LTS: Liên quan đến vấn đề thanh lý hợp đồng giáo viên tại Thanh Oai, Hà Nội, thầy giáo Nguyễn Cao chia sẻ đôi điều về thân phận giáo viên hợp đồng.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Năm nào cũng cứ gần bước vào năm học mới thì dư luận lại bàng hoàng, xót xa khi thấy một số địa phương có kế hoạch thanh lý hợp đồng với hàng loạt giáo viên.
Năm nay cũng vậy, một số địa phương như Hà Nội, Cà Mau… đã có kế hoạch và lên tiếng về chuyện thanh lý giáo viên hợp đồng.
Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn giáo viên trong một địa phương lại có nguy cơ bị mất việc.
Nỗi đau này cứ tiếp diễn từ năm này sang năm khác, thân phận những giáo viên hợp đồng chưa bao giờ hết bấp bênh.
Giáo viên hợp đồng chia sẻ nỗi lo mất việc với phóng viên báo chí. Ảnh: Cand.com.vn |
Từ lâu, trong các nguồn lực để phát triển đất nước thì chúng ta đều biết nguồn lực con người vô cùng quan trọng và đóng vai trò quyết định nhất của đất nước.
Và, giáo dục cũng được Đảng và Nhà nước xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Nhưng, cứ nhìn vào cách mà một địa phương đối xử với đội ngũ thầy cô giáo - những người đang trực tiếp đào tạo ra nguồn nhân lực cho đất nước mà cám cảnh cho hình ảnh người thầy hiện nay.
Những lý thuyết viển vông, những mỹ từ khi nói về người thầy sao chông chênh, trớ trêu đến vậy.
Ngay những người thầy đang cống hiến, giảng dạy ở Thanh Oai, Hà Nội - thủ đô của đất nước - cũng đang rơi vào tình cảnh “rơi tự do” không biết bấu víu vào đâu để tồn tại với nghề.
Có những thầy cô đã có hàng chục năm công tác, thậm chí hơn 20 năm công tác, đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho ngành giáo dục để nhận mức lương tối thiểu (1.0) mà giờ đây cũng rơi vào cảnh bị thanh lý hợp đồng.
Không chỉ ở thủ đô mà đến cả những thầy cô ở tận cùng tổ quốc như Cà Mau thì những ngày này cũng đang rộ lên thông tin hơn 1400 giáo viên cũng bị thanh lý hợp đồng.
Ai bồi thường tuổi thanh xuân cho 434 giáo viên nếu bị đuổi việc? |
Nếu, ai đã từng đến với vùng đất này sẽ hiểu hơn hoàn cảnh sống của những người thầy.
Giữa vùng sông nước mênh mông, việc đi lại giữa các điểm trường còn vô cùng khó khăn, nhiều phụ huynh, học sinh còn chưa mặn mà với việc đến trường để tìm con chữ.
Ở đây, khi mà tỉ lệ học sinh bỏ học gần như đứng đầu cả nước.
Nhưng, chính những giáo viên đang gánh trên mình một sứ mệnh “trồng người” nên các thầy cô đâu có nề hà mà thường xuyên đến từng nhà vận động học sinh đến trường.
Có những thầy cô “chai mặt” đi vận động học trò, bỏ ngoài tai những lời khó chịu của phụ huynh cũng bởi vì mục đích duy nhất là vận động các em đến trường.
Bởi hơn ai hết, chỉ những người thầy - những người đã gắn bó với giáo dục ở những địa phương này mới hiểu hơn ai hết về giá trị của việc học bởi chỉ có học thì mới có thể thoát nghèo và nghĩ đến những chuyện xa xôi khác.
Tuổi xuân của họ đã đi qua, những thầy cô hăm hở ngày nào giờ đây phần nhiều đã trên dưới 40 tuổi - cái tuổi lỡ cỡ để làm lại hoặc tìm một nghề mới.
Và, cả tình yêu nghề, mến trẻ nên họ đã ở lại với ngành trong những tháng năm khó khăn nhất, những lúc mà nhân lực của ngành giáo dục còn nhiều khó khăn.
Nhưng, rồi họ - những người thầy đã đến với ngành giáo dục trong những lúc khó khăn thuở trước đã được đối xử thực sự công bằng hay chưa?
Tất nhiên, khi lãnh đạo địa phương đưa ra một công văn, kế hoạch để tinh giản, thanh lý hợp đồng giáo viên thì bao giờ họ cũng tìm ra những lý lẽ thuyết phục nhất.
Họ cứ bám vào chính sách, chủ trương hiện hành để thực hiện thì dĩ nhiên là quá đúng rồi.
Nhưng, cái đúng của họ lại bắt nguồn từ cái sai của những người tiền nhiệm, thậm chí là cái sai của chính họ.
Trong các kế hoạch phát triển ngành, địa phương của lãnh đạo thì bao giờ cũng có những kế hoạch ngắn hạn, dài hạn và kế hoạch chiến lược.
Có nghĩa là tầm nhìn 5 năm, 10 năm… cho ngành, cho địa phương mình.
Thế nhưng, chỉ vì cái lợi trước mắt hoặc vì ràng buộc bởi nhiều nguyên nhân như sự gửi gắm của cấp trên hay những người thân quen của mình.
Nào là của lãnh đạo, bạn bè, người thân của mình, thậm chí là mở ra hướng tiêu cực để tuyển dụng, để ký hợp đồng.
Chính vì sự dễ dãi, ràng buộc đó mà dẫn đến tình trạng dư thừa. Ngân sách nhà nước không kham nổi.
Tất cả những sai trái đó, những tréo ngoe đó được đổ hết lên đầu giáo viên hợp đồng.
Để xảy ra tình trạng dư thừa và phải thay lý hợp đồng của giáo viên như vậy thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm.
Chắc chắn rồi cũng sẽ chẳng có ai cả. Nếu có cũng tại lịch sử, tại tập thể mà nếu quy về trách nhiệm cá nhân thì cũng chỉ là “khiển trách”, cùng lắm kỷ luật đến mức “cảnh cáo” là cùng.
Bởi thực tế, chúng ta đã thấy nhiều trường hợp tương tự ở Thanh Hóa, Đắk Lắk… trong thời gian qua.
Bao giờ hết tình cảnh thanh lý giáo viên hợp đồng ngay trước thềm năm học mới?
Chắc chắn dư luận sẽ còn phải chứng kiến nhiều sự việc tương tự sẽ còn xảy ra trong những năm tới.
Và, cứ đà này thì ngành giáo dục làm sao có đủ sức hút, khả năng để thu hút những học sinh khá giỏi thi và học ngành sư phạm.
Bởi việc tuyển sinh là của Bộ Giáo dục, của các trường đại học, cao đẳng sư phạm nhưng tuyển dụng nhân lực cho ngành sư phạm lại là Sở, Phòng Nội vụ và các Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện thì có lẽ chuyện thanh lý hợp đồng không thể tránh khỏi.
Vì thế, thân phận, công việc của người thầy giờ đây bỗng trở nên chênh vênh, đáng lo hơn bao giờ hết.