Giáo viên bỏ tiết, học trò bỏ bài vì luyện thi ViOlympic

01/11/2017 06:00
Thảo Ly
(GDVN) - Sân chơi trí tuệ đã biến thành nơi để những người lớn ganh đua, thể hiện "đẳng cấp" và học sinh đã trở thành những nạn nhân của cuộc chạy đua thành tích...

LTS: Sân chơi trí tuệ ViOlympic ngày càng trở nên biến tướng khi nhiều nhà trường, thầy cô bằng mọi giá để có học sinh đạt giải trong sân chơi này.

Cô giáo Thảo Ly phản ánh vấn đề bệnh thành tích đã ăn sâu vào trường học và các cuộc thi trên mạng như thế nào.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Sân chơi ViOlympic dành cho các học sinh giỏi đam mê Toán, Anh văn đã có mấy năm trở lại đây nhưng chuyện về nó chưa bao giờ hạ nhiệt trong các buổi trò chuyện của giáo viên.

Bởi, những niềm vui nhận được thì ít mà sự căng thẳng, mệt mỏi và áp lực mang lại quá nhiều.

Không ít giáo viên cứ phải thốt lên rằng “ViOlympic! Bao giờ mới chấm dứt?"

Đáng lý ra sân chơi này chỉ dành riêng cho những học sinh xuất sắc, học sinh có tố chất đặc biệt về các môn Toán, Anh văn.

Các em sẽ tham gia luyện và thi một cách hoàn toàn tự nguyện để thỏa mãn sự đam mê của mình.

Nhờ đó, năng lực học Toán, tiếng Anh, khả năng tư duy của các em chắc chắn sẽ được phát triển và nâng cao đến mức có thể.

Các cuộc thi ViOlympic đã biến tướng, trở thành cuộc đua thành tích của các nhà trường. (Ảnh minh họa: plo.vn)
Các cuộc thi ViOlympic đã biến tướng, trở thành cuộc đua thành tích của các nhà trường. (Ảnh minh họa: plo.vn)

Thế nhưng, nhiều trường học mà đại diện là Ban giám hiệu nhà trường muốn “lăng xê” trường mình, muốn tạo danh tiếng, muốn lấy thương hiệu để đề cao vai trò cá nhân lãnh đạo đã đưa ra nhiều biện pháp chế tài để ép giáo viên vào chung guồng quay thành tích ấy.

Người ta chẳng cần quan tâm, các em có có năng khiếu học Toán hay không? Có khả năng học Anh văn vượt trội thế nào? Các em có thấy thật sự vui, hào hứng khi được tham gia vào đội tuyển?

Nhà trường chỉ lo canh cánh một điều “trường mình sẽ có bao nhiêu em đạt giải?

Và ngó sang xem trường bạn thế nào, để làm cuộc so sánh “cân đo” và xếp thứ hạng, để đưa vào các bản báo cáo, đánh giá của trường sau mỗi đợt thi đua.

Bởi thế, điều quan tâm lớn nhất của nhiều Ban giám hiệu là một đội tuyển hùng hậu và số lượng học sinh đạt giải cao.

“Vơ bèo vạt tép”

Để đạt được điều đó, các lớp phải thành lập đội tuyển. Nhưng “đào ở đâu ra học sinh giỏi xuất sắc, học sinh có tố chất đặc biệt? Thế là cứ em nào khá khá một chút đều lùa vào đội tuyển cho đủ số lượng”.

Do không có tố chất nên phần đông trò không ham thích khi vào đội tuyển.

Có không ít em phản ứng ngay bằng cách nói “Ba mẹ không cho con vào đội tuyển đâu”.

Có phụ huynh lên trường gặp thẳng giáo viên đề nghị “Cô cho cháu ra ngoài danh sách đội tuyển nha”.   

Vì theo họ “Cho con luyện ViOlympic sao tốn kém quá?”.

Lý do được họ đưa ra, Toán, Anh văn quá khó, nhiều cha mẹ dù tốt nghiệp đại học, dù là thạc sĩ nhưng cũng bó tay với nhiều bài toán, những câu hỏi tiếng Anh vô cùng hóc búa.

Thế là để đỡ bị trẻ làm phiền chỉ còn giải pháp cho con vào các lò luyện ViOlympic do một số giáo viên mở lớp.

Giáo viên bỏ tiết, học trò bỏ bài vì luyện thi ViOlympic ảnh 2

Cỗ máy kiếm tiền thi giải Toán, tiếng Anh qua mạng hoạt động thế nào?

Học phí cho một tháng còn tùy thuộc vào lớp học ít hay nhiều học sinh.

Nếu nhóm có 10 em thì học phí ít nhất 300-500 ngàn đồng/em/tháng (khoảng 8 buổi).

Lớp học ít hơn số đó khoảng 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng.

Một số gia đình có kinh tế chỉ yêu cầu giáo viên dạy kèm riêng với mức học phí khoảng 2 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, không ít gia đình vẫn chưa có máy tính trong nhà.

Vì thế, mỗi khi con nói làm bài trên máy tính, hoặc ba mẹ dẫn ra tiệm internet gần đấy hoặc cho các em tiền tự đi làm.

Có em vào luyện đề thật, có em “lập lờ đánh lận con đen” cũng chẳng ai biết mà quản.

Số tiền luyện bài ngoài tiệm nét cũng không phải là ít vì tiệm internet thu tới 6 ngàn đồng/giờ sử dụng máy.

Giáo viên bỏ tiết, học trò bỏ bài vì luyện thi

Học sinh không có khả năng, giáo viên phải vật vã ôn luyện.

Người có tố chất, thầy cô chỉ giảng qua là hiểu cách làm, còn những học sinh thiếu năng lực giáo viên lại phải có kế sách khác mà nhiều người nói vui là bí quyết.

Thầy cô xin mã vùng của nhiều nơi để vào thi và tải đề, mua phần mềm tự luyện để hướng dẫn các em giải đi giải lại đến thuộc lòng đáp án, chép kí hiệu, kết quả vào giấy nháp mang vào…

Gần đến ngày học sinh đi thi ViOlympic, thầy cô chủ nhiệm lo cho trò và lo cho chính mình đến mất ăn mất ngủ.

Bởi, công sức luyện “gà” suốt cả năm chỉ trông chờ vào những lần như thế.

Nếu trò đạt giải xem như thầy cô có chút thành tích dắt lưng, học trò trượt xem như công sức bao lâu đổ sông đổ biển.

Thế là, thầy cô tăng tốc luyện thi.

Có trường bố trí giáo viên không có học sinh đi thi hỗ trợ dạy giùm, nhưng đôi khi tìm không có giáo viên rảnh thì một cô trông 2 hoặc 3 lớp theo kiểu vừa dạy lớp mình, vừa chạy qua chạy lại hai lớp hàng xóm.

Những ngày này, học sinh trong đội tuyển cũng được miễn học các môn học chỉ tập trung vào luyện giải đề mà giáo viên vừa sưu tầm được.

Các em luyện quên ăn, quên ngủ. Thầy cô cũng chỉ biết động viên “ráng vài ngày rồi nghỉ ngơi”.

Ngày trò đi thi thầy cô cũng còn khổ không kém. Giáo viên lo lắng thôi chưa đủ, Ban giám hiệu cũng hồi hộp đợi chờ.

Trước ngày đưa học trò đi thi, giáo viên được triệu tập họp gấp. Nào là lo xe đưa đón các em, lo cử người đưa đi, người ở nhà dạy thay, lo kinh phí bồi dưỡng…

Nếu địa điểm thi tập trung gần trường thì đỡ vất vả, giáo viên thay nhau chở vài ba em một lần.

Nhưng khổ nhất có trường cách nơi thi khoảng 20 cây số.

Bởi thế, việc thuê xe, quản lý học sinh trên đường, đến địa điểm thi phải có nhiều giáo viên viên cùng chung tay hỗ trợ.

Ngoài Ban giám hiệu thay nhau có mặt đến điểm thi để động viên tinh thần còn có sự góp mặt của một vài giáo viên, của Tổng phụ trách đội.

Vào phòng thi sau khi làm xong thủ tục, học sinh ngồi chờ được mở khóa để vào vòng thi.

Giáo viên bỏ tiết, học trò bỏ bài vì luyện thi ViOlympic ảnh 3

Nghĩ về cách tổ chức cuộc thi tiếng Anh qua mạng ở trường mà thấy sợ

Đã có không ít lần phải hoãn thi giữa chừng vì lý do nghẽn mạng.

Sau khi mỏi mòn chờ đợi khoảng vài tiếng vì mạng sụp, vì lỗi chương trình, thầy trò lại lục tục kéo nhau ra về.

Lúc đi khó khăn ít nhưng lúc về còn gian nan không kém.

Bởi một số phụ huynh chở con tới giao cho thầy cô vì tưởng con thi yên ổn nên chạy đi đâu đó đến giờ mới tới đón về.

Nay giải tán bất ngờ, thầy cô cứ chở 3, chở 4 cho nhanh để về trường còn đi dạy.

Lần 1 tổ chức không thành, lại thấp thỏm chờ lần 2. Và những mô tuýp quen thuộc cứ thế được lặp lại…

Trong việc thi cử cũng có nhiều chuyện đáng nói, không ít trường có giáo viên đi làm giám thị lại coi luôn học trò của mình.

Thế là bài nào khó, bài nào bí lại được thầy cô hỗ trợ qua vòng.

Vậy là, chưa chấm cũng biết ngay kết quả.

Thành tích của giáo viên là chính

Người viết bài đã có nhiều lần chứng kiến những học sinh của trường mình, lớp mình lên bục nhận giải “Đạt giải nhất (nhì, ba) Toán ViOlympic cấp tỉnh” mà thấy nghẹn lòng vì cảm thấy kết quả ấy đang làm hại chính các em và gia đình bởi sự ngộ nhận và tự mãn.

Mà như cách nói của một số Ban giám hiệu “thầy cô đã vận dụng hết sức mình” cũng đúng.

Bởi chính vì những nỗ lực không ngừng nghĩ của nhiều giáo viên, đã biến một học sinh có lực học tàm tạm bước lên bục vinh quang nhận giải.

Thành tích ấy ai cũng biết, cũng hiểu không đến từ năng lực thật sự của các em mà đến do sự nỗ lực hết mình (không loại trừ cả những thủ thuật “mafia”) của chính các thầy cô giáo.

Nhờ thế, đã có rất nhiều em đạt giải trong các kì thi từ cấp trường, huyện thị đến cấp tỉnh.

Một giáo viên dạy Toán bậc Trung học cơ sở đã thẳng thắn bày tỏ “Phường mình có 3 trường tiểu học, hàng năm số lượng học sinh đạt giải trong các kì thi Toán, Anh văn trên mạng đến cả trăm em.

Thế nhưng vào cấp 2, nhà trường chọn được vài em vào đội tuyển cũng vô cùng khó”.

Nói về thi ViOlympic nhiều phụ huynh cũng đã bức xúc “cứ đẻ ra những cuộc thi như thế này con cái chẳng còn thời gian nghỉ ngơi, giải trí.

Nhiều em giải toán trong sách chưa xong mà làm toán nâng cao kiểu gì?

Chưa nói lao vào ôn tập lại bị mất nhiều kiến thức ở các môn học khác vì được thầy cô miễn học. Như này thì lợi ít mà hại nhiều”.

Sân chơi trí tuệ đã biến thành nơi để những người lớn ganh đua, thể hiện "đẳng cấp" và học sinh đã trở thành những nạn nhân của cuộc chạy đua thành tích như thế này.

Thảo Ly