LTS: Trước việc chuẩn bị kiểm tra học kì cho học sinh tiểu học theo tinh thần đổi mới của Thông tư 22, tác giả Đỗ Quyên bày tỏ những trăn trở của mình về việc làm thế nào để đánh giá thực chất năng lực của học sinh.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Chuẩn bị cho đợt kiểm tra cuối học kì 1, tại các trường tiểu học trong cả nước đều thực hiện việc chỉ đạo của chuyên môn trong công tác ra đề và chấm thi trên tinh thần của Thông tư 22 vừa mới ban hành.
Giáo viên tự ra đề, coi thi và trực tiếp chấm
Theo đó, tất cả các giáo viên đang giảng dạy ở khối lớp nào tự ra đề thi cho khối lớp ấy.
Giáo viên ra đề thi, nộp về tổ chuyên môn, tổ trưởng thẩm định và nộp về nhà trường cho Phó hiệu trưởng kiểm tra, duyệt và lưu vào ngân hàng đề thi của trường.
Sau đó, được nhà trường chọn ra hai trong những đề thi ấy làm đề thi chính thức và đề thi dự bị cho nhà trường.
Giáo viên chủ nhiệm có thể sẽ cảm tính trong đánh giá kết quả kiểm tra học kì cho học sinh. (Ảnh: TTXVN) |
Đề thi yêu cầu phải khoa học, chính xác, bám sát sát chuẩn kiến thức kĩ năng nhưng vẫn đánh giá một cách trung thực kết quả học tập của từng đối tượng học sinh. Cụ thể, đề thi sẽ được ra theo 4 mức như:
Mức 1: Nhận biết, nhắc lại kiến thức, kĩ năng đã học.
Mức 2: Hiểu biết kiến thức, kĩ năng học, trình bày, giải thích được kiến thức theo cách hiểu của cá nhân.
Mức 3: Biết vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết những vấn đề quen thuộc, tương tự trong học tập, cuộc sống.
Mức 4: Vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập, cuộc sống một cách linh hoạt.
Trong kiểm tra, giáo viên chủ nhiệm coi kiểm tra tại lớp mình phụ trách, tổ chức cho học sinh làm dưới dạng một bài kiểm bình thường, nhẹ nhàng, không gây căng thẳng.
Đôi điều điều trăn trở
Những điểm mới trong đánh giá học sinh Tiểu học ở Thông tư 22 |
Giáo viên chủ nhiệm ra đề, tự coi thi và trực tiếp chấm bài của học sinh. Với những giáo viên công tâm luôn đánh giá học sinh một cách công bằng thì chẳng có điều gì đáng nói.
Nhưng vẫn còn không ít thầy cô giáo đánh giá học sinh theo cảm tính, bị tình cảm và nhiều nguyên nhân khác chi phối.
Theo đó, những học sinh đi học thêm với thầy cô, những gia đình có điều kiện quan tâm đến giáo viên… sẽ ít nhiều có sự tác động vào kết quả làm bài của các em.
Như việc thầy cô sẽ ôn trúng đề, ôn trúng mức 4 (mức để chọn học sinh giỏi, học sinh xuất sắc) nên thành tích học tập của những học sinh này sẽ không phản ánh một cách trung thực gây thiệt thòi cho một số học sinh.
Đã có không ít trường hợp học sinh, phụ huynh thắc mắc “Con nói con đã rất cố gắng nhưng vẫn không giải được bài toán nâng cao. Chỉ mấy bạn đi học thêm mới cô dạy giải được”.
Một số trường lấy đề của giáo viên ra nhưng ban giám hiệu đã chuyển đổi một số bài tập ở các đề với nhau. Dù thế, giáo viên vẫn có cách để lấy đề ôn tập cho học sinh.
Thi học kỳ ở Hà Nội: Lạ lùng đáp án "y xì đúc" câu hỏi |
Chẳng hạn, nhiều thầy cô giáo cùng trao đổi với nhau, họ tập hợp lại và ôn tập cho các em cũng chẳng có gì khó.
Do đó cũng chẳng có gì lạ khi cả lớp có 35 em nhưng có tới hơn 30 em đạt điểm 9, 10 mà chẳng có học sinh nào bị điểm kém.
Một số giáo viên không dạy thêm nhưng luôn muốn lớp mình có kết quả cao trong thi cử, thầy cô cũng miệt mài ôn tập cho học sinh bằng đề của mình và của đồng nghiệp.
Tiêu chí của đợt kiểm tra cuối kì là nhẹ nhàng, không gây căng thẳng và áp lực cho học sinh. Nhưng có phải vì thế mà việc ra đề, coi và chấm bài kiểm tra giao luôn cho giáo viên chủ nhiệm?