Ngày 19/2, Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, vừa có quyết định về việc ban hành “kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin ngành giáo dục và đào tạo thành phố Đà Nẵng”.
Theo Sở GD&ĐT Đà Nẵng, công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành thời gian qua đã đạt được những kết quả ban đầu, hỗ trợ tốt công tác dạy học và quản lý nhà nước.
Các trường học được trang bị cơ sở vật chất, phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới phương pháp dạy học, quản lý nhà trường và tương tác giữa nhà trường với giáo viên, học sinh.
Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh: An Nguyên |
Triển khai hệ thống thư viện điện tử thông minh đến các trường trung học cơ sở, nâng cấp hệ thống học liệu điện tử.
Toàn thành phố hiện có 217 phòng tin học với hơn 9.200 máy tính, đạt tỉ lệ 32 học sinh/1 máy tính và 4-5 giáo viên có một máy tính.
Phần mềm chống "chạy trường" của Đà Nẵng hoạt động ra sao? |
Ngoài ra, còn trang bị hơn 2.500 máy chiếu nhằm hỗ trợ công tác dạy học toàn thành phố.
Tuy nhiên, việc ứng dụng sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, mô hình e-learning dù triển khai đều đặn nhưng còn manh mún, thiếu tính liên kết.
Do đó, chưa đi vào chiều sâu, chưa được giáo viên và học sinh sử dụng thường xuyên trong hoạt động dạy và học hằng ngày.
Chỉ số xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của Sở GD&ĐT trong năm 2015 chỉ đạt ở mức trung bình (50,28/100 điểm), xếp thứ 22/25 trong khối các sở ban ngành thành phố Đà Nẵng.
Theo quyết định của UBND thành phố thì bắt đầu từ tháng 7/2017, Đà Nẵng sẽ thử nghiệm nền tảng dịch vụ giáo dục và đào tạo trên môi trường trực tuyến, tích hợp chặt chẽ với nền tảng chính quyền điện tử.
Nền tảng này là môi trường tích hợp các ứng dụng dùng chung của ngành giáo dục Đà Nẵng.
Tạo ra nơi trao đổi thông tin giữa nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh, cơ quan quản lý và các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục.
Đây được xem là mục tiêu đặc biệt quan trọng để phát triển toàn bộ hệ thống ứng dụng về sau cho ngành.
Đến tháng 9/2017, sẽ thử nghiệm xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp thông tin học sinh, giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý.
Cũng trong năm 2017, thành phố thử nghiệm xây dựng Hệ thống học tập điện tử e-Learning (gồm kho bài giảng điện tử và các công cụ dạy học), được tất cả các cơ sở đào tạo sử dụng chung.
Đầu năm học 2018 - 2019, Đà Nẵng sẽ chính thức xây dựng cơ sở dữ liệu Học bạ điện tử được ký số.
Mục tiêu đến năm 2020, thành phố sẽ có 50% trường học thông minh (có tối thiểu 1 lớp học thông minh được trang bị màn hình tivi, máy in, bộ thu phát wifi, hệ thống âm thanh, máy tính bảng,…).
Đồng thời, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực GD & ĐT ở mức độ 3 trở lên.
Xây dựng hệ thống học tập điện tử e-Learning bao gồm kho bài giảng điện tử và các công cụ dạy học, được chia sẻ sử dụng chung bởi tất cả các cơ sở đào tạo.
Triển khai rộng rãi các ứng dụng di động phục vụ giáo dục (Mobile Edcucation).
Việc triển khai Kiến trúc ứng dụng CNTT ngành GD & ĐT thành phố được chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (2016 - 2018) tập trung xây dựng kiến trúc, nền tảng và triển khai thí điểm một số ứng dụng.
Giai đoạn 2 (2019 - 2020) sẽ triển khai mở rộng trên toàn thành phố.