|
Nụ cười rạng rỡ của nữ sinh sư phạm. Ảnh: gdtd.vn |
- Thầy nhận xét như thế nào về sự quan tâm của thí sinh dành cho ngành sư phạm trong những năm gần đây?
PGS.TS Nguyễn Văn Minh: Trong những năm gần đây, số lượng thi vào ngành sư phạm có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, năm 2012 khi chính sách phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo được ban hành, con số này có xu hướng tăng. Tuy vậy, số lượng đăng kí thi vào không quan trọng bằng việc chất lượng đầu vào như thế nào.
Bất cứ thí sinh nào khi thi đại học thì cũng đã có những định hình nghề nghiệp ban đầu. Trong đó có quan niệm xã hội về nghề nghiệp, việc làm để đảm bảo cuộc sống và cơ hội phát triển. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của xã hội, của chế độ, chính sách đối với việc lựa chọn nghề nghiệp của thí sinh.
Cơ hội tìm việc khó, thu nhập thấp so với các ngành khác, tác động của mặt trái của cơ chế thị trường trong quan niệm về người thầy đã khiến không ít học sinh giỏi phải có những thay đổi khi quyết định lựa chọn nghề nghiệp.
Nói như vậy không có nghĩa là tất cả và bi quan. Nhiều học sinh giỏi, xuất sắc cũng thi vào trường ĐHSP Hà Nội và phổ điểm cao của nhiều ngành, các lớp chất lượng cao ở các khoa của trường ĐHSP Hà Nội là một minh chứng.
- Từ một ngành đang ở tình trạng “chuột chạy cùng sào”, từ khi có Quyết định 70 của Thủ tướng Chính phủ, HSSV ngành sư phạm được miễn học phí, đầu vào ngành này bỗng cao vọt. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, dường như chính sách này không còn phát huy được tác dụng như ban đầu, theo thầy, đâu là nguyên nhân của thực trạng này?
|
PGS.TS.Nguyễn Văn Minh |
PGS.TS Nguyễn Văn Minh: Tôi cũng đã nghe câu “chuột chạy cùng sào” từ rất lâu. Tuy nhiên, trước khi có Quyết định 70 thì chúng ta vẫn có nhiều thầy cô giáo giỏi, tâm huyết và hết mình vì sự nghiệp trồng người. Không có họ thì làm sao có được đội ngũ các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà kinh tế, các kỹ sư, bác sỹ … như bây giờ? Tất nhiên, chất lượng đầu vào cảnh báo cho chúng ta nhiều điều phải suy nghĩ. Vì rằng, đây là một thành tố rất quan trọng để đào tạo được các thầy cô giáo giỏi.
Về chế độ miễn học phí cho sinh viên các trường sư phạm, cần nhìn nhận nó trong một phạm vi tổng thể và có tính lịch sử. Chúng ta đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Giáo dục đang được xã hội hóa từng bước, nhưng chúng ta không thị trường hóa giáo dục. Ưu việt trong đầu tư giáo dục là ưu việt của chế độ.
Sinh thời, Bác Hồ đã từng mong muốn “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Miễn học phí cho sinh viên sư phạm là cơ sở để chuẩn bị tốt cho giáo dục nhằm thu hút học sinh giỏi vào ngành, mặt khác, tạo cơ hội cho con em có khả năng ở các vùng miền khác nhau có thể trở thành các thầy cô giáo giỏi.
Chúng ta luôn nhớ rằng, ở nước ta con em nông dân, công nhân chiếm đa số. Chính sách miễn học phí hiện nay vẫn có tác dụng. Tuy vậy, chúng ta đừng đòi hỏi sự bất biến của một chính sách mà cần có sự điều chỉnh, bổ sung trong từng giai đoạn cho phù hợp. Chẳng hạn, chế độ thâm niên được thực hiện là một ví dụ và tôi tin rằng sau khi có chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực cho giáo dục, điều kiện ăn ở trong kí túc xá, điều kiện học hành khi đang học; cơ hội việc làm, đánh giá đúng mức lao động, cải thiện chế độ tiền lương, cơ hội phát triển trong nghề nghiệp sẽ là những tác động tiếp theo.
- Theo thầy, trách nhiệm của các trường sư phạm đến đâu khi nhiều học sinh xuất sắc không muốn vào sư phạm?
PGS.TS Nguyễn Văn Minh: Giáo dục là sự nghiệp của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, đầu tư cho phát triển. Đừng tách rời ngành giáo dục hay trường sư phạm ra khỏi tổng thể nền kinh tế-xã hội của đất nước.
Về phía mình, trường ĐHSP Hà Nội cố gắng nghiên cứu một cách nghiêm túc, khoa học về các mặt được, chưa được trong quá trình đào tạo, học hỏi các chương trình đào tạo tiên tiến và vận dụng thích hợp đối với điều kiện của nhà trường nhằm tăng chất lượng đào tạo và bồi dưỡng đối với sinh viên và đội ngũ thầy cô giáo.
Nhà trường cố gắng tạo ra môi trường thuận lợi để sinh viên sinh hoạt, học tập và rèn luyện, có các lớp chất lượng cao để các học sinh giỏi vào học.
- Thầy có suy nghĩ gì về thực trạng đội ngũ giáo viên hiện nay vì theo một cuộc khảo sát gần đây hơn một nửa giáo viên hối hận khi chọn nghề?
PGS.TS Nguyễn Văn Minh: Thông tin này là một tín hiệu không vui đối với ngành giáo dục. Tôi nghĩ rằng, trong sâu thẳm của mỗi thầy cô giáo là lòng yêu trẻ, yêu nghề. Những quan niệm xã hội về nghề làm thầy, những khó khăn về cuộc sống, về môi trường, điều kiện làm việc, cơ hội phát triển đã gặm nhấm những khát vọng chính đáng của người thầy. Tuy nhiên, con số thống kê nên tính đến một tập hợp số lớn.
Có một lần đi công tác ở vùng sâu, một cô giáo nói với tôi rằng, ở đây mọi thứ đều thiếu nhưng tình cảm của bà con và học sinh thì nhiều lắm. Em không ở lại đây thì ai dạy cho các em cái chữ? Tôi nghĩ rằng chúng ta hãy nhìn nhận vấn đề một cách tích cực. Tức là đánh giá đúng thực trạng để đề ra cách thức thay đổi theo hướng tốt hơn phù hợp tình hình của đất nước. Chưa bao giờ Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương và chính sách đối với giáo dục như hiện nay. Với sự quan tâm như thế, chúng ta hi vọng sẽ có những thay đổi tích cực trong giáo dục, để thầy cô giáo yên tâm công tác và học sinh chọn lựa vào các trường sư phạm.
- Cuối cùng, thầy có lời khuyên nào đối với các học sinh lựa chọn ngành sư phạm trong kỳ tuyển sinh tới?
PGS.TS Nguyễn Văn Minh: Mỗi người đều có đam mê. Hạnh phúc của nhà giáo là sự thành công của các thế hệ học trò. Chúng ta đang đối diện với nhiều thách thức, nhưng trong thời đại ngày nay một đất nước muốn phát triển thì giáo dục phải phát triển. Không có một đất nước nào phát triển được nếu giáo dục tụt hậu. Trong tâm khảm của các em học sinh là tình yêu quê hương, mong muốn cống hiến sức mình cho đất nước. Cùng với nó, những thay đổi trong chủ trương của Đảng và chính sách của nhà nước, xã hội phát triển, địa vị xã hội nhà giáo sẽ dần được nâng cao. Cố gắng phóng tầm mắt ra xa hơn, đừng nản chí vì những gì khó khăn trước mắt.
Theo GD&TĐ