Hàng nghìn thôn, tổ dân phố ở Thanh Hóa đã được sáp nhập như thế nào?

21/07/2018 06:36
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Số lượng thôn, tổ dân phố và người hoạt động không chuyên trách lớn làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh...

LTS: Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức hoạt động của thôn, tổ dân phố là nền tảng quan trọng để Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 25/10/2017 về lãnh đạo thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, đồng thời coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương.

Hiệu quả từ việc sáp nhập thôn, tổ dân phố tại nhiều địa phương trong tỉnh thời gian vừa qua cho thấy đây là chủ trương hết sức đúng đắn.

Trước thời điểm sáp nhập thôn, tổ dân phố, tỉnh Thanh Hóa có 5.971 thôn (bản), tổ dân phố và 35.143 người hoạt động không chuyên trách.

Thanh Hóa cũng là một trong những địa phương có số thôn, tổ dân phố và người hoạt động không chuyên trách lớn nhất cả nước.

Số lượng thôn (bản), tổ dân phố và người hoạt động không chuyên trách đông, nhưng quy mô dân số tại các thôn (bản), tổ dân phố có sự khác biệt rõ rệt dẫn đến việc phân tán, giảm khả năng phát huy nguồn lực từ cộng đồng dân cư; làm ảnh hưởng đến quá trình xây dựng đô thị văn minh và nông thôn mới ở nhiều địa phương trong tỉnh...

Số lượng thôn, tổ dân phố lớn...

Buốc Hiềng là bản miền núi của xã Trung Thành, huyện Quan Sơn. Nơi đây vỏn vẹn chỉ có 11 hộ dân, 40 nhân khẩu với 100% dân số là đồng bào dân tộc người Mông.

Tuy là bản có quy mô thôn nhỏ, nhưng vẫn có đầy đủ các chức danh theo quy định tại Văn bản số 3462/2015/QĐ-UBND ngày 15/9/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách của thôn, tổ dân phố. Như vậy, tính trung bình, cứ khoảng hơn 1 hộ dân trong bản thì có 1 người hoạt động không chuyên trách. 

Ông Hà Công Toàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trung Thành nhẩm tính: “Hiện tại toàn xã có 10 thôn, bản với 98% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số (Mông, Thái, Mường) và hàng chục người hoạt động không chuyên trách tại thôn, bản. Hằng năm, ngân sách Nhà nước phải chi cả trăm triệu đồng để trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách thôn, bản”.

Trong khi đó, tại thôn Thượng Hải, xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia có tới 1.013 hộ với 4.412 nhân khẩu. Nếu so sánh quy mô số hộ dân tại hai thôn, bản thì số hộ dân tại thôn Thượng Hải gấp gần 100 lần so với bản Buốc Hiềng.

Tuy nhiên, theo quy định, cả hai thôn, bản của hai địa phương nêu trên đều được bố trí đầy đủ số lượng các chức danh và được hưởng phụ cấp từ ngân sách Nhà nước như nhau. 

Chi bộ thôn Thanh Sơn, xã Ngọc Sơn (Ngọc Lặc) họp bàn công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xóa đói, giảm nghèo. Ảnh tư liệu của Báo Thanh Hóa.
Chi bộ thôn Thanh Sơn, xã Ngọc Sơn (Ngọc Lặc) họp bàn công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xóa đói, giảm nghèo. Ảnh tư liệu của Báo Thanh Hóa.

Thực trạng quy mô thôn, tổ dân phố không đồng đều, nhưng vẫn được bố trí số lượng cán bộ không chuyên trách như nhau là thực trạng diễn ra khá phổ biến tại nhiều thôn (bản), tổ dân phố, tồn tại trong nhiều năm ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Theo Sở Nội vụ, trước thời điểm sáp nhập thôn, tổ dân phố (30/6/2017), toàn tỉnh có 5.971 thôn và 35.143 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Mặc dù có số lượng thôn, tổ dân phố lớn, nhưng toàn tỉnh có tới 3.773/5.971 thôn, tổ dân phố (trong đó có 2.870 thôn, tổ dân phố ở đồng bằng và 863 thôn, tổ dân phố ở vùng miền núi) chưa đảm bảo tiêu chí số hộ theo quy định tại Thông tư 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức hoạt động của thôn, tổ dân phố. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nhiều nơi số lượng đảng viên, hội viên rất thấp (bản Xia Nọi, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn; bản Bước, xã Thành Sơn, huyện Quan Hóa có 3 đảng viên; bản Ma Hác, xã Trung Lý, huyện Mường Lát có 3 hội viên cựu chiến binh), làm giảm khả năng tập hợp thành viên tham gia tổ chức, làm ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động của chi bộ, chi hội, chi đoàn.

Công tác lựa chọn nhân sự làm bí thư, trưởng thôn, trưởng các chi hội gặp nhiều khó khăn do số lượng người ít, chủ yếu là người lớn tuổi tham gia.

Thông tư 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức hoạt động của thôn, tổ dân phố nêu rõ: Thôn ở vùng đồng bằng phải có từ 200 hộ trở lên; ở vùng miền núi biên giới phải có từ 100 hộ gia đình trở lên; đối với tổ dân phố ở vùng đồng bằng phải có từ 250 hộ gia đình trở lên; ở vùng miền núi phải có từ 150 hộ gia đình trở lên).

Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách tại nhiều thôn, tổ dân phố chưa cao, gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng hoạt động của thôn, tổ dân phố.

Theo thống kê, toàn tỉnh còn 22.022 người, chiếm 62,7% chưa qua đào tạo chuyên môn; có 22.624 người, chiếm 75,8% chưa qua đào tạo lý luận chính trị. Độ tuổi tham gia công tác còn cao, nhất là bí thư chi bộ (có 3.626/5.928 người, chiếm 61,2% từ 50 tuổi trở lên; trưởng thôn có 2.999/5.862 người, chiếm 51,2%).

Ông Đầu Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nội vụ trăn trở: “Với số lượng 5.971 thôn, tổ dân phố và 35.143 người hoạt động không chuyên trách, Thanh Hóa là một trong những địa phương có số thôn, tổ dân phố và người hoạt động không chuyên trách lớn nhất cả nước.

Thực trạng trên làm phân tán, giảm khả năng phát huy nguồn lực từ cộng đồng dân cư; nhu cầu kinh phí đầu tư xây dựng các công trình văn hóa công cộng, khu vui chơi thể thao tăng cao. 

Quy mô các thôn, tổ dân phố giữa các khu vực và ngay cả trong cùng một xã cũng không đồng đều, đặc biệt là thôn, tổ dân phố có quy mô nhỏ đã làm ảnh hưởng đến chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao của thôn, tổ dân phố;

Việc huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư gặp nhiều khó khăn, nhất là trong xây dựng mới đường giao thông, hội trường - nhà văn hóa, khu thể thao là những công trình có ý nghĩa quan trọng ở thôn, tổ dân phố, nơi thực hiện quy chế dân chủ trực tiếp đến nhân dân; làm ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương.

Số lượng thôn, tổ dân phố cao cũng tạo ra nhiều đầu mối trong quản lý của chính quyền cơ sở, làm giảm khả năng nâng mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách”, ông Đầu Thanh Tùng đánh giá.

Gánh nặng ngân sách

Số lượng thôn, tổ dân phố và người hoạt động không chuyên trách lớn nhất cả nước không những ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh mà còn tạo nên gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Theo thống kê từ Sở Nội vụ, ngân sách Nhà nước chi trả hằng năm cho những người hoạt động không chuyên trách thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh lên tới 614 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương khoán phụ cấp 588 tỷ đồng (chi phụ cấp những người hoạt động không chuyên trách cấp xã là 182 tỷ đồng; thôn, tổ dân phố là 406 tỷ đồng).

Hàng nghìn thôn, tổ dân phố ở Thanh Hóa đã được sáp nhập như thế nào? ảnh 2

Sáp nhập huyện, xã, ai muốn làm lãnh đạo thì phải thi tuyển

Để góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền cấp xã thôn, tổ dân phố, đồng thời nâng cao hiệu quả huy động các nguồn lực của Nhà nước kết hợp với nguồn lực trong nhân dân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình phúc lợi xã hội ở cộng đồng dân cư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chủ động ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 25/10/2017, về lãnh đạo thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở đó Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 3507/QĐ-UBND ngày 18/9/2017, phê duyệt đề án  sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố. 

Ông Trần Quốc Huy, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: “Sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh là chủ trương lớn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Do đó, các địa phương phải coi việc sáp nhập thôn, tổ dân phố là một trong những nhiệm vụ quan trọng của địa phương, đơn vị trong thời gian tới để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, đảm bảo đạt mục tiêu đề ra.

Việc thực hiện phải đúng quy định của pháp luật, dân chủ, công khai, minh bạch tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở trong năm 2018. Mục tiêu đến 30/6/2018 toàn tỉnh giảm từ 1.200 đến 1.300 thôn, tổ dân phố (tương ứng trên 20%) so với hiện nay”, ông Huy nói. 

Theo Quyết định số 3462/2015/QĐ-UBND ngày 15/9/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách của thôn, tổ dân phố, tổ chức mỗi thôn có 6 chức danh bố trí tối đa 6 người (riêng miền núi được bố trí thêm 1 người là nhân viên y tế) được hưởng phụ cấp từ ngân sách Nhà nước bao gồm: Bí thư chi bộ; trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố; công an viên hoặc tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố; thôn đội  trưởng kiêm tổ phó tổ bảo vệ an ninh trật tự, hoặc thôn đội trưởng kiêm tổ phó tổ bảo vệ dân phố; tổ viên tổ bảo vệ an ninh trật tự hoặc tổ viên tổ bảo vệ dân phố; nhân viên y tế thôn). Đó là chưa kể đến các chi hội của các tổ chức chính trị xã hội (Mặt trận tổ quốc, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, người cao tuổi...) hưởng hỗ trợ từ nguồn kinh phí huy động từ dân cư và các nguồn hợp pháp khác.

Còn nữa...

QUỐC TOẢN