Được biết, ngày 4/10/2017, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận công văn số 4663/BGDDT-GDĐH về việc góp ý kiến dự thảo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP.
Kèm công văn là Báo cáo kết quả đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới chế độ hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 (gọi tắt là Nghị quyết 77 - PV).
Qua quá trình đọc dự thảo, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có một số ý kiến đóng góp sau đây:
Một là, tóm lược báo cáo có một số điểm sau:
Về cấu trúc báo cáo: Báo cáo gồm 5 phần, tổng cộng 96 trang, cụ thể:
- Phần 1. Mở đầu 4 trang. Đã nêu bối cảnh thực hiện Nghị quyết 77, đối tượng, phạm vi đánh giá và hạn chế của báo cáo.
- Phần 2. Đánh giá tác động của Nghị quyết 77 gồm 20 trang. Đã phân tích ảnh hưởng của Nghị quyết 77 đến học thuật, tổ chức nhân sự, tài chính, và các hoạt động khác.
- Phần 3. Các vấn đề ảnh hưởng tới tự chủ đại học của các trường đại học công lập gồm 20 trang. Đã phân tích về cơ chế chính sách, cơ quan chủ quản (trong đó phân tích về Hội đồng trường là 15 trang) và vấn đề truyền thông nội bộ.
- Phần 4. Kiến nghị gồm 4 trang với 26 kiến nghị tới Đảng, Nhà nước, các Bộ và cơ quan tương đương.
- Phần 5. Phụ lục 34 trang.
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu thêm về Hội đồng trường sao cho thật sự giữ vai trò đại diện quyền sở hữu nhà trường, nói cách khác là tổ chức đại diện cho sở hữu chung cộng đồng.(Ảnh minh họa: Báo Giáo dục thời đại) |
Về những nét nổi bật trong báo cáo gồm một số nội dung:
Thứ nhất, về Phần mở đầu
Các trường đại học công lập thực ra là đơn vị sự nghiệp công lập. Vì vậy, bối cảnh công việc cần phải gắn với chủ trương đổi mới quản lý khoảng 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, cụ thể là:
Các Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và XII và kết quả Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII mới đây và kế thừa, phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được.
Hiện cả nước có 23 trường đang thí điểm thực hiện Nghị quyết 77, trong đó có 12 trường tự chủ từ 2 năm trở lên. Nhóm nghiên cứu tập trung vào điều tra phân tích số liệu của 12 trường đó là xác đáng.
Tuy nhiên, trong 12 trường này có 2 trường (Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Đại học Mở) có lịch sử đặc biệt.
Sự thực 2 trường này đã thành lập từ 20-27 năm; đều đi từ loại hình đại học bán công sang loại hình trường công, gần đây bước vào thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 77.
Thực ra mô hình theo Nghị quyết 77 là Nhà nước giao toàn bộ tài sản có sẵn tại trường cho cán bộ nhân viên nhà trường tự hạch toán. Nó chính là mô hình đại học bán công mà hai trường trên đã trải nghiệm.
Bộ sẽ tiếp cận những vấn đề bức xúc nhất và giải quyết được! |
Điều đặc biệt nữa là Trường Đại học Tôn Đức Thắng khi chuyển từ bán công sang công lập được Thủ tướng Chính phủ cho phép thu học phí như trường ngoài công lập.
Đây chính là một trong những mấu chốt để Trường Đại học Tôn Đức Thắng “cất cánh”. Rất tiếc không có nghiên cứu sâu về hai trường này để tăng độ tin cậy.
Thứ hai, về ảnh hưởng của Nghị quyết 77:
Về học thuật.
Liên quan đến đào tạo. Đáng mừng là mỗi trường đại học tự chủ đều thích ứng rất nhanh với thị trường.
Những ngành không phù hợp với thị trường sức lao động được khép lại, những ngành mà thị trường mong đợi được kịp thời đáp ứng (có tới nửa số trường mở thêm từ 10-30 ngành mới), đặc biệt chương trình liên kết quốc tế hàng năm tăng từ 50% đến 56%.
Công tác tuyển sinh đã chỉ rõ một xu thế giảm quy mô tuyển sinh ở nhóm trường đơn lĩnh vực (kinh tế và tài chính), xu thế tăng quy mô đối với khối trường có ngành học liên quan đến công nghệ, kỹ thuật.
Về công tác nghiên cứu khoa học
Kết quả ở Hình 2.8 ở báo cáo cho thấy: sự gia tăng các đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường từ 426 năm 2013 lên 623 năm 2017; Hình 2.9 và phân tích cho thấy sự gia tăng của lượng bài báo đăng tạp chí nước ngoài gấp đôi, bằng độc quyền và giải pháp hữu ích tăng gấp ba.
Nhìn chung số lượng bài báo tăng lên đáng kể. Có 5 trường dẫn đầu, trong đó có 4 trường ở Thành phố Hồ Chí Minh (Đại học Công nghiệp, Đại học kinh tế, Đại học Mở, Đại học Tôn Đức Thắng).
Như vậy, nghiên cứu khoa học xuất phát từ nhu cầu của nhà trường và môi trường kinh tế xã hội chứ không chỉ dựa vào cách làm “truyền thống” lâu nay và quan trọng hơn, nó thể hiện tính chất của một trường đại học đồng thời là biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo đại học.
Về tổ chức nhân sự
Hình 2.11 chỉ ra, một vấn đề quan trọng là không một tiêu chí nào về tổ chức bộ máy và nhân sự được đánh giá ở mức tốt. Đặc biệt “tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự” bị đánh giá thấp nhất trong các khía cạnh tự chủ.
Về Tài chính
Nguồn thu của 12 trường có thể viết lại ở bảng sau (đơn vị tỷ đồng):
Trước tự chủ (2013-2014) |
Tự chủ (201-2017) |
|
Tổng thu |
6890 |
8262 |
Ngoài Ngân sách Nhà nước |
6230 (90,4% tổng thu) |
7406 (89,6% t/thu) |
Từ Ngân sách Nhà nước |
660 (9,6% tổng thu) |
856 (11,4% t/thu) |
Mặt khác, số liệu báo cáo còn chỉ ra rằng, nguồn thu từ học phí, lệ phí chiếm trên 70% tổng thu.
Rõ ràng Ngân sách Nhà nước đã trở nên thu hẹp, các nhà trường đại học không thể dựa vào Ngân sách Nhà nước để tồn tại.
Cho nên, bằng biện pháp “điều hành tuyển sinh” có thể nuôi sống hay triệt tiêu một “phân khúc” nào đó trong hệ thống đại học.
Một trong các nguyên nhân chính làm các trường đại học tốp dưới đang teo tóp chính do không còn nguồn tuyển sinh. Điều này đặt ra rất nhiều vấn đề về chính sách vĩ mô của Nhà nước.
Về các vấn đề ảnh hưởng tới tự chủ đại học
Ba nhóm vấn đề được phân tích là (i) Cơ chế chính sách, (ii) Cơ quan chủ quản, (iii) Truyền thông nội bộ.
Phần này liệt kê khá đầy đủ các văn bản luật, dưới luật từ 2003 có liên quan đến tự chủ đại học.
Tuy nhiên, như đã lưu ý ở trên về mô hình đại học bán công, xuất hiện từ 1990, đã được pháp quy hóa bằng quy chế do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành (Quy chế tạm thời trường đại học bán công ban hành theo QĐ số 04/QĐ-TCCB ngày 3/1/1994).
4 năm qua, Luật Giáo dục đại học đã đạt được những kết quả gì? |
Thực ra trong quy chế này rất mở, nó đã đề cập đến đối tác công tư (về mặt này Nghị quyết 77 chưa đề cập) trong trường đại học.
Trong phần về cơ quan chủ quản, báo cáo dành 15 trang, trong đó 13 trang viết về Hội đồng trường, nửa trang luận về Hội đồng trường, còn lại hơn 1 trang viết về công tác quản trị và kiểm định nhà trường.
Rõ ràng Hội đồng trường tốn công nghiên cứu. Theo chúng tôi hiểu thì tổ chức này không có quyền thực sự. Cụ thể thiếu quyền quyết định về nhân sự, quyền về kiểm soát tài chính.
Do vậy, Hội đồng trường không thể đại diện sở hữu nhà trường. Thêm vào đó, đang có sự song trùng chức năng của Hội đồng trường với tổ chức đảng cơ sở (đảng ủy).
Về kiến nghị
Báo cáo đưa ra 26 kiến nghị, trong đó 2 kiến nghị tới lãnh đạo Đảng, 1 kiến nghị tới Quốc hội, 4 kiến nghị tới Chính phủ, 5 kiến nghị tới Bộ Giáo dục và Đào tạo, 3 kiến nghị tới Bộ Tài chính, 1 kiến nghị tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 1 kiến nghị tới Bộ Nội vụ, 1 kiến nghị tới Bộ Khoa học và Công nghệ, 1 kiến nghị tới Bộ Thông tin và truyền thông, 7 kiến nghị tới các trường.
Nhìn chung, nhóm nghiên cứu đã cố gắng thông điệp đến các bên liên quan. Tuy nhiên không phải kiến nghị nào cũng xác đáng. Có những kiến nghị rất cần nghiên cứu lại, ví dụ các kiến nghị 1, 4,5, 6, 9, 10...
Hai là, một số nhận xét chung về báo cáo
Đọc báo cáo, Thường trực Hiệp hội nhận thấy:
- Đây là một báo cáo khảo sát việc thực hiện một chủ trương lớn của Chính phủ “về đổi mới chế độ hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập”. Hoạt động của nhóm nghiên cứu đã bám sát nội hàm Nghị quyết 77 đã làm rõ:
(i) Vai trò của tự chủ đại học đối với các cơ sở giáo dục đại học;
(ii) Gợi ra những vấn đề ảnh hưởng đến tự chủ đại học để làm căn cứ chỉnh sửa, bổ sung hành lang pháp lý.
- Kết quả khảo sát cho thấy chủ trương của Chính phủ “về đổi mới chế độ hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập” là rất cần thiết và khả thi.
Các cơ sở giáo dục đại học thuộc diện thí điểm hoàn toàn có khả năng thực hiện Nghị quyết 77, có khả năng “tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và một phần chi đầu tư” một khi được “thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện”.
- Có kiến nghị “không công bằng” về sử dụng kết quả nghiên cứu, lại bộc lộ sự không gắn kết với thực hiện Hiến pháp 2013, với các Nghị quyết Đại hội Đảng XI, XII và tinh thần Hội nghị Trung ương gần đây, ví dụ kiến nghị 1.
Có những kiến nghị thể hiện sự chuẩn bị không kỹ lưỡng, không thấy rằng đối tượng nghiên cứu đang giới hạn ở các trường đóng trên địa bàn hai thành phố lớn, không thấu hiểu Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, không cập nhật được chủ trương của Đảng, Nhà nước mấy năm gần đây. Ví dụ kiến nghị 4,5 hay kiến nghị bỏ Thông tư 32/TT-BGDĐT (trang 61).
Ba là, Hiệp hội kiến nghị
- Bộ nghiên cứu những phân tích trên của chúng tôi trong quá trình hoàn thiện báo cáo.
- Bộ nghiên cứu thêm về Hội đồng trường sao cho thật sự giữ vai trò đại diện quyền sở hữu nhà trường, nói cách khác là tổ chức đại diện cho sở hữu chung cộng đồng.
- Bộ nên chỉ đạo các trường thực hiện Nghị định 16 có tính đến công tác quy hoạch.