Để các học sinh tìm hiểu về đất nước bằng hình thức trực quan, sinh động và góp phần không nhỏ trong việc giáo dục tình yêu biển đảo đối với các em, nhiều trường học ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã xây dựng mô hình quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong khuôn viên trường.
Từ mô hình này, giúp cho các em nhận diện được chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. |
Tại Trường tiểu học Mỹ Trạch (xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch), mô hình hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa được xây dựng với cột mốc chủ quyền. Trên mỗi mô hình cột mốc có lá cờ Tổ quốc. Tất cả đều có chú thích đầy đủ để học sinh dễ dàng nhận biết, ở mỗi cột mốc chủ quyền được ghi rõ vĩ độ, kinh độ..
Bên cạnh hai quần đảo là mô hình bản đồ đất nước - dải đất liền hình chữ S uốn lượn thể hiện lãnh thổ Việt Nam, tạo nên một tổng thể toàn vẹn về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Các em học sinh tỏ ra thích thú với những buổi học ở mô hình biển đảo này. |
Thầy Cao Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mô hình được xây dựng từ tháng 10/2016, nhưng vẫn chưa hoàn thiện.
“Mấy ngày nữa, chúng tôi sẽ đổ nền rồi rải đá lên. Sau đó, đấu nối hệ thống ống, để khi bơm nước vào, hình ảnh bản đồ và 2 cột mốc này sẽ hiện lên rõ ràng hơn. Các em học sinh sẽ dễ hình dung hơn về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”.
Theo thầy Tuấn, mới đầu học mô hình này, các em học sinh khá bỡ ngỡ. Nhưng sau đó các em tỏ ra rất thích thú và tiếp thu nhanh hơn nhiều.
Mô hình được xây dựng trong khuôn viên trường học. |
“Chúng tôi xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa này với mục đích giúp các học sinh có thêm kiến thức về hai quần đảo này. Qua các bài giảng của thầy cô trong lớp học, những hình dung của các em về biển đảo, về Trường Sa và Hoàng Sa, chắc chắn sẽ có những hạn chế nhất định.
Vì vậy, mô hình cột mốc chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa này sẽ cho học sinh có được những hình dung rõ nét, sinh động, cụ thể và đầy đủ hơn về hình ảnh quê hương, đất nước của mình”, thầy Tuấn nói.
Được biết, nguồn kinh phí xây dựng mô hình này chính là do công sức và sự đóng góp của các giáo viên trong trường với kinh phí trên 20 triệu đồng. Mô hình do cô giáo Trương Thị Thanh Vân, dạy môn Mỹ thuật của trường thiết kế.
Em Nguyễn Thị Thảo Ly (học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Mỹ Trạch) cho biết: “Khi học các môn Lịch Sử, Địa Lý... thông qua mô hình này em thấy rất thích. Em cũng dễ dàng hình dung hơn về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và nhận thấy việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước là rất quan trọng và ý nghĩa”.
Tương tự, tại trường Trung học cơ sở Quách Xuân Kỳ (thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch) mô hình biển, đảo Tổ quốc cũng được xây dựng từ tháng 10/2016, thông qua nguồn vốn xã hội hóa và sự đóng góp của phụ huynh học sinh, với kinh phí hơn 90 triệu đồng.
Theo thầy Phan Đình Minh, Hiệu trưởng nhà trường, mô hình được sử dụng như một công cụ hỗ trợ cho công tác dạy học các bộ môn khoa học xã hội, như: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân...
Mô hình này vừa giúp cho các em nhận diện được chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vừa nuôi dưỡng cho thế hệ tương lai, lòng tự hào dân tộc và tình yêu đối với quê hương, đất nước.
Đối với các tiết học thực tế tìm hiểu về biển, đảo quê hương và việc gìn giữ môi trường biển, thay vì chỉ học trên bản đồ, sách vở, giờ đây các em có dịp được trải nghiệm qua mô hình biển, đảo được xây dựng ngay giữa sân trường.