Thời gian gần đây, nhiều vụ thực phẩm bẩn bị phát hiện trong các trường học gây hoang mang và làm mất lòng tin của phụ huynh đối với nhà trường.
Có thể kể ra những ví dụ điển hình làm dư luận bức xúc, bất bình.
Đó là hơn 500 học sinh Trường mầm non Phú Mỹ (thị xã Phú Mỹ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phải ăn “cơm nấu từ gạo bị mốc, cá xốt cà chua nhưng chỉ có đầu cá, canh cải thịt nhưng chỉ là thịt mỡ”.
Nhiều phụ huynh bức xúc kéo đến cổng Trường mầm non Thanh Khương để nói về chuyện con em họ đi học ăn phải thịt lợn nghi nhiễm sán gạo. Ảnh: Vũ Phương. |
Vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại Trường mầm non Xuân Nộn, huyện Ðông Anh, và Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Ninh Bình) khiến 575 học sinh bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện.
Và ồn ào nhất nghi án trường dùng thịt lợn có sán cùng với thịt gà có mùi hôi thối nấu ăn cho trẻ ăn tại Trường Mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).
Đây chắc chắn không phải là những vụ ngộ độc thực phẩm cuối cùng xảy ra ở nhiều trường học.
Không ít người thắc mắc, chất vấn, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng bếp ăn tập thể của học sinh ở trường không được an toàn?
Trúng thầu phải qua nhiều "cầu", chiết khấu hoa hồng càng cao
Ở nhiều trường bán trú hiện nay, hiệu trưởng là người quyết định chọn nhà thầu.
Nhưng một số địa phương cái quyền chọn thầu này lại thuộc trưởng phòng giáo dục. Thế là, mức hoa hồng nhà thầu bỏ ra lại phải đi thêm một cửa nữa.
Nhà thầu muốn trúng thầu đương nhiên phải “qua cầu lại quả”. “Cầu” càng nhiều, số tiền nhà thầu chi ra càng lớn. Và như thế, khẩu phần ăn của những đứa trẻ ngày càng teo tóp hơn.
Một số trường khác lại có cách làm khách quan hơn là cho bỏ thầu công khai.
Mức thầu ban đầu đưa ra đã cao, nhà thầu nào cũng muốn thắng thầu, thế nên tiền bỏ thầu đã nâng lên mức cao chót vót.
Một nhà thầu bật mí “Nâng mức thầu cao khi trúng thầu phải đổ mức phí này lên mỗi phần ăn mình mới kiếm được chút đỉnh”.
Ngăn chặn thực phẩm bẩn chỉ cần người lãnh đạo có tâm!
Phóng viên Báo Lao động đã có một loạt phóng sự về việc mời chào thầu cung cấp thức ăn tại một số trường học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Số hoa hồng trích lại cho hiệu trưởng thực tế quá nhiều (có thông tin cho rằng khoảng 20% trên tổng số doanh thu).
Mỗi tháng, hiệu trưởng của một trường tiểu học bán trú có hơn 1.000 học sinh có thể được cơ sở sản xuất suất ăn chi đến hơn 20 triệu đồng hoa hồng từ bữa cơm của các em.
Tại cơ sở cung cấp suất ăn ở (Bình Thạnh), ông P., chủ cơ sở, cho biết hoa hồng được chi “Với một phần ăn 15.000 đồng thì tiền dành cho riêng hiệu trưởng là 4%”.
Mỗi suất ăn gồm trưa và xế của học sinh là 15.000 đồng thì ông V., trưởng bộ phận sản xuất Công ty trách nhiệm hữu hạn cung cấp thực phẩm V. (Phú Nhuận), bảo phải trích 20% (3.000 đồng) để đóng thuế và chi phí chất đốt, vị chi mỗi suất còn lại 12.000 đồng.
Công ty Hương Thành bị nghi bán thịt có sán, gà thối đang cung cấp cho 19 trường |
Thế mà “Hằng tháng, chúng tôi phải gửi hoa hồng cho hiệu trưởng và trường 2,5%-3% trên tổng doanh thu.
Nếu doanh thu mỗi tháng là 400 triệu đồng thì phải chi hiệu trưởng và trường nhận từ 10 đến 12 triệu đồng”.{1} (Năm 2010)
Hiệu trưởng nhận hoa hồng 4% từ mỗi suất ăn, nhà cung cấp còn phải biếu vài chục hộp thức ăn cho giáo viên phụ trách, bảo vệ, bảo mẫu…
Trăm khoản chi đều xà xẻo vào phần ăn ít ỏi của trò bảo sao nhà cung cấp có thể mua thực phẩm tươi, sống để phục vụ các em?
Nếu nhà cung cấp này không đáp ứng được những ưu sách ấy, sẽ có hàng chục thậm chí hàng trăm nhà cung cấp khác sẵn sàng thỏa mãn.
Vì thế, nhiều người khẳng định, bữa ăn của học sinh đảm bảo chất lượng hay không chỉ phụ thuộc vào cái tâm của người lãnh đạo.
Một nhà thầu cung cấp thức ăn ở địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cho biết, họ đã gặp và làm việc với hàng chục hiệu trưởng, người đòi hoa hồng cao ngất ngưỡng, người có tâm chút (thì lấy hoa hồng theo mặt bằng chung).
Chỉ mới gặp gần như duy nhất một hiệu trưởng trường tiểu học (cũng xin được giấu tên) tuyệt đối không nhận hoa hồng.
Nữ hiệu trưởng này đã yêu cầu nâng chất lượng bữa ăn cho học sinh. Trước cái tâm sáng của vị hiệu trưởng đã lay động chính nhà thầu.
Bởi thế, họ luôn phục vụ học sinh ngôi trường này những bữa ăn chất lượng nhất.
Một đồng nghiệp của chúng tôi hiện đang giảng dạy tại một trường tiểu học của Mỹ cho biết:
Giáo viên bên này khi ăn trưa cùng học sinh cũng phải lấy tiền túi của mình ra mua đồ ăn bình đẳng như học trò.
Hoặc thầy cô mang đồ ăn sẵn ở nhà để dùng, tuyệt đối không “ăn ké” vào bữa ăn của các em.
Quả vậy, một thực tế hiện nay mà nhiều trường học tổ chức ăn bán trú của chúng ta vẫn còn tồn tại. Bữa ăn trưa của lãnh đạo, giáo viên, nhân viên nhà trường hoàn toàn là miễn phí.
Với hơn hai chục ngàn một phần ăn của trò mà phải cõng tới nhiều loại phí như vậy, thử hỏi chất lượng bữa ăn có thể đảm bảo không?
Nếu cái tâm của người lãnh đạo sáng, tuyệt đối không nhận hoa hồng, không ăn miễn phí, thì nhà thầu chắc chắn sẽ không dám đưa thực phẩm bẩn vào nhà trường như hiện nay.
Thế nhưng chờ đợi cái tâm trước một món lợi quá lớn e cũng khó.
Bởi thế, cách mà nhà trường cần làm hiện nay không để hiệu trưởng tự quyền quyết định nhà thầu, không nâng mức thầu quá cao khi chọn nhà cung cấp.
Mỗi trường đều có thanh tra, có Công đoàn, có Hội đồng trường…mọi người cần lên tiếng và cùng nhau giám sát việc chọn nhà thầu cung cấp suất ăn cho chính trường học của mình.
Khi nhà trường không vì quyền lợi riêng sẽ dễ dàng xóa bỏ kí kết hợp đồng khi bên cung cấp vi phạm về an toàn thực phẩm.
Tài liệu tham khảo:
https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/rut-ria-suat-an-cua-hoc-sinh-hoa-hong-tang-hieu-truong-2010110808574519.htm{1}