Ngày 4/2, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng (Đại học Đà Nẵng) cho biết, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017 của nhà trường là 2630 sinh viên.
Theo đề án này thì Trường thực hiện xét tuyển học sinh các trường trung học phổ thông trên toàn quốc, ưu tiên theo trình tự như sau:
Xét tuyển thẳng những thí sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và những thí sinh đủ điều kiện khác theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng công bố phương án tuyển sinh năm 2017 sau khi được giao cơ chế tự chủ đại học. Ảnh: An Nguyên |
Thứ hai, xét tuyển những thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017. Số lượng môn xét tuyển là 3 môn do thí sinh lựa chọn.
Nhà trường tuyển sinh theo 2 nhóm ngành gồm: nhóm 1 với 13 ngành (hệ thống thông tin quản lý, kế toán, kiểm toán, kinh doanh quốc tế, kinh doanh thương mại, kinh tế, maketing, quản trị kinh doanh, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị khách sạn, quản trị nhân lực, tài chính - ngân hàng, thống kê).
Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng |
Nhóm 2 gồm ba ngành: quản lý nhà nước, luật, luật kinh tế.
Theo đó, xét trúng tuyển theo ngành dựa trên chỉ tiêu đào tạo của từng ngành đã được công bố và điểm xét tuyển của thí sinh.
Điểm xét tuyển của thí sinh được xác định như sau: Điểm xét vào ngành = Tổng điểm 3 môn xét tuyển (không nhân hệ số) + Điểm ưu tiên tuyển sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Sau khi trúng tuyển vào ngành, sinh viên được lựa chọn và đăng ký theo học ở bất kỳ chuyên ngành nào thuộc ngành đã đăng ký.
Cũng trong đề án tuyển sinh này, Trường Đại học kinh tế Đà Nẵng đã công bố mức học phí đối với từng ngành học.
Trong đó, có nhiều ngành có mức học phí cao nhất là 17,5 triệu đồng/năm như: Quản trị tài chính, quản trị kinh doanh du lịch, ngoại thương…
Một số ngành khác có mức học phí thấp hơn là 9,5 triệu đồng/năm như: Kinh tế đầu tư, quản trị nguồn nhân lực…
Mức học phí này được đánh giá là cao hơn nhiều so với các năm trước đây, khi trường chưa được giao cơ chế tự chủ đại học (trong đó có tự chủ về tài chính).
Ngoài ra, Trường cũng công bố nhiều chính sách ưu đãi cho sinh viên.
Đối với sinh viên có điểm tuyển sinh đạt 26,5 điểm trở lên (không tính điểm ưu tiên) sẽ có cơ hội tuyển chọn đi học nước ngoài (theo các chương trình trao đổi sinh viên của nhà trường với các trường đại học trên thế giới), cấp học bổng toàn phần trị giá 100% học phí theo chuyên ngành đào tạo trong năm học đầu tiên.
Hỗ trợ sinh hoạt phí 1 triệu đồng/tháng trong năm học đầu tiên, bố trí và ở miễn phí 100% nội trú phí ký túc xá của Trường.
Sinh viên sẽ tiếp tục được hưởng chính sách ưu đãi trên nếu các năm học tiếp theo có kết quả học tập đạt từ loại giỏi và rèn luyện đạt từ loại tốt trở lên.
Nhà trường cũng sẽ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên thuộc các đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo năm học 2017-2018.