'Học sinh sẽ quá tải nếu bậc phổ thông còn 10 năm'

16/09/2012 13:25
Theo VNE
"Giáo dục Việt Nam đang quá tải, 12 năm phổ thông còn quá tải, nếu giảm còn 10 năm sẽ thế nào? Học sinh được học nhiều hơn thì sẽ được kết quả tốt hơn" GS Nguyễn Lộc, Viện phó Viện Khoa học Giáo dục
- Dưới góc nhìn của cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ GD&ĐT, ông thấy những bất cập gì đang tồn tại trong nền giáo dục Việt Nam?
- Hệ thống giáo dục của Việt Nam đã có thay đổi lớn, cho đến nay ở mức độ nhất định đáp ứng được nhu cầu học tập và phát triển đất nước. Hệ thống giáo dục Việt Nam đã đại chúng hơn, nếu như so với trước đây chỉ đào tạo được một số lượng ít, sự cách biệt bậc học lớn, học tập suốt đời kém, thậm chí chưa có đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.
Mặc dù vậy, nhược điểm cơ bản của hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay là chưa đáp ứng một cách có hệ thống và toàn diện nhu cầu học tập của quốc gia, đặc biệt là tính liên thông. Thứ hai là còn có sự chồng chéo, trùng lặp, nhất là hệ thống dạy nghề với các hệ thống giáo dục khác. Một bên có trung cấp nghề, cao đẳng nghề, một bên có trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng khiến người ta không hiểu chúng khác nhau cơ bản ở điểm gì.
Một điểm yếu nữa của hệ thống giáo dục hiện nay là ở cấp học kết nối giữa phổ thông với đại học - giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề. Với cấu trúc như hiện tại, giáo dục chuyên nghiệp dường như bị từ chối, rơi vào khủng hoảng.

- Nội dung chương trình giáo dục phổ thông đang bị nhiều chuyên gia và chính học sinh nhận xét là ôm đồm, thiếu định hướng. Giáo sư bình luận gì về điều này?
- Đúng là nội dung giảng dạy ở phổ thông còn ôm đồm, lặp đi lặp lại, nhiều kiến thức không cần thiết cho cuộc sống thực tiễn. Về vấn đề này, gần đây một số nhà khoa học có đặt câu hỏi khá sâu sắc là có cần học nhiều toán như thế không? Từ đây cũng có thể đặt câu hỏi tương tự với nhiều môn học khác. Đó là chưa nói đến xu thế tích hợp chương trình ở Việt Nam đang rất kém. Ở nước ngoài tích hợp các môn rất tốt, trong khi mình dạy Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa... riêng biệt thì họ tích hợp thành các môn khoa học, hoặc xã hội, qua đó thời lượng giảm đi nhiều và ý nghĩa thực tế cao hơn.
Hơn nữa những năng lực cần thiết khác cần có ở học sinh trong xã hội hiện đại như năng lực học tập suốt đời, năng lực xã hội... thì chưa được chú ý.
- Mới đây, TS Lê Trường Tùng đề xuất sát nhập THCS và THPT để kết thúc chương trình phổ thông vào lớp 9, sau đó tạo nhiều hướng đi và sinh viên có thể tốt nghiệp đại học năm 20 tuổi. Kiến nghị này đã được cơ quan nghiên cứu của Bộ Giáo dục xem xét như thế nào?
- Muốn theo chương trình phổ thông là 10 hay 12 năm cần có những cơ sở thuyết phục, không nên thấy một số nước nào đó làm thì làm theo. Ta từng trải qua các thời kỳ 9, 10, 11 năm phổ thông và hiện tại đang ổn định ở 12 năm. Giáo dục chúng ta đang quá tải, 12 năm còn quá tải thì 10 năm sẽ quá tải thế nào?
Khi đổi từ 12 năm xuống 10 năm thì phải đổi toàn bộ chương trình sách giáo khoa, đào tạo lại giáo viên, liệu có làm được trong một vài năm hay không? Hơn nữa, lượng giờ học trong nhà trường phổ thông của học sinh Việt Nam hiện nay là thấp vào loại nhất thế giới. Giờ học của mình chỉ ở mức gần 8.000 giờ trong khi thế giới 9.000 - 12.000 giờ. Nếu từ 12 lớp xuống 10 lớp số giờ sẽ còn tụt đi nhiều nữa. Nước Mỹ vốn có thời lượng học phổ thông rất cao nhưng vừa rồi mới phải tăng thêm giờ học. Dù thông minh đến mấy nhưng học sinh được học nhiều hơn thì sẽ được kết quả tốt hơn.

Phiếu thăm dò ý kiến độc giả

Phiếu thăm dò ý kiến độc giả
So sánh bên ngoài, trong số liệu của hơn 200 nước mà chúng tôi có được, chỉ có khoảng 6 nước chọn hệ thống giáo dục phổ thông 10 năm (tỷ lệ ít nhất), gần 120 nước dùng hệ 12 năm (hơn 60%), còn các tỉ trọng khác rơi vào các hệ thống với 11, 13, 14… năm.
Ở các nước quanh ta chỉ có Singapore, Philippine là 10 năm. Tuy nhiên, Singapore học 10 năm nhưng có hai năm dự bị theo kiểu Anh. Trong các nước OECD không có nước nào chọn hệ thống giáo dục phổ thông dưới 12 năm, thậm chí có nhiều nước chọn hệ thống nhiều hơn 12 năm một vài năm.
Mặc dù vậy, theo tôi vấn đề 10 hay 12 năm xét ở một góc độ nào đó cũng không quan trọng bằng nội dung chương trình, sắp xếp thế nào cho phù hợp. Khi đã muốn đổi thì phải xem cái lợi và cái hại để quyết định, nếu lợi chưa có nhiều mà nguồn lực phải đầu tư quá lớn thì phải cân nhắc đi theo hướng phù hợp không.

- Vậy theo ông đâu là hướng đổi mới phù hợp cho nền giáo dục Việt Nam hiện nay?
- Bàn về vấn đề đổi mới giáo dục người ta thường xem xét ở ba vấn đề lớn là hệ thống cấu trúc của nền giáo dục, chất lượng và quản lý. Về hệ thống giáo dục, thời gian tới phải chú trọng đến khâu yếu nhất là điểm nối giữa phổ thông và đại học, tăng cường tính liên thông giữa các cấp học để đáp ứng nhu cầu đa dạng của giáo dục. Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc đưa ra các mô hình đào tạo mới ở cấp đào tạo kỹ thuật và nghề nghiệp.
Cần lưu tâm đến việc giảm thời gian đối với các trình độ đào tạo ở đại học, thậm chí là thạc sĩ, tiến sĩ; giảm số năm trong đại học từ 4, 5 năm xuống 3 năm, thạc sĩ 1 năm là xu thế chung của thế giới. Thanh niên trưởng thành nhanh nên không lo việc không thể tiếp thu hết kiến thức.
Các bậc trình độ, bằng cấp cần đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường giáo dục. Nên đặt hệ thống giáo dục quốc gia dưới một khung chung của hệ thống học tập suốt đời. Về chất lượng giáo dục, trước tiên cần chú ý đến những điều kiện để đảm bảo chất lượng của một nền giáo dục, đó là cơ sở vật chất và các quá trình giáo dục tương ứng. Mô hình nhà trường dạy học cả ngày là mô hình phổ biến trên thế giới trong nhiều năm nhưng ở Việt Nam điều này dường như vẫn là một giấc mơ xa vời. Do vậy, trong những năm sắp tới vấn đề ưu tiên cung cấp đất đai, tạo thành một nguồn lực để các nhà trường có thể dạy học cả ngày cần được coi là ưu tiên quốc gia. Việc học cả ngày sẽ tạo nên môi trường thuận lợi để triển khai đổi mới giáo dục toàn diện.
Một vấn đề khác là chất lượng giáo viên. Thành công của những nước có kết quả giáo dục cao cho thấy giáo viên đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài những yêu cầu về trình độ thì cũng cần tạo động lực cho giáo viên đóng góp và cống hiến. Các cơ chế như trả lương theo năng lực cần được nghiên cứu và mạnh dạn áp dụng để tăng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cần nghiên cứu, giới thiệu rộng rãi những thành tựu của lý thuyết và thực tiễn dạy học trên thế giới, kết hợp với kinh nghiệm quốc gia để làm sao có những công nghệ dạy học mới và hiệu quả. Về quản lý thì cần áp dụng những cơ chế phân cấp cũng như cơ chế thị trường phù hợp vào giáo dục.
- Theo ông, những bất cập của giáo dục đại học nên được giải quyết như thế nào?
- Giáo dục phổ thông dù còn nhiều yếu kém vẫn đạt được một thành quả nhất định, còn giáo dục đại học cần có nhiều đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Theo World Economic Forum (WEF - Diễn đàn kinh tế thế giới) thì giáo dục phổ thông cùng với y tế Việt Nam được xếp hạng 84 trên 142 nước, còn giáo dục đại học ở vị trí 98. Chất lượng thấp xuất phát từ chương trình chưa tốt, giảng viên còn yếu, cơ sở vật chất còn yếu.
Trước mắt nên chú trọng cải tiến chương trình đào tạo, cần tiếp tục đạo tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Chương trình của các trường đại học nước ngoài 1, 2 năm thay đổi nhưng Việt Nam hàng được sử dụng nhiều năm vẫn không đổi. Hiện Bộ Giáo dục khuyến khích đào tạo theo nhu cầu xã hội nhưng dường như điều đó chỉ dừng lại ở mức độ khẩu hiệu hay mong muốn.
Có đào tạo được theo nhu cầu xã hội hay không phải phụ thuộc vào sự năng động của trường đại học, việc biên soạn, thay đổi liên tục chương trình, xã hội thay đổi gì phải thay đổi để theo kịp. Khi nắm được thông tin của thị trường thì lập tức các trường phải cân nhắc lại xem giảng dạy như vậy đã phù hợp chưa, liên kết với các doanh nghiệp trong giảng dạy đánh giá, đấy mới là giảng dạy theo nhu cầu.
Các trường đại học Việt Nam đang đang chịu một áp lực đào tạo lớn quá nên dường như không có thời gian nhìn lại việc làm có phù hợp không, trong khi xã hội thì quá kỳ vọng vào họ..

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Nữ thủ khoa Học viện Cảnh sát và bài học về tính kỷ luật

Chùm ảnh: Những cô giáo đang gây "sốt" trên mạng

Truyện Mỵ Châu-Trọng Thủy có những chi tiết hoang đường?

Cô giáo xinh đẹp gây sốt cư dân mạng

Chùm ảnh: Ba nữ sinh "hot" nhất Học viện Cảnh sát Nhân dân

Chùm ảnh: Trẻ em thiệt thòi vẽ "ước mơ

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Theo VNE