Ngay cả trong lực lượng công an, Đà Nẵng cũng đã tổ chức thi tuyển các chức danh đội trưởng, đội phó để tạo sự cạnh tranh công bằng, lựa chọn được người có năng lực lãnh đạo, quản lý.
Muốn làm “quan”, phải thi
Từ năm 2005, Đà Nẵng bắt đầu triển khai việc thực hiện thi tuyển các chức danh lãnh đạo sở, ngành.
Các ứng viên tham dự kỳ thi tuyển Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Nguyễn Huệ (Hải Châu, Đà Nẵng). Ảnh: TT |
Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết, từ năm 2005, trên cơ sở chủ trương của Bộ Nội vụ, thống nhất của Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Đề án:
“Thực hiện thí điểm thi tuyển Giám đốc, Phó Giám đốc (tương đương) một số đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng”.
“Kết quả ban đầu của thí điểm thi tuyển lãnh đạo đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của cán bộ, công chức, viên chức thành phố và cho thấy đây là hướng đi mới trong tuyển chọn cán bộ.
Do vậy, năm 2012, Ủy ban nhân dân thành phố đã có quyết định về việc thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp”, ông Đồng nói.
Sau gần 9 năm, từ 2006 – 2015 (từ 2015 đến cuối 2017 tạm dừng chờ đề án mới của Trung ương – phóng viên chú thích) triển khai thực hiện đã có 51 cơ quan, đơn vị tổ chức thi tuyển.
Trong đó có 19 lượt sở, ban, ngành và 31 lượt Ủy ban nhân dân quận, huyện.
Đặc biệt, trong năm 2013, Đà Nẵng tổ chức thi tuyển chức danh Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội thuộc Ủy ban nhân dân thành phố và năm 2015 đã tổ chức tuyển chọn chức danh Giám đốc Sở Xây dựng.
Theo Sở Nội vụ Đà Nẵng, đã có 458 ứng viên đăng ký dự thi cạnh tranh công khai, trong đó đã có 151 ứng viên trúng tuyển. Bình quân có trên ba ứng viên dự thi cho một vị trí chức danh.
“Sự kiện” của ngành giáo dục
Năm 2006, kỳ thi tuyển chức danh Phó Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Phan Châu Trinh đã được xem là một “sự kiện” của ngành giáo dục.
Hiệu phó thi thắng 5 đồng nghiệp để làm Hiệu trưởng |
Khác hẳn với việc bổ nhiệm, đề bạt như trước đây, kỳ thi này đã mở ra một cách làm mới trong công tác tổ chức cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.
Theo một cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, vào thời điểm đó có ba ứng cử viên cho chức danh Phó Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Phan Châu Trinh.
Các ứng viên phải trãi qua hai phần thi gồm: thi viết và bảo vệ đề án với các nội dung liên quan đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học, củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy của nhà trường.
Kết quả kỳ thi đã lựa chọn được người có năng lực quản lý, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu phát triển của nhà trường.
Sau kỳ thi này, Sở Giáo dục Đà Nẵng nhận thấy, phương án thi tuyển lãnh đạo đã phát huy được hiệu quả, lựa chọn được “nhân tài” nên đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tiếp tục thực hiện đại trà.
Tiếp đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng tổ chức thi tuyển chức danh Hiệu trưởng đối với trường trung học phổ thông Thái Phiên. Rồi Phó Hiệu trưởng trường trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn.
Trong số những giáo viên dự thi tuyển Hiệu phó, Hiệu trưởng thì một số người đã trở thành lãnh đạo của ngành giáo dục thành phố.
Đó là trường hợp ông Lê Trung Chinh (hiện là Bí thư quận ủy Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).
Năm 2007, khi đang là Hiệu phó trường trung học phổ thông Ông Ích Khiêm, ông Chinh đã vượt qua kỳ thi tuyển và được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Thái Phiên.
Năm 2009, ông được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng và sau đó là Giám đốc sở này cho đến tháng 3/2016.
Phương án thi tuyển hiệu trưởng của cô Phan Tuyết |
Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu cho biết, hiện hầu hết các Hiệu phó, Hiệu trưởng các trường từ mầm non đến trung học cơ sở trên địa bàn đều trãi qua thi tuyển.
Hiệu phó, Hiệu trưởng của nhiều trường lớn như trường tiểu học Phù Đổng, trường tiểu học Núi Thành, Bạch Đằng… đều được bổ nhiệm thông qua thi tuyển.
Từ chỗ chỉ tổ chức thi tuyển chức danh Hiệu trưởng, Hiệu phó cho một trường trung học phổ thông cụ thể, năm 2009, sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng có thêm một bước cải tiến trong thi tuyển chức danh lãnh đạo cho các trường học.
Đó là việc tổ chức thi tuyển đồng loạt Phó Hiệu trưởng cho 5 trường trung học phổ thông cùng một lúc.
Theo quy định, các kỳ thi tuyển phải có hai ứng viên đăng ký dự thi trở lên để tạo sự cạnh tranh.
Thí sinh tham dự thi tuyển vào các chức danh Hiệu phó, Hiệu trưởng phải đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn riêng biệt.
Trong đó, điều kiện bắt buộc là phải có bằng tốt nghiệp Đại học sư phạm trở lên hoặc đại học các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Qua gần 10 năm triển khai việc thi tuyển, đến tháng 5/2015, thực hiện Thông báo số 202-TB/TW của Bộ Chính trị, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo tạm dừng thi tuyển chức danh lãnh đạo cho đến khi Trung ương ban hành Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”.
Do vậy, từ năm 2015 đến gần cuối năm 2017 đã tạm dừng việc thực hiện thi tuyển chức danh lãnh đạo, chờ Trung ương có hướng dẫn mới để việc thực hiện chặt chẽ hơn về quy định, quy trình tổ chức thi tuyển.
Hiện một số quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã bắt đầu thực hiện lại việc thi tuyển chức danh Hiệu phó, Hiệu trưởng tại các trường.
(Còn nữa)