Đổi mới căn bản và toàn diện nền Giáo dục Việt Nam là gì?

27/01/2012 06:00
Theo GDTĐ
Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, đồng thời nhấn mạnh: Đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

Các đại biểu tham gia Hội thảo – tọa đàm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.Ảnh: gdtd.vn
 Hội thảo – tọa đàm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo diễn ra tại ĐH Bách khoa Hà Nội..Ảnh: gdtd.vn
Tổ chức xây dựng Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD&ĐT đã cùng phối hợp tổ chức một số hội thảo, làm việc với các nhà khoa học, các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, các trường đại học và viện nghiên cứu khoa học. Nhiều đơn vị cũng đã tổ chức hội thảo, tọa đàm nhằm đóng góp ý kiến hướng tới mục tiêu đổi mới, văn bản và toàn diện nền giáo dục.
Tại Tọa đàm khoa học về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Viện nghiên cứu Phát triển Phương đông và Tạp chí Cộng sản tổ chức diễn ra sáng 27/9/2011 tại Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh về việc vừa qua Đại hội Đảng lần thứ XI đã đặt vấn đề “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục”, điều này cho thấy Đảng đã thấy sự cấp bách của vấn đề này.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng: Thay đổi căn bản và toàn diện một nền giáo dục là công trình lớn của quốc gia, không thể một vài năm mà xong. Tình thế rất bức thiết, phải khẩn trương nhưng lại phải căn cơ, bài bản, không thể riêng một mình ngành giáo dục làm nổi. Trước mắt Trung ương cần bàn và ra nghị quyết, xác định mục tiêu, yêu cầu và những vấn đề trọng tâm cần tập trung để nền giáo dục thực sự đổi mới căn bản và toàn diện.
Còn tại buổi tọa đàm về "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" do Học viện Quản lý Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 20/9/2011 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhận định: công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo mới chỉ đang bắt đầu, còn ngổn ngang vô vàn công việc trước mắt để triển khai thực hiện. Do vậy phải làm từ đầu, làm ngay, từng bước một, không trông chờ đủ mọi điều kiện mới làm. Tuy nhiên, để tiến hành đổi mới thành công, trước mắt đòi hỏi cần sự chung tay góp sức của toàn ngành; mỗi tập thể, cá nhân đều phải ra sức phấn đấu. 
Khẳng định rằng, đổi mới phải bắt đầu từ mỗi cá nhân cụ thể, công việc cụ thể chứ không phải từ việc làm to lớn nào khác; trong việc này mỗi Đảng viên phải gương mẫu đi đầu thực hiện tinh thần Nghị quyết của Đảng trước quần chúng. 
Bộ trưởng nhấn mạnh, Đảng đã ra Nghị quyết với tinh thần chung “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”, việc cần làm bây giờ là phân tích thực trạng, quá khứ để đánh giá, rút kinh nghiệm từ đó tìm ra giải pháp, hướng đi toàn diện nhất của ngành tạo bước chuyển mới, nhân tố mới hướng đến mục tiêu đề ra.
Gần đây nhất, Hội thảo khoa học “Đổi mới căn bản, toàn diện nền GD Việt Nam” do Viện KHGD Việt Nam đã tổ chức, 17 tham luận báo cáo trước Hội thảo đã tập trung vào những vấn đề chung về đổi mới căn bản, toàn diện nền GD nước ta, nêu lên những suy nghĩ, kiến giải và đề xuất giải pháp đột phá nhằm đổi mới nền GD nước nhà.
GS.TSKH Vũ Ngọc Hải đưa ra 3 giải pháp then chốt của đổi mới căn bản, toàn diện GD Việt Nam gồm: Thứ nhất, đổi mới triệt để tiêu chí phát triển GD; Thứ hai, Xây dựng, phát triển đội ngũ Gv và CBQL theo chuẩn; Thứ ba, Tái cấu trúc lại hệ thống GD quốc dân.
PGS.TS Vũ Trọng Rỹ cho rằng: Đổi mới căn bản, toàn diện nền GD Việt Nam bao gồm đổi mới cả tư duy (rà soát lại GD phổ thông, quan niệm đúng đắn về GD toàn diện, thay đổi quan niệm trẻ em hiện đại, coi trọng vị trí đội ngũ Gv) và hành động (thay đổi cơ cấu, đổi mới chương trình Gd phổ thông, đổi mới công tác đào tạo Gv và chính sách dành cho GV, xây dựng nhà trường kiểu mới).
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tại hội thảo đã nhấn mạnh, chúng ta đang rất cần tổng kết lý luận, nghiêm túc nghiên cứu bài học lịch sử qua nhiều lần cải cách GD; Tham khảo kinh nghiệm quốc tế về vấn đề đổi mới như tích hợp, thiết kế chương trình theo năng lực hay nội dung? Nếu không học quốc tế, chúng ta không tiến được nhưng máy móc sao chép là thất bại. Bởi GD gắn bó chặt chẽ với văn hóa dân tộc.

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội


Theo GDTĐ