Tỷ lệ các trường Trung học phổ thông trên địa bàn Hải Phòng đạt chuẩn còn thấp so với mục tiêu đề ra đến năm 2020 là 40% tại Nghị quyết số 21 ngày 8/12/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố khóa 15.
Tỷ lệ đạt chuẩn thấp, tiến độ chậm
Hiện, toàn thành phố Hải Phòng có 60 trường Trung học phổ thông, trong đó 40 trường công lập và 20 trường ngoài công lập.
Trong số này, mới có 14 trường Trung học phổ thông công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Tuy nhiên, trong số trường đạt chuẩn còn nhiều trường chưa xin phép thẩm định công nhận lại vì đã quá hạn quy định 5 năm, theo Điều 12 Thông tư 47/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hải Phòng mới có 14/60 trường Trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia (ảnh: CTV) |
Ông Vũ Văn Trà, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia là một trong những giải pháp quan trọng bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục.
Để đạt chuẩn quốc gia, các trường phải đạt 5 tiêu chuẩn bao gồm: tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; chất lượng giáo dục; tài chính, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, để đạt được các tiêu chuẩn này, đòi hỏi các trường phải nỗ lực toàn diện trên tất cả lĩnh vực, song khó khăn nhất vẫn là đạt chuẩn “tài chính, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học”.
Các trường Trung học phổ thông công lập chưa đạt chuẩn hầu hết vướng mắc ở khâu này do thiếu diện tích đất xây dựng trường, phòng học, phòng chức năng, nhà đa năng không đúng quy chuẩn.
Cụ thể, các trường Trung học phổ thông ở nội thành như: Hải An, Trần Nguyên Hãn, Hồng Bàng đều thiếu diện tích đất, các phòng học, phòng chức năng không đủ chuẩn.
Trong khi đó, hầu hết trường Trung học phổ thông ở khu vực ngoại thành đều đủ và dư thừa về diện tích đất xây dựng, nhưng lại không đủ tiềm lực về tài chính để xây dựng cơ sở vật chất.
Hiện, 9 trường Trung học phổ thông tại 2 huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo đáp ứng yêu cầu về diện tích đất và 4 tiêu chuẩn về chuyên môn.
Các trường này được Phòng Trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo) kiểm tra và công nhận sơ bộ, song để có hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng tiêu chuẩn quy định vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Phụ huynh trường Nguyễn Trãi phải bán lúa non để nộp tiền cho con |
Theo ông Đinh Quang Hoàng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Toàn Thắng (huyện Tiên Lãng), nhà trường có diện tích rộng 32.000 m2.
Nhưng đến nay còn thiếu 4 phòng học, nhiều phòng học của trường xuống cấp, không bảo đảm an toàn trong công tác dạy và học, nhiều phòng chức năng thiếu.
Đầu tư cơ sở vật chất chưa tương xứng
Theo ông Nguyễn Ngọc Hương, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), huyện tập trung chỉ đạo rà soát hiện trạng cơ sở vật chất các trường học; ưu tiên hỗ trợ các công trình cấp thiết cấp bách.
Trong năm 2018, huyện dành 60% kinh phí từ nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới để đầu tư cải tạo, sửa chữa và xây dựng 38 công trình tại các trường học.
Tại huyện Vĩnh Bảo, năm 2018, địa phương đầu tư 80 tỷ đồng xây mới, cải tạo, nâng cấp các công trình phụ trợ, phòng chức năng, hiệu bộ tổng số 26 trường, trong đó có 2 Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu và Vĩnh Bảo.
Mặc dù vậy, ở Thủy Nguyên cũng chỉ có 2 trường Trung học phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia là Lê Ích Mộc và Quang Trung. Còn tại Vĩnh Bảo chỉ có trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm đạt chuẩn.
Để các trường Trung học phổ thông đạt chuẩn theo quy định, Hải Phòng cần đầu tư kinh phí lớn (Ảnh: CTV) |
Điều đáng nói, trong số 3 trường trên, 2 trường quá hạn thẩm định tới hơn 10 năm, mà theo Thông tư 47/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là phải “xóa chuẩn”.
Như vậy có thể thấy, tình trạng đầu tư không tập trung, nguồn lực đầu tư chưa “đủ độ”, chưa kịp thời, cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ đạt chuẩn quốc gia ở khối trường Trung học phổ thông đạt thấp.
Mặt khác, việc các trường Trung học phổ thông phải mua sắm thiết bị ở mức đạt chuẩn cần kinh phí lớn.
Ông Nguyễn Bá Đôn, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cộng Hiền (huyện Vĩnh Bảo) cho biết: “Thiết bị của 1 phòng học ngoại ngữ phải đầu tư kinh phí khoảng 300 triệu đồng, cùng với đó là hệ thống phòng tin học, thực hành lý, hóa, sinh, công nghệ…
Điều này bản thân các trường không làm được mà phải có vốn ngân sách, trong khi việc xã hội hóa giáo dục khó khăn”.
Xây dựng các trường Trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia là trách nhiệm không chỉ của ngành Giáo dục, mà cần sự quan tâm tạo điều kiện của thành phố Hải Phòng, các ngành, địa phương và cả cộng đồng.
Trong đó, trước hết là tạo điều kiện về kinh phí đầu tư để các đơn vị có thể đáp ứng tiêu chuẩn về cơ sở vật chất;
Bố trí nguồn kinh phí thường xuyên các trường đạt chuẩn duy trì hệ thống cơ sở vật chất như bảo trì các phòng học bộ môn…
Đồng thời, rà soát các trường đạt chuẩn quá hạn quy định, thẩm định, điều chỉnh, bổ sung cho sát chuẩn mới để được công nhận lại.
Nếu tình trạng này không được cải thiện, những năm tới số trường đạt chuẩn khó tăng lên mà còn kéo theo nhiều trường “rơi chuẩn”.