LTS: Với tư cách là một độc giả thường xuyên của báo điện tử, tác giả Trần Sơn liệt kê một số lỗi mà báo điện tử thường mắc trong thời gian gần đây.
Độc giả nêu ra vấn đề đúng thời điểm kỉ niệm 90 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhiều nhận định của tác giả chưa phải là hoàn toàn chính xác, song bao nhiêu đó có thể là tài liệu tham khảo để những người làm báo hoàn thiện mình, đáp ứng lòng tin yêu của độc giả.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết.
Lỗi viết tắt và viết không đúng chuẩn tiếng Việt
“Theo Trung tâm dự báo khí tượng Thuỷ văn TƯ...” (Kiên quyết xử lý nếu trồng cây "nguyên bầu" là sai quy trình- Báo Hànộimới, ngày 16/6/2015).
Đáng ra, Trung ương phải viết tắt là TW (như trong các văn kiện Đảng) hoặc T.Ư (có dấu chấm ở giữa), còn nếu viết tắt là TƯ thì rất dễ hiểu lầm.
Rồi nữa, ngay cái tên Hànộimới của tờ báo này cũng không viết đúng chuẩn tiếng Việt.
Hà Nội là danh từ riêng phải viết hoa tất cả các chữ cái ở đầu các âm tiết. Và, các âm tiết trong từ và cụm từ phải được tách rời nhau. Viết Hànộimới là làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, nhất là một tờ báo của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Lỗi viết câu không đúng hoặc không chấm câu
Vẫn trong bài Kiên quyết xử lý nếu trồng cây "nguyên bầu" là sai quy trình (Báo Hànộimới, ngày 16/6/2015), bài báo có tới 5 câu không có dấu chấm câu ở cuối câu, cuối đoạn.
Bài báo Nguyên Phó BTC Quận ủy Cầu Giấy lĩnh án 12 năm tù trên tờ Petrotimes lại có câu “Người bị truy tố về tội không tố giác tội phạm”. Thực ra, đây chưa phải là câu hoàn chỉnh theo chuẩn tiếng Việt, vì câu này thiếu vị ngữ; cụm từ “bị truy tố về tội không tố giác tội phạm” mới chỉ là định ngữ cho danh từ “người” chứ chưa thể là vị ngữ của câu.
Có thể người viết định diễn đạt theo ý đây là thành phần chú thích cho câu trước đó “Trước khi tuyên án, Hội đồng xét xử tập trung làm rõ hành vi của bị cáo Nguyễn Quốc Văn (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại tổng hợp và kinh doanh bất động sản)”, nhưng khi viết, đáng lẽ ra phải dùng dấu phẩy thì lại dùng dấu chấm để tách câu dẫn đến sai ngữ pháp.
Lỗi dùng từ sai
Đây là một lỗi gặp khá nhiều trên báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng. Trước đây, tác giả Nguyễn Đình San (trên tạp chí Tuyên giáo) và nhà báo Nguyễn Thông (trên tạp chí Người làm báo) cũng đã chỉ ra các lỗi về dùng từ sai trên báo chí. Nhưng, hiện nay, các lỗi về dùng từ trên báo chí vẫn còn tương đối nhiều.
Tôi xin được đưa ra một số trường hợp cụ thể: “Sau khi kết thúc Đại hội điểm Ban Thường vụ tổ chức họp đánh giá, rút kinh nghiệm phát huy những việc làm tốt, chỉ ra những tồn tại cần khắc phục để rút kinh nghiệm cho các chi bộ, đảng bộ đại hội sau” (Tạo sự đồng thuận trong toàn Đảng bộ - báo Hànộimới, ngày 17/6/2015).
Người đọc có thể thắc mắc, không hiểu “rút kinh nghiệm phát huy” là gì, “tồn tại” là gì ? Hóa ra, người viết quên (?) đánh dấu phẩy sau từ “kinh nghiệm” nên đã tạo thành một cụm từ lạ, khó hiểu là “rút kinh nghiệm phát huy”; còn “ tồn tại” là cái đang có, cái còn lại thì tác giả lại dùng theo nghĩa là hạn chế, nhược điểm.
Trên báo Trí Thức Trẻ, ngày14/6/2015, trong bài Cuộc sống ở thuê dù gia thế giàu có của hot girl Thủy Top lại có câu “ Dù lớn lên trong một gia đình tri thức, giàu có nhưng Thủy Top chưa bao giờ lấy điều đó để khoe khoang, đánh bóng tên tuổi”. Trí thức có nghĩa khác tri thức. Trường hợp này phải dùng từ “gia đình trí thức” mới đúng phải không, thưa Ban biên tập Trí Thức Trẻ ?
Lỗi chính tả trên báo điện tử (Ảnh: Nguồn Internet) |
Báo Việt Nam Nét (vietnamnet.vn), ngày 14/6/2015, trong bài Thót tim kể chuyện dông lốc khiến Hà Nội tan hoang, có câu “ Khiếp sợ nhất vẫn là những người dân lưu hành trên đường lúc cơn dông xảy ra”. Để mô tả ai đó, vật nào đó đang đi trên đường thì người ta dùng từ “lưu thông” chứ không dùng từ “lưu hành” (đưa ra sử dụng rộng rãi).
Chưa kể, câu này còn mắc lỗi diễn đạt, dễ gây hiểu lầm. Chắc tác giả định diễn đạt ý “ Ai khiếp sợ ?”, nhưng viết như vậy, vô hình trung lại thành ra ý “ Khiếp sợ ai ?”.
Chúng ta thử so sánh câu trên với câu cùng cấu trúc sau “Khiếp sợ nhất vẫn là những kẻ đói thuốc trên đường đi kiếm cơm đen”. Do đó, câu trên có thể được hiểu là những người đi trên đường trong cơn dông là khiếp sợ nhất! Vậy, câu đó phải diễn đạt lại là “ Cảm giác khiếp sợ vẫn còn chưa tan trong lòng những người đi trên đường lúc cơn dông xảy ra”.
Vẫn trên Việt Nam Nét (dẫn theo Trí Thức Trẻ), ngày 9/6/2015, trong bài Lệ Rơi phản pháo Đàm Vĩnh Hưng, có câu “ Mỗi người có một yếu điểm khác nhau và cái tài, cái duyên khác nhau”. Ở đây, đáng lẽ dùng từ “điểm yếu” (hạn chế, nhược điểm, mặt yếu) thì tác giả lại dùng từ “yếu điểm” (điểm chính, điểm trọng yếu).
Bài Hậu trường “bay show xác thịt” gái chân dài (báo Việt Nam Nét, ngày 14/6/2015) dùng từ “khuyến mại” để diễn đạt ý “khuyến khích mua hàng” trong câu ““Gói hẹn hò” giá 700 ngàn được nắm tay bạn gái đi dạo phố và phải khuyến mại thêm một món quà”. “Khuyến mại” là khuyến khích bán hàng, còn “khuyến mãi” mới là khuyến khích mua hàng.
Lỗi dùng thừa từ, thiếu từ, sai kết hợp từ
Bài Nữ tiểu thư nổi tiếng nhà đại gia bậc nhất Việt Nam (báo Việt Nam Nét, ngày 20/2/2015) có câu “ Ái nữ Trần Thị Quỳnh Ngọc là con gái của doanh nhân quá cố Trần Văn Cường và Chủ tịch đương nhiệm tập đoàn Nam Cường Lê Thị Thúy Ngà ”.
Ái nữ đã có nghĩa người con gái yêu quý rồi, sao lại cùng dùng thêm một từ con gái nữa cho rườm rà, tối nghĩa ? Câu trên chỉ cần viết “ Ái nữ Trần Thị Quỳnh Ngọc của doanh nhân quá cố...” là được.
Rồi cái tiêu đề bài báo, “ Nữ tiểu thư...”, có cần thiết phải thêm “nữ” vào trước từ “tiểu thư” không, khi mà từ “tiểu thư” đã bao hàm nghĩa con gái rồi ?
Lạ lùng hơn nữa, tiêu đề bài báo là thế, vậy mà cuối bài lại kể về 2 chàng trai là Đặng Hồng Anh và Đoàn Quốc Huy. Chẳng lẽ họ cũng là “ nữ tiểu thư” ư ? Đã 2 lần tôi đã góp ý phản hồi dưới bài báo về những lỗi này, nhưng rất tiếc là không được ban biên tập chỉnh sửa.
Bài “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn” (Báo Dân trí, ngày 19/5/2015) có vài lỗi về dùng từ thừa như: “...Việt kiều ở nước ngoài về ”, “ Không phải ai cũng nhìn rõ hết sự hy sinh âm thầm, lặng lẽ của những người làm cha, làm mẹ...”. Việt kiều là người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài nên câu trên chỉ cần viết “Việt kiều về nước...” ; còn âm thầm và lặng lẽ là hai từ đồng nghĩa, chỉ cần dùng một trong hai từ đó là đủ.
Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13/6/2015, trong bài Thông tin mới vụ CSCĐ túm cổ áo người dân, có câu “ Sau khi xác minh làm rõ, nếu xác định lỗi sai của hai CSCĐ thì công an thành phố sẽ tổ chức gặp gỡ và có xin lỗi”. “Xác minh” và “làm rõ” có nghĩa tương đương nhau, vậy chỉ cần dùng “xác minh” là đủ. Đây cũng là lỗi về từ hay gặp trong các tin về pháp luật trên các báo.
Bài Hậu trường “bay show xác thịt” gái chân dài (báo Việt Nam Nét, ngày 14/6/2015) có câu “ Có nhiều người mẫu bán thân, hay nói thẳng ra là đi làm gái”.
Đây là lỗi thiếu từ, nên làm cho câu văn tối nghĩa, khó hiểu. Đáng lẽ ra, tác giả phải viết rõ “ đi làm gái gì ?”, ví dụ: đi làm gái bán dâm (gái bao, gái bán hoa) thì người đọc mới hiểu rõ nghĩa và mới chuẩn câu tiếng Việt.
Lỗi này còn thấy trong bài Người tình của chồng ngang nhiên sinh con thách thức (vẫn trên báo Việt Nam Nét, ngày 14/6/2015) với câu “ Sau hỏi thì chồng mình bảo là cô ta chê quê nghèo nên lên thành phố làm gái và họ cắt đứt mối quan hệ tại đây”.
Câu chú thích một ảnh trong bài Hà Nội: Nhà kỳ dị 'làm đẹp' đường đắt nhất hành tinh (báo Việt Nam Nét, ngày 14/6/2015) lại dùng sai kết hợp từ và diễn đạt câu không rõ nghĩa “ Ngôi nhà này đang bỏ không chỉ che chắn bằng tấm bạt đã rách rưới ”.
Thứ nhất là phải thêm dấu phẩy sau từ “không” và thêm từ “được” sau từ “chỉ”. Thứ hai là phải sửa cách dùng từ, hoặc bỏ từ “đã” hoặc bỏ tiếng “ rưới”, vì không có kiểu kết hợp “ đã rách rưới”.
Các từ ngữ hay sai chính tả trên báo chí là: vô hình chung (đúng ra là vô hình trung), sáng lạn (xán lạn), cọ sát (cọ xát), thăm quan ( tham quan), sơ xuất (sơ suất).
Ngoài ra, còn một số từ khác: “ Hồng Quân có thể truyền (từ đúng là chuyền) ngược trở lại cho đồng đội của anh đang băng lên dứt điểm” (Hồng Quân bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội xé lưới U23 Myanmar? , báo Dân trí, ngày 14/6/2015); “...chủ tịch Hồ Chí Minh ...” ( 3 lần trong bài không viết hoa chữ Chủ, bài “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn”, báo Dân trí, ngày 19/5/2015); “Giữa cầu, bốn chiếc ô tô 1 eurospace, 1 chiếc 16 chỗ, 1 sedan, 1 bán tải nằm dúm dó (đúng ra phải là rúm ró), trước đó là một cột đèn nằm ngang giữa đường ” (Thót tim kể chuyện dông lốc khiến Hà Nội tan hoang, báo Việt Nam Nét, ngày 14/6/2015).
Trên đây là một số lỗi trên báo điện tử trong thời gian gần đây. Theo thiển ý của tôi, để báo chí nói chung và các báo điện tử nói riêng tạo được niềm tin của người đọc và góp phần tích cực vào việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, các nhà báo, các cộng tác viên, các biên tập viên phải không ngừng trau dồi về kiến thức tiếng Việt, cũng như cần trách nhiệm, nghiêm túc, kĩ lưỡng trong viết bài và biên tập bài trước khi đưa lên mạng.
Bài viết thể hiện quan điểm, nhận thức và cách hành văn riêng của tác giả.