Nhiều vướng mắc khi xây dựng Hội đồng trường
Là đơn vị có 9 trường đại học trực thuộc Bộ Công thương, 2 trường thuộc tổng công ty đó là Đại học Dệt may, Đại học Dầu khí; 25 trường cao đẳng trực thuộc và 11 trường cao đẳng, trung cấp trực thuộc tổng công ty, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) cho biết, một trong những vướng mắc lớn khi thực hiện Luật Giáo dục đại học chính là vấn đề xây dựng hội đồng trường.
Tại hội nghị tổng kết thực hiện luật giáo dục đại học 2012 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 25/9 vừa qua, bà Giang thông tin, đến thời điểm hiện tại Bộ Công Thương đã có 6/11 trường đại học tự chủ.
Khi thành lập Hội đồng trường, câu hỏi đầu tiên được đặt ra là vai trò của Hội đồng trường gồm những gì?
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bùi Văn Ga: "Tìm được chủ tịch Hội đồng trường có điều kiện tương đương hiệu trưởng không dễ...." (Ảnh minh họa: Đại học Kinh tế quốc dân) |
“Trả lời câu hỏi này, sẽ thấy có một số mâu thuẫn đối với các quy định hiện tại. Đặc biệt, các trường rất thắc mắc mối quan hệ, cũng như cơ chế phối hợp khi ra quyết định của Hội đồng trường liên quan đến Đảng ủy, Ban giám hiệu” - bà Giang nói.
Cũng theo bà Giang có nhiều quy định liên quan đến Hội đồng trường nhưng lại được thực hiện ở quy chế khác nhau.
Ví dụ công tác bổ nhiệm đang làm theo quy trình 5 bước chặt chẽ, giới thiệu nhân sự cho vị trí hiệu trưởng, hiệu phó các trường.
Tuy nhiên, trong Luật Giáo dục đại học thì lại quy định hội đồng trường giới thiệu nhân sự cho chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường.
"Trong 5 bước chặt chẽ của chúng hiện nay thì Hội đồng trường sẽ ở bước nào? Sẽ lồng ghép trong 5 bước hay thêm bước hay là bớt.
Cái này là cái thực tế tại Bộ Công thương đang vướng mắc mặc dù khi thành lập Hội đồng trường đầu tiên, Bộ Công Thương đã có xây dựng quy chế cụ thể " - bà Giang nêu vấn đề.
Sửa Luật Giáo dục đại học phải bỏ được phân biệt đối xử trường công - trường tư |
Ngoài ra, theo bà Giang, quy trình thành lập, hoạt động của hội đồng trường đến nay cũng còn vướng.
Ở Bộ Công thương cho tới nay chỉ mới có 1 trường có hội đồng trường, các trường còn lại đều đang trong quá trình xác định xem ai là chủ tịch hội đồng trường.
Theo quy định, chủ tịch Hội đồng trường không được là hiệu trưởng, hiệu phó. Mời người bên ngoài thì phải là công chức, viên chức, còn doanh nghiệp là không được.
Như vậy thì đối tượng còn lại chỉ có thể là những người khác trong nhà trường hoặc là mời từ bên ngoài.
Mời từ bên ngoài thì lại vướng quy định là "phải là công chức, viên chức".
Do đó, ở Bộ Công thương nếu muốn lấy người từ cơ quan quản lý như Thứ trưởng, Bộ trưởng cũng rất vướng vì quy định chủ tịch hội đồng trường phải đảm bảo điều kiện tiêu chí như hiệu trưởng.
“Trong Bộ Công Thương may ra có một đồng chí đủ điều kiện làm chủ tịch Hội đồng trường đó là Bộ trưởng” – bà Giang nêu ý kiến.
Thừa nhận điều này, Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo – Bùi Văn Ga cũng cho rằng:
“Tìm được chủ tịch Hội đồng trường có điều kiện tương đương hiệu trưởng không dễ. Ngay cả trong Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ít người có thể đáp ứng được yêu cầu đó” .
Từ những lý do đó, bà Giang cho rằng cần nghiên cứu sửa đổi các quy định hiện hành để tháo gỡ cho các trường khi thực hiện tự chủ đại học.
Luật càng rõ càng minh bạch thì khiếu nại càng ít
Tại hội nghị, nhiều vấn đề khác được các đại biểu đưa ra để tháo gỡ cho các trường khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học sắp tới.
Theo đó, bà Lê Thị Thu Thủy - Phó hiệu trưởng Đại học Ngoại thương cho biết, hiện quy định của Luật Giáo dục Đại học về việc đầu tư giáo dục đại học ra nước ngoài chưa cụ thể.
Chính vì vậy, dù đã có đơn vị nước ngoài muốn hợp tác nhưng không có cơ sở pháp lý.
Không thành lập Hội đồng trường thì không được mở ngành đào tạo |
Bên cạnh đó, cũng theo bà Thủy, xu hướng phát triển của các trường thời gian tới là đa ngành, đa lĩnh vực. Vì thế, Luật Giáo dục đại học sửa đổi có thể mở rộng cơ cấu tổ chức mô hình trường trong trường vì đây là điều cần thiết và phù hợp với quốc tế.
Còn đại diện trường Đại học Cần Thơ thì cho rằng Điều 38 và Điều 35 của Luật Giáo dục đại học hiện hành có quy định đào tạo đại học từ 4-6 năm.
“Tôi đề nghị giữ nguyên. Vì trong thời gian vừa qua có nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh. Với ngành y tế đào tạo từ 3-5 năm thì không có sự tương thích với bất kỳ quốc gia nào đang đào tạo y khoa trên thế giới.
Rút ngắn thời gian đào tạo thì thử hỏi chúng ta hội nhập quốc tế ở đâu?” – vị đại diện này thẳng thắn trao đổi.
Vị này cũng cho biết, với quy định đại học nghiên cứu phải có ít nhất 30% học viên đang đào tạo là thạc sĩ và tiến sĩ, có thể 10 năm nữa cũng không có đại học nghiên cứu ở Việt Nam.
Không những thế, theo vị này, Luật quy định trường phải có trên 20% kinh phí chi cho hoạt động khoa học công nghệ là khó khả thi vì trong tình hình hiện nay, không trường nào dám chi như vậy.
Cùng đề cập đến vấn đề sửa Luật, ông Nguyễn Hội Nghĩa – Phó giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị cần sửa đổi Luật Giáo dục đại học thật chi tiết cụ thể.
“Tôi cho rằng luật càng cụ thể càng tốt. Càng khái quát thì càng phải có văn bản hướng dẫn, trong khi chờ văn bản hướng dẫn rất mất thời gian.
Luật càng rõ càng minh bạch thì khiếu nại càng ít.
Luật cũng phải nêu chế tài rõ hơn,” ông Nghĩa nói.
Lấy ví dụ cụ thể, ông Nghĩa cho biết Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn còn nội dung phải ban hành văn bản hướng dẫn.
Ngoài ra, vị này cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đề xuất đưa ra một bộ luật về giáo dục, trong đó có các luật liên quan, thể hiện sự phối hợp giữa các thành tố.