Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được thành lập theo Nghị định số 678-TTg ngày 25 tháng 01 năm 1956 với tên gọi ban đầu là Trường Kinh tế Tài chính. Trải qua nhiều tên gọi khác nhau, tới ngày 22/10/1985, Bộ trưởng Bộ đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) ra Quyết định số 1443/QĐ-KH đổi tên trường thành Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Theo thông tin đăng tải trên website sứ mệnh của trường là: "Tiên phong trong đổi mới, phát triển và phổ biến tri thức về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh; thu hút và đào tạo nhân tài; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phụng sự sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước. Đào tạo ra các nhà lãnh đạo và những doanh nhân hàng đầu của Việt Nam. Trung tâm nghiên cứu xuất sắc, đề xuất xây dựng đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tư vấn giải pháp cho các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp".
Hiện, Nhà giáo ưu tú, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương là Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Chỉ tiêu hệ đào tạo từ xa ngành Quản trị kinh doanh hơn chỉ tiêu chính quy tới 1240 sinh viên
Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhà trường mở hệ đào tạo từ xa với 4 ngành: Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng và Luật Kinh tế. So với năm 2023, nhà trường giảm 1 ngành là ngành Luật.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về lý do dừng tổ chức đào tạo từ xa ngành Luật, đại diện nhà trường cho biết, việc triển khai các chương trình đào tạo từ xa được thực hiện theo Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường không gặp khó khăn gì trong quá trình triển khai đào tạo từ xa.
Chỉ tiêu tuyển sinh hệ đào tạo từ xa năm 2024 vẫn giữ nguyên tổng chỉ tiêu là 3.200, tương đương so với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023 của nhà trường.
Cụ thể, ngành Quản trị kinh doanh dẫn đầu với 1.520 chỉ tiêu, kế đến là ngành Luật Kinh tế với 880 chỉ tiêu. 2 ngành Kế toán và Tài chính - Ngân hàng có chỉ tiêu tuyển sinh là 400 chỉ tiêu/ngành.
Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển sinh hệ đào tạo từ xa của 4 ngành trên có sự chênh lệch khá lớn so với hệ đào tạo đại học chính quy theo chương trình chuẩn (dao động từ 200 đến hơn 1.000 chỉ tiêu).
Cụ thể, ở chương trình chuẩn hệ đại học chính quy, ngành Quản trị kinh doanh có 280 chỉ tiêu; ngành Luật Kinh tế có 120 chỉ tiêu; ngành Kế toán có 240 chỉ tiêu và ngành Tài chính - Ngân hàng có 320 chỉ tiêu.
Nhà trường tổ chức 8 đợt tuyển sinh đào tạo từ xa trong năm 2024, kéo dài từ tháng 1 đến tháng 11. Các đợt tuyển sinh cho khu vực miền Bắc diễn ra vào đợt 1, 3, 5, 7, trong khi khu vực miền Nam có các đợt 2, 4, 6 và 8. Đợt khai giảng cuối cùng của hệ đào tạo từ xa trong năm nay dự kiến được trường tổ chức vào ngày 10/11 tại khu vực miền Nam.
Về việc số lượng chỉ tiêu tuyển sinh của hệ đào tạo từ xa có sự chênh lệch lớn giữa các ngành học trong cùng hệ và so với hệ đại học chính quy, đại diện nhà trường cho hay: "Các giảng viên tham gia giảng dạy, nhân viên hỗ trợ chuyên trách về đào tạo từ xa đều là cán bộ của trường và việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh được xây dựng dựa trên Khoản 2, Điều 10, Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT về việc “Xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học đào tạo từ xa”.
Trong đó, chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học hàng năm của cơ sở đào tạo được xác định theo từng lĩnh vực đào tạo từ xa và tính tối đa bằng tổng quy mô đào tạo từ xa xác định trên cơ sở năng lực đào tạo của từng lĩnh vực đào tạo, trừ đi tổng quy mô sinh viên đào tạo từ xa trình độ đại học thực tế đang đào tạo tại cơ sở đào tạo và các trạm đào tạo từ xa của lĩnh vực đào tạo tương ứng, cộng thêm số sinh viên đào tạo từ xa trình độ đại học dự kiến sẽ tốt nghiệp trong năm tuyển sinh của lĩnh vực đào tạo đó".
Khoản 2, Điều 10, Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học đào tạo từ xa như sau:
Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo từ xa trình độ đại học hàng năm của cơ sở đào tạo được xác định theo từng lĩnh vực đào tạo từ xa và tính tối đa bằng tổng quy mô đào tạo từ xa xác định trên cơ sở năng lực đào tạo của từng lĩnh vực đào tạo, đáp ứng đồng thời các tiêu chí theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này, trừ đi tổng quy mô sinh viên đào tạo từ xa trình độ đại học thực tế đang đào tạo tại cơ sở đào tạo và các trạm đào tạo từ xa của lĩnh vực đào tạo tương ứng, cộng thêm số sinh viên đào tạo từ xa trình độ đại học dự kiến sẽ tốt nghiệp trong năm tuyển sinh của lĩnh vực đào tạo đó.
Điểm chuẩn hệ đào tạo từ xa thấp hơn gần 10 điểm so với hệ đại học chính quy
Khoản 4, Điều 12 Luật Giáo dục (Luật số 43/2019/QH14) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 quy định: "Văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục thuộc các loại hình và hình thức đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cấp có giá trị pháp lý như nhau". Do đó, sinh viên theo học hệ đào tạo từ xa sẽ được cấp bằng tốt nghiệp có giá trị tương đương so với sinh viên tốt nghiệp hệ đại học chính quy.
Tuy nhiên, điểm chuẩn đầu vào của hệ đào tạo chính quy và hệ đào tạo từ xa ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có sự khác biệt khá lớn.
Theo thông báo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đăng tải ngày 25/09/2024, điểm trúng tuyển chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học đợt 7 năm 2024 đối với thí sinh xét tuyển theo bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương với các ngành Kế toán, Luật Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng lần lượt là 18 điểm; 18,7 điểm; 17,5 điểm; 19 điểm (theo thang điểm 30).
Điểm trúng tuyển của các đợt tuyển sinh khác dao động từ 16,5 đến 19 điểm. Đối với thí sinh xét tuyển bằng tốt nghiệp cao đẳng, điểm trúng tuyển dao động từ 5-5,5 điểm trở lên (theo thang điểm 10).
Trong khi đó, điểm chuẩn hệ đại học chính quy của trường năm 2024 (theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông) cao hơn từ 8-10 điểm so với hệ đào tạo từ xa. Cụ thể, điểm chuẩn hệ chính quy các ngành Kế toán, Luật Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng năm 2024 lần lượt là 27,29 điểm; 27,05 điểm; 27,15 điểm; 27,30 điểm (theo thang điểm 30).
Về phương thức xét tuyển hệ đào tạo từ xa, năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bao gồm:
Xét tuyển thẳng đối với thí sinh thuộc đối tượng tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh đại học của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; thí sinh đã có bằng tốt nghiệp đại học.
Xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở các bậc học trước. Đối với thí sinh có bằng tốt nghiệp cao đẳng, xét tuyển theo điểm trung bình chung toàn khóa trên bảng điểm cao đẳng đạt từ 5,0 điểm trở lên (theo thang điểm 10).
Xét tuyển theo học bạ hoặc theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của 3 môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ đối với thí sinh có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương.
Đặc biệt, ngưỡng đầu vào ở tổ hợp 3 môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ theo kết quả học tập lớp 12 hoặc điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông phải đạt từ 15 điểm trở lên, không có điểm nào trong tổ hợp dưới 5 điểm.
Như vậy, hệ đào tạo từ xa chỉ yêu cầu thí sinh xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc trung học phổ thông hoặc cao đẳng, đại học và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chỉ từ 15 điểm. Trong khi đó, ngưỡng đầu vào (điểm sàn nộp hồ sơ xét tuyển) đại học chính quy năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là 22 điểm.
Điều này cho thấy sự chênh lệch lớn về tiêu chuẩn đầu vào giữa hai hệ đào tạo từ xa và hệ đào tạo chính quy của trường.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về ngưỡng đầu vào của sinh viên hệ đào tạo từ xa như vậy liệu có đảm bảo chất lượng, đại diện nhà trường lý giải: "Trường thực hiện theo đúng các quy định của Luật Giáo dục đại học 2012 (Luật số: 08/2012/QH13) tại Điều 34 quy định về chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh.
Đồng thời, theo Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 12/8/2024 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trong các nhiệm vụ cần tập trung thực hiện có nêu: (5) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo".
Bên cạnh đó, học phí hệ đào tạo từ xa được nhà trường áp dụng hình thức thu theo số tín chỉ với 600.000 đồng/tín chỉ.
Trong đó, học phí các ngành Quản trị kinh doanh, Luật Kinh tế, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng lần lượt là 77.400.000 đồng/toàn khóa/129 tín chỉ; 73.800.000 đồng/toàn khóa/123 tín chỉ; 65.400.000 đồng/toàn khóa/109 tín chỉ; 77.400.000 đồng/toàn khóa/129 tín chỉ.
Ở hệ đại học chính quy, mức học phí của 4 ngành đào tạo này thuộc nhóm 2 theo thông báo công khai tài chính của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2024 với 17.500.000 đồng/năm, tương đương với 70.000.000 đồng/toàn khóa/130 tín chỉ.
Hệ đào tạo từ xa không yêu cầu nhiều về cơ sở vật chất nhưng học phí của hệ này lại cao hơn so với hệ đại học chính quy, đại diện nhà trường cho hay: "Trường thực hiện mức học phí theo Khoản 3, Điều 10 Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Mức học phí đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học; đào tạo từ xa được xác định trên cơ sở chi phí hợp lý thực tế với mức thu không vượt quá 150% mức học phí của hệ đào tạo chính quy tương ứng".
Nhà trường cam kết chuẩn đầu ra tương đương hệ đại học chính quy
Cũng theo Đề án tuyển sinh năm 2024, chương trình đào tạo đại học hệ từ xa của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có thời gian đào tạo là 4 năm đối với đối tượng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương. Người học có thể rút ngắn thời gian đào tạo bằng cách học vượt hoặc chuyển đổi kết quả học tập theo quy định.
Sau khi nhập học, sinh viên sẽ được cấp tài khoản học tập, thông báo các quy định về đào tạo, kế hoạch học tập, nhận cán bộ chủ nhiệm, hướng dẫn đăng ký học tập và được tư vấn sử dụng dịch vụ hỗ trợ đào tạo với phương thức tổ chức đào tạo qua hệ thống LMS (Learning Management System).
Theo đại diện Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, để đảm bảo việc tương tác giữa người học và giảng viên, người học với người học và việc tham dự buổi học theo quy định tại Thông tư số 28/2023/TT-BGDĐT ban hành quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học, cũng như việc đảm bảo chất lượng đào tạo, nhà trường đã ban hành Quyết định số 3140/QĐ-ĐHKTQD ngày 30/12/2020 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân về Quy định đào tạo từ xa trình độ đại học.
Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 12 Quyết định số 3140/QĐ-ĐHKTQD quy định: Việc tổ chức giảng dạy mỗi học phần được chia thành 4 giai đoạn với hình thức và thời lượng phù hợp.
Giai đoạn 1: Tham gia hướng dẫn học tập, giải đáp thắc mắc theo 1 trong 3 hình thức sau: Giảng viên và người học gặp mặt trực tiếp trên lớp hoặc giảng viên và người học gặp mặt thông qua mạng internet theo thời gian thực hoặc người học tham gia hướng dẫn học tập qua băng hình đã được ghi lại và truyền tải qua mạng.
Giai đoạn 2: Người học tự học theo bộ học liệu có sẵn và tham gia các diễn đàn học tập trên hệ thống. Người học chủ động thời gian và địa điểm học. Người học tích lũy điểm đánh giá thông qua thời gian tự học trên hệ thống bao gồm: hoàn thành các bài luyện tập, bài kiểm tra và tham gia đặt câu hỏi, thảo luận trên diễn đàn với giảng viên. Việc chấm điểm do hệ thống phần mềm và giảng viên thực hiện.
Giai đoạn 3: Người học tự ôn tập và tổng hợp kiến thức môn học theo tài liệu trên hệ thống học tập.
Giai đoạn 4: Người học tham gia thi hết học phần. Hình thức thi được quy định chi tiết trong đề cương chi tiết học phần. Đề thi được lấy ngẫu nhiên trong ngân hàng câu hỏi để đảm bảo nguyên tắc tỷ lệ các câu hỏi từ dễ đến khó theo cấu trúc nhất định. Danh mục câu hỏi luyện tập và thi được cập nhật và bổ sung hàng năm theo yêu cầu chuyên môn của từng học phần.
Ngoài ra, đại diện nhà trường cho biết, việc thi kết thúc học phần được tổ chức tại trường hoặc trạm đào tạo từ xa của trường dưới sự giám sát trực tiếp của cán bộ quản lý và giảng viên. Tùy theo từng học phần, thời gian thi dao động từ 60-90 phút và thực hiện dưới 4 hình thức sau: thi tự luận, thi trắc nghiệm, thi kết hợp tự luận và trắc nghiệm, thi online. Hình thức thi online sẽ được nhà trường triển khai trong điều kiện đảm bảo được các điều kiện cần thiết và thực hiện đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo
"Đối với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, 100% giảng viên tham gia giảng dạy đều đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo Thông tư số 28/2023/TT-BGDĐT và việc đảm bảo chất lượng đào tạo luôn là ưu tiên hàng đầu của nhà trường. Vì vậy, từ lãnh đạo đến giảng viên, chúng tôi không ngừng hoàn thiện và đổi mới để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người học, đảm bảo quyền tiếp cận tri thức cho tất cả mọi người" đại diện nhà trường chia sẻ.