Sáng ngày 11/9, HĐND TP.Hồ Chí Minh tổ chức buổi đối thoại “Lắng nghe và trao đổi” với chủ đề “Dạy thêm học thêm” với sự tham gia. Chủ trì buổi đối thoại này là bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh.
Dạy thêm học thêm tràn lan làm học sinh không có thời gian ăn, ngủ
TS. Hồ Thiệu Hùng - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh nêu quan điểm về dạy thêm học thêm tràn lan như sau: Dạy thêm học thêm cần được nhìn nhận khác nhau ở các cấp học.
Đi bằng đôi chân của mình, tự học cả đời, đừng bị động trong các lớp học thêm! |
Dạy thêm học thêm tràn lan sẽ để lại một hậu quả rất xấu cho ngành, cho chính người giáo viên có dạy thêm không hợp pháp, mà cả người giáo viên ‘làm ăn đàng hoàng’ cũng sẽ bị mang tiếng theo.
Học sinh tham gia học thêm tràn lan sẽ bị quay cuồng, không có thời gian ăn, ngủ, làm mất đi tuổi thơ nếu đó là học sinh tiểu học.
“Dần dần, học sinh sẽ cảm thấy ngại tự học, sợ học, cho rằng đi học sẽ là sự khổ ải, chứ không phải là niềm vui, không thể duy trì việc học tốt trong thời gian dài. Việt Nam luôn mong muốn xây dựng xã hội tự học tập, thì học sinh phải biết tự học là chính.
Về lâu, về dài, đây là việc rất nguy hiểm cho tương lai đất nước” – TS. Hồ Thiệu Hùng chia sẻ tiếp.
Dạy thêm học thêm tràn lan làm học sinh không có thời gian ăn, ngủ (ảnh minh họa: báo Dân Trí) |
Còn cô Nguyễn Thị Thu Cúc – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Gia Định (quận Bình Thạnh), với cơ chế thi cử, chương trình sách giáo khoa như đang áp dụng hiện nay, thì việc tự học, tự nghiên cứu của học sinh là tốt, nhưng lại không đáp ứng được cho các kỳ thi, nhất là kỳ thi cuối năm lớp 12.
Với việc đề thi ngày càng có tính phân hóa cao, thì các em học sinh lại phải đi học thêm. Trong một lớp học với sĩ số quá cao, việc các giáo viên giảng bài không phải ai cũng có thể hiểu hết được, do sức học mỗi em là khác nhau.
Thế nhưng, khi đi ra ngoài học thêm, thì có hiện tượng là các thầy cô sẽ giảng dạy kỹ hơn, do sức học của học sinh là ‘đại trà’, dễ dạy hơn.
Phó Giám đốc Sở Giáo Dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh – ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định: Dạy thêm học thêm luôn là vấn đề nóng bỏng của thành phố.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu (ảnh: Sở GDĐT TP.HCM) |
Thông tư 17 của Bộ Giáo dục không cho phép giáo viên tiểu học đi dạy thêm, nhưng vẫn có tình trạng phụ huynh gọi cho giáo viên để hỏi chỗ học thêm, nhưng không nhiều.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, nếu phụ huynh đến đón các cháu tiểu học muộn do bận đi làm, thì có thể để các cháu trong trường, có bảo vệ trông coi, chứ không nhất thiết phải cho các cháu học sinh tiểu học đi học thêm.
Còn đối với cấp trung học, ông Nguyễn Văn Hiếu thừa nhận, học sinh đi học thêm đúng thật là do chương trình học còn nặng.
Giái pháp nào để quản lý dạy thêm học thêm tràn lan?
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Dạy thêm học thêm đang ngày càng làm gánh nặng cho phụ huynh và học sinh.
Nguyên nhân: Ngoài những lý do đã nêu ở trên, còn có việc tâm lý và nhận thức của một bộ phận phụ huynh với việc học của con em mình chưa tốt, ỷ lại nhiều đến thầy cô giáo và nhà trường.
Làm sao đẩy lùi được vấn nạn dạy thêm, học thêm? |
GS.TS. Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam chia sẻ: Muốn hạn chế dạy thêm học thêm tràn lan, cần tăng cường, coi trọng phần giáo dục kỹ năng tự học các môn học nhiều hơn cho học sinh.
Với chương trình như hiện nay, theo GS.TS. Trần Hồng Quân, nếu có tăng thêm thời gian cho các môn học lên, mà kiến thức vẫn thừa, bài tập cho thì lại khó, thì cũng cần phải kiến nghị thay đổi.
TS. Hồ Thiệu Hùng – nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh thì đề nghị, cần có một biệt dược đối với dạy thêm học thêm ở từng địa bàn khác nhau, chứ không thể dùng chung một loại thuốc.
“Cần phải đặt mình vào vị trí người trong cuộc để hiểu. Phụ huynh cho con đi học thêm là muốn con mình đổi đời, là nguyện vọng chính đáng, nhưng cần có giải pháp căn cơ để hạn chế sự tràn lan” – TS. Hồ Thiệu Hùng nhấn mạnh.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung – Trưởng ban Văn hóa, Xã hội, HĐND TP.Hồ Chí Minh thì đưa ra giải pháp: Tăng cường nhiều hơn nữa số trường được học 2 buổi trên địa bàn; phân cấp mạnh hơn nữa cho các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đổi mới và đồng bộ chương trình, giáo án và cách đánh giá thi cử.
Ngoài ra, TP.Hồ Chí Minh cũng cần xây dựng ý thức trách nhiệm cho học sinh biết tự học, giảm mạnh sĩ số ở các lớp học để giúp giáo viên giảng dạy dễ dàng hơn.
Bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian sắp tới, thành phố sẽ mời các chuyên gia giỏi để xây dựng một bộ giáo án phù hợp với đặc thù riêng của thành phố.
Cụ thể là sẽ theo hướng tăng thời lượng thực hành, giảm lý thuyết, giúp học sinh chủ động tiếp thu kiến thức của giáo viên, nâng cao sự chủ động của người học.