LTS: Trước thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến chi 12.000 tỉ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ đã có nhiều ý kiến phản đối và lo ngại trước trình độ tiến sĩ của Việt Nam.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được bài viết chia sẻ quan điểm của tác giả Hà Dung.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả.
Tiến sĩ chưa chắc có năng lực hơn thạc sĩ?
Việc tăng số lượng tiến sĩ liệu có tỉ lệ thuận với chất lượng hay không? Thực trạng tiến sĩ hiện nay liệu đã có những cống hiến chất lượng cho khoa học và giáo dục hay chỉ đang mang cái danh tiến sĩ để hoàn tất các thủ tục đề ra?
Mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra lấy ý kiến về đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT giai đoạn 2018-2025"
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, nâng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ lên 35% tổng số giảng viên các trường đại học.
Nên dùng 12.000 tỷ đồng để đào tạo hay thu hút, đãi ngộ tiến sĩ? |
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến năm học 2016-2017, số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ mới chỉ là 16.514 người (chiếm 22,7%).
Trong khi đó, nhu cầu phải là 35%, tức cần có thêm khoảng 9.000 tiến sĩ nữa.
Để đạt được mục tiêu về số lượng tiến sĩ này, đề án đã dự kiến chi ra 12.000 tỉ đồng để đào tạo, tăng mới 9.000 tiến sĩ.
Xin gác vấn đề "giá" đào tạo đội ngũ tiến sĩ mà chỉ bàn tới vấn đề chất lượng tiến sĩ ở Việt Nam.
Một lãnh đạo trong ngành giáo dục từng phát ngôn rằng "nhiều tiến sĩ chưa chắc có trình độ, năng lực đã hơn thạc sĩ vì có rất nhiều thạc sĩ rất giỏi, nhưng chắc chắn sẽ hơn cử nhân"
Điều đó có nghĩa tiến sĩ chưa chắc đã là thước đo danh dự để đo chất lượng một giảng viên, một cán bộ.
Tổng thể hơn đó là có một bộ phận tiến sĩ chưa chắc đã có những đóng góp phát triển khoa học, phát triển giáo dục tốt hơn thạc sĩ.
Vậy lý do gì để phải đặt nặng vấn đề số lượng tiến sĩ trong khi điều cốt cán cần làm phải làm là nâng cao chất lượng.
Đào tạo chóng vánh lấy đâu chất lượng?
Để đào tạo nên những tiến sĩ giỏi ngoài cơ sở đào tạo chất lượng thì nguồn nhân lực đó cũng phải được đảm bảo.
Vài lời bàn về việc tiêu 12 ngàn tỷ đồng để đào tạo 9000 tiến sĩ |
Vậy việc lựa chọn "dồn dập" 9.000 nhân lực để đi đào tạo tiến sĩ trong một khoảng thời gian ngắn liệu có đảm bảo những người được lựa chọn đó là người tài, có năng lực thật sự hay không?
Tôi từng biết có rất nhiều trường hợp nhận bằng tiến sĩ trong khoảng thời gian cực kỳ ngắn. Mà hiện nay mọi người ví von là lò luyện tiến sĩ nhanh hơn gà đẻ trứng.
Con đường từ Đại học lên thạc sĩ nếu chỉ có 1km thì con đường từ thạc sĩ lên tiến sĩ phải gấp 20 lần. 20 lần đó không phải là khoảng thời gian mà là chất lượng.
Có trường hợp chỉ bỏ ra chưa đầy 2 năm để lấy bằng tiến sĩ trong đó có tới 9 tháng mang bầu và 6 tháng nghỉ sinh.
Thì thực sự không hiểu nổi họ học gì trong thời gian 9 tháng còn lại để lấy được tấm bằng tiến sĩ?
Điều đó hoàn toàn có lý khi mọi người lo ngại chất lượng tiến sĩ?
Và thực tế, có rất rất nhiều tiến sĩ nhưng không hề có công trình nghiên cứu khoa học nào, hoặc công trình nghiên cứu nếu có cũng chỉ thuộc dạng "đút gầm bàn" mà thôi...
Tiến sĩ là thước đo của nền giáo dục nhưng thước đo đó có chính xác hay không phụ thuộc vào đội ngũ tiến sĩ đó có đảm bảo chất lượng hay không.
Vì vậy, cần phải xác định rõ mục tiêu chất lượng tiến sĩ lên hàng đầu.
Vạch kế hoạch để đảm bảo tiến sĩ hàng năm ở Việt Nam phải có những cống hiến rõ nét cho các lĩnh vực họ đầu quân, chứ không phải chỉ mang cái “mác” tiến sĩ để đặt vào các vị trí vạch sẵn.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tien-si-chan-trong-chan-ngoai-chay-so-khap-cac-truong-post173857.gd