LTS: Phản ánh câu chuyện hậu trường của những cuộc thi Violympic, IOE tại các trường học hiện nay, cô giáo Cát Tường cho thấy nỗi khổ của cả thầy và trò cũng như tiết lộ những gian dối trong các cuộc thi này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mới đây, tôi tình cờ gặp lại một phụ huynh của học trò cũ. Cũng là chỗ thân tình nên sau vài câu thăm hỏi, chị hào hứng khoe rằng:
“Cháu Hùng vừa đạt giải nhất cuộc thi IOE cấp tỉnh vừa qua em ạ. Thấy nó mang tờ giấy khen về mà ai cũng bất ngờ.
Nó còn bảo, ba mẹ cứ chê con hoài đi, học dở mà đạt giải nhì cấp tỉnh hay sao?”
Học sinh chuẩn bị tham gia cuộc thi IOE. (Ảnh đăng trên Thông tấn xã Việt Nam) |
Rồi chị cũng thành thật chia sẻ:
"Ở nhà cu cậu lười học lắm. Hôm nó bảo cô chọn vào đội tuyển ôn luyện thi IOE của lớp, mình còn bảo rằng mẹ thấy tiếng Anh con còn tệ lắm, sao có thể thi được?
Muốn thế, con phải luyện nhiều hơn nhưng nó cứ lơ là, hở tí là lên mạng chát chít”.
Nghe chị kể, thấy chị vui mừng vì thành tích của con tôi cũng chẳng dám nói gì.
Tôi sợ nói ra sẽ làm chị "rơi" cảm xúc và thất vọng với cái giải thưởng ấy lắm.
Bởi chỉ giáo viên chúng tôi mới hiểu được vì sao có những học sinh chẳng xuất sắc gì nhưng khi thi những cuộc thi trên mạng như Violympic Toán, IOE nhiều em đạt giải thậm chí là giải cao?
Giáo viên vật vã
Chưa hết áp lực với cuộc thi Violympic Toán, giáo viên lại phải căng mình đón nhận cuộc thi IOE do nhà trường phát động.
Nhưng thầy cô vất vả một thì học trò lại vất vả gấp chục lần như thế.
Bởi những học sinh có học lực khá, thầy cô đã vét hết đưa vào đội tuyển thi Toán. Nay thêm cuộc thi mới, biết đào đâu ra “nhân tài” bây giờ?
Thế là đành khoác luôn gánh nặng lên vai các em theo kiểu một cổ hai tròng.
Nếu thi Violympic Toán, học sinh còn có nhiều thầy cô giáo trực tiếp hỗ trợ như giảng bài hoặc làm giúp các em qua vòng sơ loại, bởi nhiều bài toán vô cùng hóc búa.
Riêng IOE lại gặp rất nhiều khó khăn hơn vì giáo viên tiếng Anh trong mỗi trường rất ít.
Có trường gần 1 ngàn học sinh cũng chỉ có một giáo viên tiếng Anh.
Bởi thế, việc hướng dẫn, giúp đỡ các em gặp rất nhiều khó khăn.
Thầy Lê Thống Nhất "đẻ", Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển "nuôi" ViOlympic, IOE ra sao? |
Nhưng nếu không có sự hỗ trợ của giáo viên thì các em chẳng dễ gì qua nổi vòng loại, trừ một số ít học sinh học ở các trung tâm Anh ngữ.
Nhưng vì thành tích của trường, vì thương hiệu cần giữ hoặc cần chinh phục nên nhiều Ban giám hiệu trường học rất ráo riết chuyện này.
Thôi thì mọi cơ hội trong trường đều được trưng dụng hết.
Còn nhớ, trong buổi họp hội đồng, Hiệu trưởng trường tôi đã huy động toàn bộ giáo viên trong trường đều phải tham gia giúp đỡ, hỗ trợ học sinh giải qua vòng.
Hiệu trưởng nói:
“Các thầy cô ít nhất cũng học xong 12+2 nên tiếng Anh cơ bản cũng còn nắm ít nhiều.
Chẳng lẽ học biết bao năm mà giờ đây có mấy từ sơ đẳng của tiểu học lại không nắm được?
Vậy nên nhà trường phân công mỗi tổ một thứ (thứ Hai tổ 2, thứ Ba tổ 3, thứ Tư tổ 4 và thứ Năm tổ 5).
Giáo viên sắp xếp việc nhà ở lại trường vào buổi trưa, buổi chiều trực để cùng giáo viên Anh văn hướng dẫn cho học sinh làm bài".
Thế rồi, sau mỗi buổi tan trường thầy cô phải lên phòng tin học mở máy để hỗ trợ học sinh thi.
Nói là hỗ trợ cho oai chứ giáo viên phải làm trực tiếp bài để các em lấy điểm vì ngồi ngay trên máy mở vòng thi thời gian nào để giảng cho học sinh hiểu?
Kéo dài thì phải làm lại mà thầy cô còn bị giam chân biết khi nào về cơm nước, chợ búa?
Chẳng phải giáo viên nào cũng nhớ kiến thức để làm. Với những từ ngữ khó thầy cô lại í ới gọi nhau hoặc phải đợi đích danh giáo viên Anh văn đến.
Những năm đầu tổ chức IOE, việc quản lý các dạng bài chưa chặt chẽ. Bởi thế, giáo viên cũng có thể tải bài về cho học sinh làm thuần thục theo kiểu học vẹt để chờ ăn may trong phòng thi.
Chính điều này đã giúp không ít em bấm lụi, làm thí hay nhớ vẹt qua được vòng và đạt giải.
Học trò học ngày cày đêm
Không ít phụ huynh khi nghe tin con có tên trong đội tuyển Toán và tiếng Anh cũng đã lấy làm hãnh diện và tự hào.
Cái gì đã đẩy giáo viên, học sinh lao như thiêu thân vào vòng xoáy Violympic? |
Họ đã không tiếc tiền bạc để tìm mọi cách cho con đạt giải.
Thế là dù các em đã học cả ngày trên trường nhưng tối về ba mẹ vẫn chở đến lò luyện Toán, tiếng Anh để học thêm.
Mỗi môn học tuần 3 buổi vị chi tuần học 6 buổi tối.
Tan trường, có bé chỉ kịp gặm ổ bánh mì là vào học đến 8 giờ mới ra.
Về đến nhà tắm rửa, cơm nước xong cũng 10 giờ. Có em sáng mai lên trường còn mệt mỏi, bơ phờ.
Có em nói rằng “Con thèm được một giấc ngủ thật dài cho đã cô ạ”.
Thế nhưng học nhiều như thế, không ít em đã bỏ qua nhiều môn học khác vì còn thời gian tâm trí nào để học bài?
Nhưng vì thành tích của lớp, của trường, giáo viên cũng phải “ưu ái” không truy bài đầu giờ, không kiểm tra việc chuẩn bị bài ở nhà của những học sinh này ít nhất là cho hết thời gian thi.
Đã có những học sinh vốn là học sinh giỏi toàn diện nhưng một thời gian lao vào hai cuộc thi trên mạng này kết quả học tập đã có phần giảm sút.
Không ít phụ huynh đã đến trường đề nghị được rút tên con ra khỏi cuộc thi có lẻ vì điều đó.
Nhiều thầy cô giáo cũng ám ảnh với tên gọi cuộc thi giải Toán, Anh văn qua mạng internet cũng vì điều đó.
Lẽ ra, cuộc thi chỉ là sân chơi dành cho những học sinh có niềm đam mê toán học hoặc có năng khiếu Anh văn thì người lớn lại dựa vào đó để tìm kiếm thành tích, sự nổi tiếng.
Điều này không chỉ mang đến áp lực cho giáo viên còn cướp đi tuổi thơ của biết bao đứa trẻ khác.