LTS: 70 năm trước, nhân dân Thủ đô Hà Nội cầm súng đứng lên, mở đầu cho Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016) chống lại Thực dân Pháp.
Nhớ lại những ngày lịch sử này, Đại tá Đặng Việt Thủy đã có những chia sẻ từ các cứ liệu lịch sử mà ông có được trong quá trình công tác của mình.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả!
Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ lâm thời long trọng đọc bản "Tuyên ngôn Độc lập", khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Vừa mới ra đời, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phải đương đầu với nhiều khó khăn và kẻ thù nguy hiểm.
Ở miền Bắc, với danh nghĩa Đồng minh giải giáp quân đội Nhật, 20 vạn quân Tưởng đã kéo vào nước ta, dã tâm của chúng là lật đổ chính quyền cách mạng, đưa bọn phản động tay sai Việt quốc, Việt cách lên nắm quyền.
Kỷ niệm 70 năm ngày toàn quốc kháng chiến. (Ảnh: Tạp chí Quốc phòng toàn dân) |
Ở miền Nam, ngày 6/9/1945, quân đội Anh đến Sài Gòn với danh nghĩa giải giáp quân Nhật nhưng thực chất là giúp cho thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam.
Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp được Anh giúp đỡ đã gây chiến ở Nam Bộ. Chúng mưu toan đánh chiếm Nam Bộ trong vòng 4 tuần lễ, lấy đó làm bàn đạp đánh chiếm ba nước Đông Dương.
Giữ vững lời thề độc lập, nhân dân Nam Bộ đã tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Để tranh thủ thời gian, chuẩn bị lực lượng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện một số chính sách đối ngoại có nhân nhượng, để phân hóa kẻ thù, tập trung vào kẻ thù nguy hiểm nhất lúc này là thực dân Pháp.
Theo Phụ khoản tính theo Hiệp định Sơ bộ (ngày 6/3/1946), 15.000 quân Pháp được ra phía Bắc vĩ tuyến 16, trong cõi Việt Nam để thay thế quân đội Trung Hoa.
Đấu tranh giữ vững chính quyền Cách mạng non trẻ, kiên quyết bảo vệ độc lập |
Theo Hiệp định Tạm thời quy định những địa điểm đóng quân thì riêng Hà Nội có 5.000 binh sĩ Pháp.
Trong âm mưu mở rộng xâm lược ra miền Bắc Việt Nam của quân viễn chinh Pháp, thủ đô Hà Nội là mục tiêu quan trọng nhất. Kế hoạch của chúng là trước hết đánh chiếm Hà Nội, từ đó mở rộng đánh chiếm cả miền Bắc.
Nắm bắt được ý đồ của địch, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang.
Do chủ trương chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài nên quân chủ lực của ta ở Hà Nội chỉ có một lực lượng nhỏ Vệ quốc đoàn và Công an xung phong của Trung ương.
Lực lượng vũ trang trực tiếp hỗ trợ cho quần chúng đấu tranh với địch chủ yếu là lực lượng của thành phố với các tổ chức tự vệ: Tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu là lực lượng vũ trang tập trung, làm nòng cốt cho lực lượng vũ trang thành phố; Tự vệ thành là lực lượng bán vũ trang gồm nhân dân ở các khu phố tự nguyện tham gia và tổ chức, tự sắm vũ khí, tự bầu người chỉ huy. Tự vệ thành đeo sao vuông trên mũ nên gọi là "Tự vệ sao vuông".
Ở các xí nghiệp có Tự vệ xí nghiệp do công nhân các xí nghiệp (kể cả xí nghiệp của chủ người Pháp) lập ra, là lực lượng vừa sản xuất vừa chiến đấu bảo vệ xí nghiệp, bảo vệ địa bàn.
Chính lực lượng tự vệ xí nghiệp này là lực lượng quan trọng di chuyển máy móc khỏi thành phố lên chiến khu theo chủ trương rút khỏi thành phố của Trung ương và lãnh đạo thành phố.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến lực lượng tự vệ Hà Nội. Ngày 9/4/1946, tại Bắc Bộ phủ, Người đã tiếp đại biểu tự vệ Hà Nội để động viên và dặn dò anh chị em về mọi mặt hoạt động.
Trước yêu cầu thống nhất các lực lượng vũ trang địa phương dưới sự lãnh đạo chung của Thành ủy, ngày 29/8/1946 tại Quảng trường khu Đấu Xảo (nay là Cung văn hóa Hữu nghị) đã diễn ra lễ thống nhất các lực lượng tự vệ Hà Nội, mang tên gọi chung là Đoàn Thanh niên tự vệ Hà Nội với một ban chỉ huy chung do đồng chí Khuất Duy Tiến làm Chủ tịch.
Cuối tháng 6/1946, theo Hiệp ước Trùng Khánh giữa Pháp và Trung Hoa cùng với tác động của Hiệp định Sơ bộ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Pháp, toàn bộ quân Tưởng rút về nước.
Bọn tay sai Việt quốc, Việt cách cũng chạy theo. Quân Pháp rảnh tay, càng xúc tiến chuẩn bị đánh chiếm nước ta.
Để tranh thủ khả năng giải quyết quan hệ Việt - Pháp bằng con đường hòa bình, và nếu không ngăn được chiến tranh thì ít nhất cũng làm cho nó chậm xảy ra để chúng ta có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn đại biểu Chính phủ ta sang Pháp đàm phán.
Do lập trường hiếu chiến của phía Pháp, Hội nghị Phông-ten-nơ-blô tan vỡ. Để cứu vãn tình thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh vận động và ký với Chính phủ Pháp bản Tạm ước (14/9/1946).
Đến lúc này, khả năng hòa hoãn đã không còn. Ngày 19/10/1946, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự toàn quốc.
Hội nghị nhận định không sớm thì muộn Pháp sẽ đánh ta, ta nhất định phải đánh lại chúng, đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng lực lượng vũ trang để sẵn sàng chiến đấu với quân thù.
Việc Chính phủ Pháp ký Tạm ước 14 tháng 9 vì họ chưa đủ lực lượng để phát động chiến tranh, còn dã tâm chiếm lại nước ta không thay đổi.
Giữa tháng 11/1946, dù chưa phát động chiến tranh ở Hà Nội, nhưng thực dân Pháp gây chiến tranh ở Hải Phòng, sau đó là Lạng Sơn.
Mưu toan của chúng là đánh chiếm từng vùng, ép ta về chính trị và quân sự, tiến tới bao vây Hà Nội, buộc Chính phủ ta phải chấp nhận những yêu sách thực dân của chúng.
Tuy nhiên ở Hải Phòng và Lạng Sơn sau khi bị quân ta chống trả quyết liệt, gây cho chúng nhiều thiệt hại, quân Pháp chỉ chiếm được nội thành Hải Phòng và thị xã Lạng Sơn.
Các phòng tuyến của ta ngăn chặn không cho chúng mở rộng phạm vi chiếm đóng.
Để chuẩn bị chiến đấu, theo chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy trực tiếp chỉ đạo Bộ chỉ huy Khu 11 (Hà Nội) nghiên cứu phương án tác chiến.
Qua thực tiễn chiến trường Hải Phòng và Lạng Sơn, chúng ta thấy có thể đánh kìm chân địch trong thành phố dài ngày.
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Trường Chinh lúc đó nhận định: "Có kẻ cho rằng không thể kháng chiến trong thành phố vì ở đó không có địa lợi, lực lượng địch lại tập trung.
Kinh nghiệm Hải Phòng chỉ cho ta thấy rất có thể kháng chiến trong thành phố...
Ngày nay, ta kháng chiến chống Pháp, chống thực dân xâm lược, mỗi thành phố cũng như mỗi làng của ta phải là một trung tâm điểm kháng chiến, kháng chiến dẻo dai, kháng chiến quyết liệt.
Nhưng làm thế nào để kháng chiến trong thành phố? Kinh nghiệm Mát-xcơ-va, Bê-ô-grát, Xta-lin-grát, và Hải Phòng đã dạy cho ta rồi đó" (Bộ Quốc phòng - Viện lịch sử quân sự, "Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954", Nxb Quân đội nhân dân, H.2001, tập 1, trang 361).
Đồng chí Trường Chinh cũng giao nhiệm vụ cho đồng chí Vương Thừa Vũ, Chỉ huy trưởng Khu 11 (Đặc khu Hà Nội): Hà Nội, phải chuẩn bị sẵn sàng để phòng địch gây hấn.
Khi địch tiến công ở Hà Nội phải kìm chân địch một thời gian, càng dài càng tốt để bảo toàn lực lượng rút lên chiến khu kháng chiến lâu dài.
Như vậy, cuộc chiến đấu của Hà Nội có vai trò quan trọng đối với thế chiến lược chung cả nước.
Thời cơ đã đến, những quyết định lịch sử trọng đại trong CMT8/1945 |
Một nhiệm vụ lớn chuẩn bị cho kháng chiến trường kỳ của Hà Nội là việc tổ chức di chuyển máy móc, kho tàng, nguyên vật liệu và đồng bào thủ đô tản cư.
Tháng 10/1946, sau khi từ Pháp về, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ chỉ đạo tổ chức di chuyển máy móc, kho tàng, nguyên vật liệu, nhà in, đài phát thanh, kho bạc... từ các thành phố, thị xã, đặc biệt là từ Hà Nội lên ATK (An toàn khu) cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng.
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, từ trung tuần tháng 11/1946, Hà Nội khẩn trương thực hiện cuộc di chuyển. Cuộc di chuyển cho đến tháng 2/1947, khi quân Pháp chiếm được cả thành phố, cuộc di chuyển mới kết thúc.
Tháng 11/1946, sau khi được tăng viện, quân Pháp tăng quân trái phép vào Hà Nội. Riêng quân viễn chinh lên tới 6.500 với vũ khí hiện đại, có xe tăng, xe cơ giới, pháo binh và máy bay yểm trợ.
Chúng đóng quân tại 45 địa bàn trọng yếu trong thành phố, hình thành những cụm cứ điểm vừa phòng thủ lại vừa thuận lợi cho xuất phát tiến công các cơ quan đầu não của ta.
Âm mưu của quân Pháp là bất ngờ đánh úp diệt hoặc bắt sống các cơ quan đầu não của ta, tiêu diệt lực lượng vũ trang ta, nhanh chóng làm chủ Hà Nội; dùng Hà Nội làm bàn đạp mở rộng đánh chiếm Bắc Việt Nam.
Đồng thời đánh chiếm các địa bàn khác ở Trung Bộ, hoàn tất việc xâm lược trở lại toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
Dự báo được âm mưu và kế hoạch của địch, Trung ương Đảng và Chính phủ tăng cường chỉ đạo Hà Nội sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hành động không để địch thực hiện cuộc "đảo chính quân sự" ở đây.
Tháng 11/1946, Trung ương Đảng quyết định thành lập Ủy ban bảo vệ, Ban chỉ huy và Đảng ủy mặt trận Hà Nội do đồng chí Nguyễn Văn Trân làm Bí thư Đảng ủy mặt trận kiêm Chủ tịch Ủy ban bảo vệ thành phố.
Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Phó Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ được Trung ương cử về trực tiếp chỉ đạo mặt trận Hà Nội.
Ngày 3/11/1946, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hà Nội, đã thành lập Chính phủ mới do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Quốc hội trao cho Chính phủ toàn quyền đối phó với thực dân Pháp. Quân sự Ủy viên hội thống nhất với Bộ Quốc phòng thành Bộ Quốc phòng do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng - Tổng chỉ huy.
Theo chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng chỉ huy trực tiếp chỉ đạo Bộ chỉ huy Khu 11 do đồng chí Vương Thừa Vũ làm Chỉ huy trưởng nghiên cứu phương án tác chiến của Hà Nội.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu trưởng thường trực tiếp nghe báo cáo, nắm tình hình và cùng bàn bạc kế hoạch tác chiến với Bộ chỉ huy Khu 11.
Sau khi nghiên cứu kỹ tình hình địch, ta, cân nhắc các phương án tác chiến... đồng chí Vương Thừa Vũ đề xuất kế hoạch "Trong đánh, ngoài vây" với nội dung chính là: Kết hợp lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân nội, ngoại thành.
Lực lượng vũ trang bố trí thành nhiều tổ chiến đấu ở khắp nơi trong thành phố, khi có lệnh chiến đấu thì đồng loạt nổ súng đánh vào các vị trí địch, tiêu diệt một bộ phận sinh lực của chúng.
Sau đó, một bộ phận chốt giữ ở trung tâm thành phố, dựa vào sự ủng hộ của nhân dân, giành giật với địch từng căn nhà, từng góc phố.
Các bộ phận khác tỏa ra chặn các cửa ô, trong đánh ra, ngoài đánh vào, tiêu hao, vây hãm giam chân quân Pháp. Kế hoạch này được Bộ trưởng Quốc phòng - Tổng chỉ huy phê duyệt.
Ngày 19/12/1946, vào lúc 20 giờ 30 phút, theo mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy, công nhân Nhà máy Điện Hà Nội cho nổ mìn phá máy phát điện, đèn toàn thành phố tắt, pháo đài Láng phát hỏa, hiệu lệnh chiến đấu bắt đầu. Hà Nội mở màn cuộc Toàn quốc kháng chiến.
Do đã chuẩn bị sẵn sàng, nên khi hiệu lệnh chiến đấu vừa phát ra, các lực lượng vũ trang Hà Nội: Vệ quốc đoàn, công an xung phong, tự vệ nội thành đồng loạt tiến công các vị trí địch.
Trước hết là các vị trí xen kẽ giáp nhau như Nhà máy Điện Hà Nội (còn gọi là nhà Đèn Bờ Hồ), Nhà máy Nước Yên Phụ, Nhà in Viễn Đông, Ngân hàng Đông Dương, ga Hàng Cỏ...
Các trận địa pháo ở Láng, Xuân Canh bắn vào trại lính Pháp. Tiếng loa phát thanh hô hào "Giờ cứu nước đã đến" vang khắp thành phố. Nhân dân reo hò ném bàn ghế, sập gụ, cánh cửa, kiện hàng... ra đường phố cản địch.
Công nhân hỏa xa, công nhân xe điện đẩy các toa tàu ra ngã tư, ngã năm làm chiến lũy. Tự vệ ngả cây, hạ cột điện tạo thành vật cản cơ giới của địch. Nhân dân nội thành tham gia phục vụ chiến đấu. Nhân dân ngoại thành tổ chức lực lượng tiếp ứng cho nội thành.
Quân Pháp cũng đã chuẩn bị trước, tuy lúc đầu có bị bất ngờ, lúng túng nhưng chúng nhanh chóng tổ chức phản kích.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời |
Hàng nghìn quân Pháp có chiến xa mở đường tiến đánh các vị trí trọng yếu như của ta như Bắc Bộ phủ (nhà làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đó), trụ sở Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy, doanh trại Vệ quốc đoàn Trung ương ở phố Hàng Bài, Sở chỉ huy Tự vệ chiến đấu ở Đấu Xảo, nhà Ga, cầu Long Biên, Nhà hát Lớn...
Trận chiến đấu ác liệt nhất trong đêm 19/12/1946 là trận bảo vệ Bắc Bộ phủ. Khoảng 500 lính lê dương với hàng chục xe tăng, xe thiết giáp, xe vận tải... tập trung tiến đánh Bắc Bộ phủ.
Quân ta chỉ có gần 2 đại đội Vệ quốc đoàn bảo vệ Bắc Bộ phủ. Trong gần 20 giờ địch tổ chức 6 đợt xung phung, mỗi đợt đều có xe tăng đi trước bắn phá, bộ binh tiến theo sau. Các chiến sĩ ta đánh địch quả cảm, dùng bom ba càng diệt xe tăng, bộ binh phản kích đánh lui địch.
Đến đợt 6, đạn dược của ta gần hết, đã có 40 chiến sĩ hy sinh, Ban chỉ huy Liên khu cho bộ đội rút. Địch lại cho máy bay đến bắn phá dữ dội. Khi quân ta rút, địch mới vào được Bắc Bộ phủ.
Tính cả 6 đợt xung phong, địch bị diệt 122 tên, 4 xe tăng và xe bọc thép, 3 xe vận tải, 1 xe gíp.
Ở các vị trí khác, quân và dân ta cũng chiến đấu kiên cường diệt hàng trăm tên địch và nhiều xe tăng, xe bọc thép. Điển hình là trận địch tấn công Nha Công an, 140 công an xung phong đánh trả quyết liệt, diệt gần 100 tên địch, sau đó mới rút...
Qua một ngày đêm chiến đấu, quân dân Hà Nội đã đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, diệt khoảng 300 tên địch, bắt khoảng 400 tên, phá hủy 10 xe tăng, 5 xe bọc thép, 2 xe gíp, 7 xe vận tải. Tuy nhiên do lực lượng quá chênh lệch, ta đã mất nhiều vị trí.
Từ 21 đến 23/12, địch tiếp tục tiến công một số vị trí quan trọng khác như như: Trụ sở Bộ Quốc phòng, Trại Vệ quốc đoàn Trung ương, Tòa Thị chính... Cuộc chiến đấu ở những nơi này cũng diễn ra rất quyết liệt.
Trong những ngày này, ta đã tổ chức cho khoảng 10 vạn đồng bào Hà Nội tản cư ra ngoại thành và các tỉnh lân cận an toàn.
Ngày 25/12, trước diễn biến tình hình mặt trận Hà Nội, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định sáp nhập Chiến khu 11 (Hà Nội) vào Chiến khu 2 để Hà Nội có thêm hậu phương vững chắc.
Chiến khu 2 gồm các tỉnh Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Sơn La. Đồng chí Vương Thừa Vũ làm Khu phó Chiến khu 2, đồng thời trực tiếp làm Chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội.
Bộ Tổng tham mưu cũng điều Tiểu đoàn 56 của Trung đoàn 13 Hà Đông tăng cường cho Hà Nội.
Từ ngày 24/12/1946 trở đi, mặt trận Hà Nội đã hình thành rõ rệt hình thái "trong đánh, ngoài vây".
Ngày 24, 25, 26 tháng 12, địch liên tục mở nhiều đợt tiến công nhưng đều bị quân ta chặn đánh quyết liệt buộc phải rút lui.
Ngày 28/12, địch lại tiến công Ô Cầu Dền, lần này địch dùng lực lượng đông hơn, có cả xe tăng mở đường, nhưng ta đã bố trí sẵn trận địa, có cả súng ba-dô-ca.
Để cho địch tiến vào trận địa một đoạn, ta mới nổ súng, bắn cháy cả xe tăng địch, chúng phải bỏ chạy.
Cũng trong ngày 28, địch tiến đánh Vĩnh Tuy từ nhiều hướng có pháo binh chi viện, có xe tăng dẫn đầu. Ta dựa vào chiến lũy đánh chặn rồi phản kích, diệt 50 tên, địch phải rút lui.
Trong những ngày này, Liên khu 2 cũng cho một đại đội của Tiểu đoàn 56 tập kích địch ở các phố Mai Hắc Đế, Huyền Chân công chúa, nhà Diêm... Một tổ tự vệ phục kích địch ở Hàm Long.
Về phía địch, đến ngày 27/12, chúng đưa thêm một lực lượng vào tăng cường cho quân Pháp ở Hà Nội.
Ngày 28/12, Ủy ban kháng chiến và Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội họp đánh giá tình hình chiến đấu 10 ngày từ 19 đến 28/12/1946. Cuộc họp có cả Tổng chỉ huy và Tổng tham mưu trưởng dự.
Cuộc họp đánh giá Hà Nội đánh như vậy là một thành tích lớn và rút ra nhận định ta có thể đánh dài ngày hơn. Tuy nhiên, do có thêm lực lượng, địch sẽ mở rộng đánh chiếm ra các cửa ô để phá thế bao vây của ta, sau đó sẽ tập trung đánh Liên khu 1.
Bộ chỉ huy mặt trận chỉ đạo các Liên khu 2 và 3 bố trí lại lực lượng, tăng cường công sự.
Liên khu 1 tích cực đánh du kích, giữ vững khu vực cố thủ, không cho địch dồn ép. Các tiểu đoàn Vệ quốc đoàn lấy thêm tự vệ để bổ sung quân số...
Những ngày cuối năm 1946, đầu năm 1947, địch đánh ra các cửa ô, mở rộng chiếm đóng. Theo yêu cầu của chiến trường Bắc Bộ, trọng điểm là Hà Nội, Chính phủ Pháp quyết định tăng viện 2 vạn quân từ Pháp sang. Như thế, đến cuối tháng 1/1947, viện binh Pháp sẽ tới Hà Nội.
Tháng 1/1947, Ủy ban kháng chiến và Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội điều chỉnh lại sự bố trí lực lượng để vừa bảo đảm chiến đấu trong lòng Hà Nội, vừa chống địch tiến công ra ngoại thành.
Ủy ban kháng chiến Hà Nội quyết định sáp nhập khu Đống Đa với Liên khu 3. Các đơn vị Vệ quốc đoàn và tự vệ chiến đấu công an xung phong của Liên khu 1 cùng một số lực lượng bổ sung thống nhất thành một trung đoàn, lấy tên là Trung đoàn Liên khu 1.
Hội nghị quân sự toàn quốc họp tại Chúc Sơn (thuộc huyện Chương Mỹ) từ ngày 12 đến 16/1/1947 đã quyết định tặng Trung đoàn Liên khu 1 danh hiệu "Trung đoàn Thủ đô". Quân số Trung đoàn Thủ đô lúc mới thành lập lên đến 5.600 người.
Theo chủ trương của trên, ta sẽ đưa 3.000 cán bộ chiến sĩ ra ngoài thành phố bằng con đường bí mật, Trung đoàn Thủ đô chỉ để lại chiến đấu khoảng 1.200 người.
Các đơn vị Vệ quốc đoàn và tự vệ chiến đấu ở các cửa ô cũng được tổ chức thành Trung đoàn 48 và Trung đoàn 52. Mỗi trung đoàn có khoảng 2.000 cán bộ, chiến sĩ.
Nhân dịp Tết Đinh Hợi (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư "Gửi các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô".
Từ ngày 15/1/1947, sau khi đánh thông được quốc lộ 5 và đưa quân qua cầu Long Biên tăng viện cho Hà Nội, quân Pháp tập trung lực lượng mở cuộc tiến công lớn ra các cửa ô.
Sau 4 ngày tiến công liên tục, bị quân ta chặn đánh quyết liệt, địch bị thương vong nhiều nhưng đã chiếm được đoạn vành đai Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở và vành đai Ngã Tư Sở - Bưởi.
Sau khi đã rút ra ngoài, lực lượng chiến đấu còn lại của ta không nhiều. Ta cũng không có điều kiện tiến công hoặc phản công lớn.
Vì thế cả Vệ quốc quân và tự vệ đều được chia thành từng tổ nhỏ. Cách đánh phổ biến là đánh du kích, vừa tiêu hao được lực lượng địch, làm cho chúng thường xuyên căng thẳng, mất ăn, mất ngủ mà ta lại ít bị thương vong.
Ngày 26/1/1947, đồng chí Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp và Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đến Sở chỉ huy mặt trận Hà Nội nghe các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy mặt trận Hà Nội: Nguyễn Văn Trân, Vương Thừa Vũ... báo cáo tình hình và cùng bàn nhiệm vụ tác chiến sắp tới.
Từ ngày 6 đến 7/2/1947, địch bắt đầu tiến công Liên khu 1 và các phố: Hàng Nón, Hàng Thiếc, Hàng Mành, Hàng Hòm, Bát Đàn, Hàng Quạt.
Cuộc chiến ở đây diễn ra quyết liệt, giành đi, giật lại, địch bị thiệt hại lớn về người và xe cộ. Quân ta vẫn giữ được trận địa, bảo đảm đường giao thông với phía sau.
Ngày 14/2/1947, địch chuyển hướng tiến công lên phía bắc, đánh vào khu vực chợ Đồng Xuân. Chúng dùng phi pháo oanh tạc dữ dội rồi cho xe tăng, bộ binh tiến công từ nhiều hướng.
Nhân dân Hà Nội mang đồ dùng gia đình ra ngăn chặn xe cơ giới Pháp, mùa đông năm 1946. Ảnh tư liệu |
Quân ta đánh lui hai đợt xung phong của địch. Đến đợt xung phong thứ ba, địch chiếm được chợ. Được chi viện lực lượng, quân ta phản kích chốt chặn địch ở phố Hàng Chiếu.
Trận đánh ở chợ Đồng Xuân vô cùng quyết liệt. Nhiều chiến sĩ cảm tử dùng dao, kiếm đánh giáp lá cà với lính lê dương. Ta diệt khoảng 200 tên địch.
Đến ngày 15/2, tình hình Trung đoàn Thủ đô trở nên cấp bách. Vòng vây của địch khép dần. Quân ta chỉ còn dự trữ lương thực dùng trong 5 ngày, mỗi khẩu súng chỉ còn 5 viên đạn, nước dùng cũng thiếu.
Theo đề nghị của Quân ủy, sáng ngày 15/2, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng đồng ý cho Trung đoàn Thủ đô rút quân ra ngoài.
Kế hoạch của ta là: 20 giờ ngày 17/2 sẽ tổ chức rút quân theo đường qua sông Hồng bằng thuyền, yêu cầu cao nhất của cuộc rút quân là bí mật, an toàn. Muốn vậy, phải có các hoạt động nghi binh, đánh lạc hướng địch.
Về phía địch, sau nhiều ngày tiến công liên tục, chúng tạm ngừng để củng cố lực lượng và chờ đến ngày 18/2, viện binh từ Hải Phòng lên. Tranh thủ thời gian đó, mặt trận Hà Nội tiến hành các cuộc tiến công nghi binh.
Đêm 15/2, quân ta ở Liên khu 2 tiến công Ô Cầu Dền; Liên khu 3 tiến công vào Hàng Bột, Cầu Giấy, Kim Mã; Tiểu đoàn 145 tập kích Đông Ngạc, Mai Dịch, Hoài Đức và cho một lực lượng luồn vào nội thành quấy rối.
Đêm 16, các lực lượng ta tiếp tục quấy rối địch toàn thành phố. Ở Liên khu 1 ta cũng tổ chức tiến công và quấy rối một số vị trí địch.
Đường rút quân của ta đã được tính toán, thăm dò, bảo đảm bí mật, an toàn. Các phương tiện phục vụ việc rút quân cũng được huy động sẵn sàng.
Đêm 17/2, trời tối, sương mù, giá lạnh, mặt trận im tiếng súng, giặc Pháp còn đang yên tâm tính toán cho cuộc tiến công sắp tới, đúng 20 giờ theo kế hoạch đã định, Trung đoàn Thủ đô bắt đầu rút quân.
Cuộc hành quân thuận lợi, vào lúc 24 giờ ngày 17, quân ta đã rút hoàn toàn khỏi Liên khu 1. Đến 23 giờ ngày 18/2, đại bộ phận trung đoàn đã đến Dâu Canh.
Sáng 19/2, địch mới phát hiện quân ta đã rút khỏi Liên khu 1. Chúng huy động lực lượng đuổi theo.
Trung đội trưởng tự vệ chiến đấu Nguyễn Ngọc Nại, người trực tiếp chỉ huy tiểu đội liên lạc đặc biệt từng chuẩn bị và đưa đường cho bộ đội rút, nay lại chỉ huy tiểu đội chốt cuối cùng, đã cùng một tổ chặn đánh và đánh lạc hướng quân địch, chiến đấu đến cùng, không để rơi vào tay quân giặc.
Giặc Pháp mất dấu vết quân ta, đã điên cuồng tàn sát hơn 50 dân lành ở Tứ Tổng và Tàm Xá.
Sau 60 ngày đêm chiến đấu anh dũng, giam chân địch ở Hà Nội, lực lượng vũ trang Hà Nội, trong đó có Trung đoàn Thủ đô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo toàn lực lượng, rút lui an toàn để chuẩn bị cho những cuộc chiến đấu mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương: "Các chú giam chân địch một tháng là thắng lợi. Đến nay giữ Hà Nội được hai tháng là đại thắng lợi".
Kể từ đêm 19/2/1946 đến đêm 17/2/1947, 60 ngày đêm quân dân Hà Nội chiến đấu gian khổ, hy sinh, dũng cảm, mưu trí đã lập được thành tích xuất sắc, xứng đáng là địa phương mở đầu, là mặt trận quan trọng nhất mở đầu Toàn quốc kháng chiến.
* Tài liệu tham khảo:
- "Mở đầu Toàn quốc kháng chiến", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2006.
- "100 sự kiện Lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX", Nxb Giáo dục, 2008.
- "65 năm Toàn quốc kháng chiến (1946-2011)", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2011.