Thắng lợi của công cuộc đấu tranh giành độc lập, đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám năm 1945, là một trong những thắng lợi to lớn và vang dội nhất trong lịch sử nước nhà.
Thắng lợi đó cho thấy rõ, đường lối và mục tiêu đấu tranh cách mạng của Đảng luôn phù hợp với ý chí, nguyện vọng và lòng mong đợi của các tầng lớp nhân dân.
Đây là nhân tố quyết định làm nên sức mạnh, để quân và dân ta đấu tranh lật đổ ách đô hộ, áp bức, bóc lột của thực dân, phát xít và phong kiến, giành lại nền độc lập và tự do cho dân tộc.
Thấy rõ sức mạnh lòng dân của nhân dân Việt Nam, thực dân Pháp đã sử dụng sách lược “chia để trị” và “dùng người Việt trị người Việt”.
Mục đích là làm ly tán lòng người, suy giảm sức mạnh đoàn kết và yêu nước, che đậy các hành động vơ vét và bóc lột tàn bạo của nhà nước đô hộ.
Bên cạnh đó, kẻ thù còn lập ra quân đội, cảnh sát, tòa án và nhà tù.
Chúng thẳng tay đàn áp, bắt bớ, giam cầm, tra tấn rất dã man những người yêu nước nhằm trấn áp nhân dân, dập tắt các phong trào đấu tranh của quần chúng.
Nhìn thấu mưu đồ của địch, với lòng yêu nước nồng nàn và ý chí căm thù giặc sâu sắc, nhân dân trên khắp các vùng miền của đất nước vẫn anh dũng vùng lên đấu tranh.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đáp ứng nguyện vọng và lòng mong đợi của toàn dân.
Luận cương chính trị của Đảng xác định: Nhiệm vụ của cách mạng là đánh đổ đế quốc Pháp giành lại độc lập dân tộc và đánh đổ phong kiến mang lại cuộc sống ấm no cho toàn dân.
Phương hướng đấu tranh là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Ý Đảng hợp với lòng dân, có Đảng lãnh đạo, các tầng lớp nhân dân đã anh dũng vùng lên đấu tranh, mở đầu là Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931, sau đó là phong trào đấu tranh đòi tự do và dân chủ những năm 1936-1939.
Mặc dù bị kẻ thù đàn áp tàn bạo, nhưng được nhân dân che chở và giúp đỡ nên Đảng vẫn tồn tại và phát triển trong dân.
Đường lối, mục tiêu đấu tranh cách mạng của Đảng đã đáp ứng nguyện vọng và lòng mong đợi của các tầng lớp nhân dân.
Đây là nhân tố vô cùng quan trọng để đưa cuộc đấu tranh cách mạng phát triển thành cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc vào những năm 1939-1945.
Người dân Hà Nội dự lễ mít tinh biểu dương lực lượng tại Quảng trường Nhà hát Lớn ngày 19/8/1945. Ảnh tư liệu |
Nhân dân Hà Nội chiếm Phủ Khâm Sai, ngày 19/8/1945. Ảnh tư liệu |
Ngày 15/8/1945, Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh, thời cơ thuận lợi đã tới, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc khẩn trương được thành lập.
Ủy ban ra Quân lệnh số 1 xác định rõ thời cơ giành độc lập đã đến, kêu gọi đồng bào cả nước anh dũng vùng lên đấu tranh giành chính quyền.
Sau đó Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc tại Tân Trào, đưa ra quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân và thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh.
Chủ trương của Đảng cùng chính sách của Mặt trận, được Đại hội Quốc dân ở Tân Trào thông qua.
Thắng lợi đó cho thấy ý chí của Đảng đã đáp ứng nguyện vọng và lòng mong đợi của toàn dân.
Yếu tố quan trọng làm tăng sự đồng thuận, nhân lên sức mạnh thúc đẩy quần chúng vùng lên đấu tranh.
Trước sức mạnh đấu tranh anh dũng của các tầng lớp nhân dân, có lực lượng vũ trang hỗ trợ làm cho kẻ thù vô cùng hoảng sợ, ta giành chính quyền ở nhiều địa phương.
Thủ đô Hà Nội, nơi kẻ thù thiết lập bộ máy cai trị nhiều tầng, lại có lực lượng quân sự lớn bảo vệ, nhưng dưới sự lãnh đạo của Thành ủy và Ủy ban khởi nghĩa, nhân dân đã anh dũng đứng lên đấu tranh.
Ngày 19/8/1945, được quần chúng ủng hộ, các đội viên thanh niên tuyên truyền và tự vệ Hà Nội đã dũng cảm xông lên chiếm diễn đàn, kêu gọi các tầng lớp nhân dân vùng lên đấu tranh giành chính quyền, biến cuộc mít tinh chống phá cách mạng của kẻ thù thành cuộc mít tinh ủng hộ cách mạng của quần chúng.
Sau đó hàng chục nghìn người đã tỏa ra các tuyến phố chính ở Thủ đô, tuần hành và hô vang các khẩu hiệu “Đả đảo Chính phủ bù nhìn!”, “Ủng hộ Việt Minh!”, “Việt Nam độc lập muôn năm!”.
Trước tinh thần đấu tranh rất mạnh mẽ của nhân dân, có lực lượng tự vệ phối hợp, chính quyền tay sai của địch cùng quân Nhật và quân Pháp không dám chống cự.
Nắm thời cơ, quần chúng đã anh dũng tràn vào chiếm các cơ quan đầu não của kẻ thù, giành chính quyền về tay nhân dân đúng ngày 19/8/1945.
Thắng lợi của nhân dân Thủ đô đã cổ vũ nhân dân cả nước vùng lên giành chính quyền.
Kinh đô Huế trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng, ngày 23/8/194, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị, bàn giao quyền lực cho chính quyền nhân dân.
Thành phố Sài Gòn, ngày 25/8/1945, các tầng lớp nhân dân có lực lượng công đoàn và thanh niên làm nòng cốt đã nhanh chóng chiếm giữ các công sở của địch giành chính quyền.
Thắng lợi nhanh chóng của Cách mạng Tháng Tám càng minh chứng rõ sức mạnh của ý Đảng và lòng dân trong đấu tranh cách mạng.
Ngày 2/9/1945, trên Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Ngày 19/8/1945 chính là mốc son chói lọi đánh dấu thắng lợi vĩ đại và mở ra thời đại mới, thời đại độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam.