Theo bản tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, cử tri nhiều tỉnh thành tỏ ra băn khoăn về việc cải cách giáo dục trong thời gian qua.
Cử tri tỉnh Kiên Giang đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tổng kết các chương trình thí điểm giáo dục, lựa chọn chương trình tối ưu nhất đưa vào cải cách giáo dục lần này để tránh lãng phí nguồn lực của quốc gia và xã hội.
Cải cách giáo dục đang khiến cử tri lo lắng việc học của con em mình (ảnh Trinh Phúc - chỉ mang tính minh họa). |
Trong khi cử tri tỉnh Thái Nguyên lại cho rằng: “Bộ Giáo dục – Đào tạo cần có giải pháp hiệu quả hơn để nâng cao chất lượng giáo dục.
Chương trình giáo dục của Việt Nam thường xuyên đổi mới nhưng chất lượng giáo dục chưa đạt được kết quả như mong muốn”.
Một vấn đề nữa các cử tri cũng rất quan tâm đó chính là quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về VNEN.
Theo đó cử tri tỉnh Thái Bình tiếp tục đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu sớm có quyết định tiếp tục áp dụng hay dừng triển khai mô hình trường học mới (VNEN) để giáo viên và học sinh ổn định trong việc giảng dạy và học tập, giúp cho phụ huynh và học sinh yên tâm, giảm áp lực học đường cho học sinh cấp Tiểu học và Trung học cơ sở.
Cũng quan tâm tới VNEN, cử tri ba tỉnh Phú Thọ, Bình Phước, Nam Định cho rằng:
Sau 6 năm VNEN được triển khai tại Việt Nam, VNEN được đánh giá là mô hình nhà trường hiện đại, tiên tiến, phù hợp với mục tiêu đổi mới và đặc điểm của giáo dục Việt Nam.
Mô hình trường học mới VNEN hoạt động trên nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm; Giáo viên sẽ là người cụ thể hóa mục tiêu, thiết kế và tổ chức các hoạt động học phù hợp với học sinh.
Tuy nhiên, sau 6 năm triển khai mô hình VNEN cũng gặp những vấn đề khó khăn nhất định đối với giáo viên, công tác quản lý trong nhà trường và kể cả cơ sở vật chất, sĩ số học sinh...
Hiện tồn tại rất nhiều quan điểm trái chiều về mô hình trường học mới từ phía nhà trường và phụ huynh học sinh; đã có nhiều địa phương không muốn tiếp tục thực hiện VNEN.
Cử tri kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tổng kết những mặt ưu điểm và hạn chế của mô hình này khi triển khai áp dụng tại Việt Nam để rút ra bài học cần thiết.
Cử tri cho rằng, việc lắng nghe ý kiến phản hồi của chuyên gia, nhà giáo và toàn xã hội là vô cùng cần thiết để kịp thời chỉnh sửa phương pháp, kế hoạch áp dụng mô hình VNEN.
Trong khi đó, cử tri tỉnh Quảng Bình kiến nghị:
Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo 40 năm qua có quá nhiều chương trình cải cách nhưng thiếu cẩn trọng, ít thí điểm và chưa thực sự tiếp thu ý kiến từ cơ sở nên gây tốn kém cho ngân sách nhà nước.
Cũng bàn về chương trình phổ thông hiện nay, cử tri của tỉnh Gia Lai cho rằng:
Hiện nay chương trình giáo dục đào tạo các cấp ở nước ta còn nhiều bất cập, chương trình học tập còn nặng về lý thuyết và chưa chú trọng việc thực hành.
Trong khi cử tri của tỉnh Bắc Cạn lại quan tâm đến việc, hiện nay, chương trình giáo dục bậc tiểu học thường xuyên thay đổi về cách dạy học và đánh giá kết quả học tập của học sinh khiến giáo viên lúng túng trong phương pháp giảng dạy, phụ huynh không biết rõ năng lực của con em mình.
Trong khi đó, cử tri 6 tỉnh Bình Thuận, Long An, Lâm Đồng, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, Phú Yên đề nghị xây dựng chương trình giáo dục tiểu học cần phải thống nhất, ổn định hơn nhằm tạo sự thuận lợi cho việc dạy học của giáo viên, đảm bảo đánh giá đúng năng lực của học sinh.
Việc thường xuyên thay đổi chương trình giảng dạy, thay đổi sách giáo khoa và thay đổi cách thức thi cử của ngành giáo dục gây tốn kém và gây hoang mang tạo dư luận xấu cho ngành giáo dục.
Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, sớm chấn chỉnh vấn đề này.
Cũng như cử tri của nhiều tỉnh thành, cử tri Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm nhiều đến vấn đề cải cách giáo dục hiện nay.
Cử tri cho rằng chương trình giáo dục phổ thông hiện nay quá nặng, tạo áp lực cho học sinh; không chú trọng phát triển toàn diện cho học sinh;
Chất lượng đào tạo bậc cao đẳng, đại học chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, sinh viên ra trường không tìm được việc làm.
Cử tri kiến nghị ngành giáo dục cần nghiên cứu đổi mới một cách cơ bản, toàn diện nền giáo dục – đào tạo; giảm tải chương trình giáo dục.