, giáo viên có chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất đầy đủ và độ an toàn cho trẻ cao hơn. 

Tuy nhiên, con em lao động di cư rất khó tiếp cận các trường công lập do quy định khắt khe về thủ tục nhập học. Do đó, bố mẹ phải gửi con vào các trường tư thục hoặc những cơ sở trông trẻ tư nhân tự phát hay nhóm trẻ gia đình. 

Mọi trẻ em cần được bình đẳng tiếp cận hệ thống giáo dục công lập


Từ những thực tế điều tra được trong nghiên cứu này, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và Nâng cao năng lực cho phụ nữ Vương Thị Hanh cho biết, Trung tâm kết hợp với Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người cũng đưa ra các khuyến nghị. 

Con em lao động di cư học ở đâu, ai lo? ảnh 3Vì sao phải quy định năng lực ngoại ngữ nhất định với giáo viên mầm non?

Trong đó có kỳ vọng chính quyền các địa phương có khu công nghiệp, khu chế xuất và có đông người lao động di cư cần sớm thực hiện rà soát, dự báo, điều chỉnh quy hoạch phát triển các dịch vụ công bao gồm mầm non công lập gắn với nhà ở của công nhân, nhằm bảo đảm trẻ di cư không bị phân biệt đối xử trong tiếp cận giáo dục gồm các khoản đóng góp trái tuyến vào các trường công lập. 

Hội đồng nhân dân ở các địa phương có đông khu công nghiệp, khu chế xuất ban hành nghị quyết để những trường mầm non công lập ở các khu công nghiệp, khu chế xuất nhận trông trẻ ngoài giờ và ngày nghỉ với chi phí phù hợp để lao động di cư gửi con trong thời gian tăng ca.

Đồng thời, Vụ Giáo dục mầm non thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thống kê số lượng lao động và trẻ em di cư ở các bậc học này tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất để đề xuất tăng phân bổ ngân sách cho những địa phương này, nhằm thúc đẩy phổ cập giáo dục mầm non theo tinh thần Luật Giáo dục (sửa đổi) 2015.

Bộ Công an đề xuất Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30/10/2017 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công an nhằm loại bỏ hộ khẩu ra khỏi thủ tục đăng ký nhập học để mọi trẻ em bình đẳng tiếp cận hệ thống giáo dục và y tế công lập.

Thùy Linh