Ngày 21/6, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết “Từ điển chính tả... sai chính tả” đề cập tới cuốn Từ điển chính tả (dùng cho học sinh) do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2011, in tại Công ty Cổ phần Sách Nhân Dân.
Điều lạ là cuốn từ điển chính tả này lại có nhiều từ sai chính tả.
Ngày 22/6, phóng viên Báo điện tử giáo dục Việt Nam tìm mua cuốn sách, tuy nhiên, các hiệu sách đều cho biết hiện cuốn sách ấn hành năm 2011 đã hết, giờ lưu hành thay thế bằng bản mới được in và nộp lưu chiểu bản mới vào quý II/2012.
Bìa trước cuốn Từ điển chính tả (dùng cho học sinh) do Nhà xuất bản Thanh Niên in và nộp lưu chiểu vào quý II/2012 |
Mặc dù có được thay đổi về hình thức bìa sách và số trang sách tăng lên nên trật tự không còn giống như trong bài viết của tác giả Trần Sơn.
Tuy nhiên, hình thức có thay đổi nhưng các lỗi chính tả vẫn không hề được chỉnh sửa mà tiếp tục được giữ lại trong cuốn sách.
Bìa ngoài ghi tác giả là Ban biên soạn Từ điển Vietnambook, bìa trong ghi tác giả là Hoàng Dân (chủ biên), phần bìa cuối ghi chịu trách nhiệm xuất bản là ông Mai Thời Chính.
Thực tế cho thấy, ngay cả tên người chịu trách nhiệm xuất bản là ông Mai Thời Chính cũng viết không đúng chính tả. Rõ ràng, đúng chính tả thì tên người phải viết hoa chữ cái đầu tiên, ấy vậy mà, cuốn từ điển ghi “Mai Thời chính”.
Ngay cả tên người chịu trách nhiệm xuất bản là ông Mai Thời Chính cũng viết không đúng chính tả |
Hơn nữa, thường thì một từ chỉ có một cách viết đúng, nhưng trong cuốn từ điển này, có lại có tới hai, ba cách viết mà theo tác giả đều... đúng.
Các từ truyện cổ tích, truyện cười được viết sai thành chuyện cổ tích, chuyện cười (mục từ chuyện, trang 91), sau đó mới được viết đúng truyện cổ tích, truyện cười (mục từ truyện, trang 637).
Các từ truyện cổ tích, truyện cười được viết sai thành chuyện cổ tích, chuyện cười |
Theo tác giả cuốn sách thì viết dập dờn (mục từ dập, trang 118); giập giờn (mục từ giờn, trang 194); rập rờn (mục từ rập, trang 478)... đều được cả. Thật ra, để đúng chính tả chỉ có thể viết dập dờn hoặc rập rờn.
Trong cuốn từ điển này, có lại có tới hai, ba cách viết mà theo tác giả đều... đúng |
Chuẩn ngữ pháp, chính tả là điều rất quan trọng trong việc học Tiếng Việt, thế nhưng ngay chính cuốn “Từ điển chính tả”(dành cho học sinh) của NXB Thanh Niên còn quá nhiều lỗi chính tả mặc dù đã tái bản.
Vấn đề những trang sách cho học sinh in sai, in không chuẩn chính tả dường như không còn là điều mới mẻ nhưng các lỗi sai này khiến cho các bậc phụ huynh thực sự lo lắng không biết nên chọn sách nào cho con khi đứng trước thị trường sách đang tràn lan như hiện nay. Và phụ huynh không biết sách nào mới đúng, mới chuẩn?
Việc học sinh học tiếng Việt là điều quan trọng, vậy nhưng ngay cả sách cho các em được biên tập không chuẩn thì chuyện gì sẽ xảy ra?