LTS: Đề thi học kỳ do Sở Giáo dục và Đào tạo của một tỉnh đưa ra cần thể hiện sự chỉn chu, hạn chế tối đa những sai sót.
Gần đây, đề thi kiểm tra học kì I môn Ngữ văn lớp 6 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam gây xôn xao dư luận vì những lỗi do sai sót, cẩu thả.
Tác giả Tùng Sơn chia sẻ những phân tích những "điểm lạ" của đề kiểm tra này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Thời gian vừa qua, các cấp học phổ thông tiến hành kiểm tra học kì I các môn học. Cư dân mạng chia sẻ nhiều đề thi lạ. Đề thi học kì I Ngữ văn 6 của tỉnh Hà Nam là một điển hình với thiếu sót và sai đa dạng.
Đề ngữ văn lớp 6 trong kỳ thi học kỳ I tại Hà Nam. |
Hết học kì I, học sinh lớp 6 cần một đề thi như thế nào?
Học sinh lớp 6 là học sinh đầu cấp, mới bước chân lên cấp Trung học cơ sở còn nhiều bỡ ngỡ với môi trường học tập, thầy cô, các môn học mới, phương pháp dạy mới.
Vì vậy việc ra một đề thi đáp ứng được đúng theo hướng đổi mới cho đối tượng học sinh lớp 6 không hề đơn giản.
Cụ thể, đề thi học kì I Ngữ văn 6 vừa phải đảm bảo yêu cầu chung với ba mức độ là “biết-thông hiểu-vận dụng” lại vừa phải đảm bảo phân hoá học sinh theo trình độ.
Vì thế, đề thi cần có câu hỏi đánh giá khả năng đọc hiểu trực tiếp về nội dung, thể loại một văn bản, vừa cần có câu hỏi bao quát được một số đơn vị kiến thức tiếng Việt mà học sinh đã học trong kì I lớp 6.
Đó là các kiến thức về cấu tạo từ, nghĩa của từ, từ loại,…
Phần làm văn, đề bài cần đảm bảo tính vừa sức và nằm trong chương trình. Còn phần Tập làm văn sao cho các em vận dụng kiến thức đã học để viết được với cảm xúc riêng, liên hệ với cuộc sống của mình.
Qua bài làm của học sinh, giáo viên đánh giá các em về kĩ năng viết (làm văn) chứ không phải đánh giá các em về thao tác tiếp cận và giải quyết đề bài mới lạ, khó.
Nhận xét về đề kiểm tra cuối kì I tỉnh Hà Nam.
Đề thi môn Ngữ văn lớp 6 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam có nhiều điểm "lạ". |
Trước hết, về phần đọc hiểu. Chỉ cần đọc lướt qua hệ thống câu hỏi, ta thấy ngay 2 trong 5 câu hỏi của phần đọc hiểu là không ổn. Đó là câu 3 và câu 5. Hãy phân tích từng câu.
Câu 3: Có mấy người góp ý về cái biển đề ở cửa hàng cá? Em có nhận xét gì về từng ý kiến.
Để trả lời ý 2 câu hỏi này, học sinh phải lần lượt nói về từng ý kiến, chẳng hạn:
- Người thứ nhất: Chê viết thừa chữ “tươi”…
- Người thứ hai: Chê viết thừa hai chữ “Ở đây” …
- Người thứ ba: Chê viết thừa hai chữ “có bán” …
- Người thứ tư: Chê chủ nhà dựng tấm biển là thừa …
Nhưng đây là những câu trả lời theo chủ quan của người viết bài này. Còn thực tế thí sinh, là đứa trẻ 12 tuổi lớp 6 thì sẽ cảm thấy rất mơ hồ với câu hỏi này.
Nhận xét về điều gì của các ý kiến? Nhận xét về tính đúng/sai của từng ý kiến hay nhận xét về mức độ chân tình của người đóng góp ý kiến? Câu hỏi 3 rất mơ hồ và mơ hồ.
Câu 5: Qua văn bản trên, tác giả dân gian muốn chế giễu, phê phán điều gì? Nếu nhà hàng bán cá trong truyện nhờ em làm lại cái biển, em sẽ “tiếp thu”, hoặc phản bác những góp ý của bốn người như thế nào? Hoặc sẽ làm lại cái biển ra sao?
Để trả lời câu hỏi 5, học sinh cần chọn một trong ba tình huống giả tưởng để trả lời. Đó là “tiếp thu”, “phản bác”, “làm lại biển”. Thử đặt mình vào địa vị thí sinh, chúng ta sẽ trả lời sao đây?
Nếu học sinh chọn “tiếp thu”, thì có gì phải nói, vì tiếp thu ý kiến thì thực hiện như nhân vật trong truyện rồi.
Nếu học sinh chọn “phản bác”, không thể có chuyện đó. Vì anh chủ hàng lần lượt xoá bỏ từng chữ thì mới lần lượt có các ý kiến tiếp theo.
Hay nói rõ hơn, mỗi lần anh chủ hàng bớt chữ đi, người qua đường mới có cớ chê những chữ còn lại. Vì thế, sự lược bỏ của chủ hàng cá là tuân theo sự ngắn dần đi của hàng chữ một cách có lí.
Vậy nếu phản bác thì câu chuyện đã không được hình thành.
Và nếu “làm lại biển”, thì có vô số đáp án, cách đề biển cho một hàng cá, giáo viên biết chấm kiểu gì. Và nghiễm nhiên, một câu hỏi khó lại trở thành một câu hỏi thí sinh nào cũng làm được.
Về đề Tập làm văn, đúng là đây không phải đề lạ nhưng là đề khó. Không cần nói chúng ta cũng biết, không ít nội dung trong sách giáo khoa nói chung quá tải với học sinh.
Sách Ngữ văn 6 không là một ngoại lệ. Xét về tâm sinh lí lứa tuổi, đưa nội dung làm văn theo trí tưởng tượng vào chương trình lớp 6 là quá sớm.
Khi thực hiện chương trình, thiết nghĩ, các thầy cô giáo nên cân nhắc những nội dung quá tải khi ra đề thi.
Đề làm văn ở đây yêu cầu học sinh tưởng tượng ra cuộc trò chuyện giữa cái thước, cây bút, cái e-ke, com-pa,… và kể lại thành bài văn thì quả là quá khó.
Thực ra đây là kiểu bài có trong chương trình, nhưng vì nó vượt khả năng của học sinh quá xa nên phụ huynh coi đó là đề dành cho học sinh giỏi là hết sức có lí.
Đề bài thiếu câu hỏi tiếng Việt là không thể chấp nhận
Nhìn vào đề thi ta không hề thấy có đơn vị kiến thức tiếng Việt. Cách lý giải của vị Phó Giám đốc Sở giáo dục và Đào đạo tỉnh Hà Nam trên báo chí là cố bao biện cho việc đã rồi.
Ông Phó Giám đốc Sở nói “không nhất thiết phải có một câu tiếng Việt tách bạch riêng và vẫn có thể đánh giá được năng lực tiếng Việt của học sinh”.
Và ông còn nói giải thích thêm ý là nội dung kiến thức tiếng Việt ẩn trong bài làm của học sinh. Các em viết đúng câu, chuẩn từ, không sai chính tả, đó là đạt yêu cầu về tiếng Việt rồi.
Quả là đúng vậy. Nhưng không lẽ, suốt kì I lớp 6, học sinh học tương đối nhiều về từ loại, nghĩa của từ,… mà lại chỉ cần chấm đúng sai chính tả đã biết được học sinh có nhớ kiến thức đã học hay không.
Có ý kiến cho rằng tiếng Việt đã tích hợp trong văn bản. Thì đúng vậy, một văn bản văn học bao giờ cũng tích hợp ít nhiều ngữ liệu kiến thức tiếng Việt.
Thế nhưng, đề bài phải yêu cầu học sinh nhận biết hoặc sử dụng đơn vị kiến thức đó thì mới gọi là đề thi…
Lại lạ nữa, đề bài ở đây đáp án nằm trong câu hỏi phía sau!
Câu 3, đề bài hỏi: “Có mấy người góp ý về cái biển đề ở cửa hàng bán cá”.
Câu 5, đề bài lại hỏi: “Em sẽ “tiếp thu” hay phản bác những “góp ý” của bốn người như thế nào?”
Thật lạ, mới câu trước hỏi có mấy người thì câu sau lại nói có bốn người. Không rõ những người chịu trách nhiệm về đề thi này ở Hà Nam sẽ bình luận thế nào. Và bạn đọc, chúng ta nghĩ sao về một đề thi hàng tỉnh.
Sự sai sót và thiếu hụt kiến thức trong đề cuối kì I của Hà Nam gây bất bình trong dư luận. Cha mẹ học sinh sẽ nghĩ rằng: Đến đề thi cấp Sở ra mà còn mắc sai sót vì cẩu thả như vậy, thì thực tế, đề bài của các cấp dưới nữa có chuẩn không?
Chúng ta có thể ví nôm na đề thi là một cái thước, cái thước này dùng để đo kiến thức, kĩ năng học sinh đạt được sau một học kì hay một năm, một khoá học.
Vì vậy cái thước này phải chuẩn, thật chuẩn. Thế thì cái thước (đề thi học kì) của tỉnh Hà Nam nói ở đây có đo được trình độ học sinh lớp 6 kì I vừa qua hay không? Chắc là không, vì đây là một cái thước yếu kém.