Lại thêm một vị Hiệu trưởng nữa bị đình chỉ vì lạm thu. Đó là bà Lê Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Cương (huyện An Dương, Hải Phòng).
Những vị Hiệu trưởng có vẻ ngoài đáng kính nhưng đã bị tha hóa vì “đồng tiền, phân bạc”, vì những âm mưu xấu xa, cũng đã bị trừng phạt. Đó là những việc phải làm, vì môi trường giáo dục không thể là nơi kiếm chác, không phải nơi để "đấu đá".
Thế nhưng, mỗi lần có thêm một Hiệu trưởng bị đình chỉ công tác là mỗi lần ngành giáo dục lại có thêm một "dấu lặng" buồn.
Nghề sư phạm vốn đã từng là niềm tự hào của không biết bao nhiêu thế hệ - được gọi là "nghề cao quý trong những nghề cao quý". Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”.
Người Việt vốn có truyền thống “tôn sư, trọng đạo”, thế nhưng thật đáng tiếc là những năm gần đây nhiều thầy cô giáo khi nắm giữ các vị trí quản lý đã làm xấu đi hình ảnh của chính mình và gây ảnh hưởng không nhỏ tới đồng nghiệp, nói đi nói lại cũng chỉ vì... tiền.
Đừng để hình ảnh nhà trường bị vấy bẩn vì những đông tiền lạm thu (Ảnh: doisongphapluat) |
“Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” - có lẽ chẳng mấy ai không thuộc nằm lòng câu ca dao ấy. Thế mà bây giờ phụ huynh học sinh phải bức xúc đến mức yêu cầu Hiệu trưởng rời nhiệm sở. Họ chẳng còn tin người thầy lóa mắt vì những đồng tiền lạm thu đủ tư cách dạy con họ nữa.
Quái thai của xã hội hóa giáo dục là lạm thu |
Năm học mới đi qua chưa đầy 1 tháng, hai Hiệu trưởng đã bị đình chỉ vì liên quan đến lạm thu. Hàng chục nhà trường vướng vào những chuyện thị phi vì lạm thu.
Chưa bao giờ giáo dục bị chê nhiều như thế. Hình ảnh về thiên chức thiêng liêng của nghề giáo đang bị méo mó.
Nhắc đến trường học bây giờ, những hình ảnh vất vả “gánh chữ lên non”, những con người gieo chữ trên những non cao đã bị lu mờ bởi những tiêu cực.
Nào là mua – bán điểm, nào là lạm thu, lạm chi, bạo lực học đường, rồi cải cách, cải tiến thành cải lùi, chương trình quá tải, chất lượng giáo dục ngày càng xuống cấp… Tất cả đều được quy chụp là do lỗi của ngành giáo dục.
Các khoản thu không đúng quy định đầu năm học mới đang gây bức xúc cho phụ huynh, học sinh. Ảnh minh họa của NOP |
Tuy vậy, cần phải nhìn nhận lại, bối cảnh xã hội bây giờ cũng đã khác nhiều, thầy cô, học trò xưa và nay cũng đã khác.
Chủ trương xã hội hóa giáo dục là một điều tốt nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo con người theo định hướng mới, đáp ứng nhu cầu xã hội. Nhưng thật đáng tiếc, không ít các vị Hiệu trưởng lại cố tình hiểu sai chủ trương ấy.
Những khoản tiền xã hội hóa trong trường học đáng lý ra phải được bàn bạc, thương thảo dân chủ để tìm ra sự đồng thuận nhằm tạo ra môi trường học tập tốt nhất cho học sinh.
Thực tế họ lại không làm như vậy, không ít hiệu trưởng lạm dụng chức quyền, coi phụ huy là “mỏ tiền” để nghĩ ra đủ thứ tiền lạm thu.
Hội phụ huynh, bị biến tướng thành “hội phụ thu”, cánh tay nối dài của Hiệu trưởng móc túi phụ huynh. Giáo viên cũng thành “tay chân” thu tiền cho Hiệu trưởng.
Đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Cương vì lạm thu |
Còn phụ huynh, có ai đó nói rằng họ đáng trách vì im lặng khi đối thoại trực tiếp với giáo viên, với nhà trường.
Nhưng nếu họ nói thẳng, nói thật thì liệu rằng con em họ có bị trù dập không?
Từ tâm lý đó, họ im lặng như một bầy cừu, sự im lặng đó đã khiến Hiệu trưởng cứ thế tự tung tự tác.
Sau những dồn nén, họ tìm đến cơ quan công luận khi mọi sự đã dồi. Những chuyện không đúng cứ thế được khui ra mà trong đó lỗi đến một phần từ sự im lặng của phụ huynh.
Không nhiều trường như Tiểu học Đặng Cương, cũng không nhiều trường trong cả nước đòi đình chỉ Hiệu trưởng. Đó không phải cách mà các vị phụ huynh muốn giải quyết vấn đề lạm thu trong trường học.
Nếu sự thương thảo các khoản thu diễn ra trong sự dân chủ giữa nhà trường và phụ huynh. Sự đồng thuận của ban phụ huynh mà các trường vẫn đưa ra mỗi khi cơ chức năng kiểm tra là thực chất thì mọi việc không đi theo chiều hướng xấu như thời gian qua.
Gia đình và nhà trường là nơi nâng bước tương lai của mỗi con em chúng ta. Từng bước tương lai của trẻ sẽ như thế nào khi ngày đến trường của chúng là tiếng thở dài của mẹ, cha khi tiền học trở thành nỗi ám ảnh.
Biết đến bao giờ nhà trường mới được trả lại những thiên chức thiêng liêng vốn có của nó.
Và đến bao giờ, giáo viên mới có thể chuyên tâm vào chuyên môn dạy học, để từng đêm về trong giấc mơ bình yên là tiếng cười, ánh mắt trong veo của trẻ thơ chứ không phải giật mình vì những khoản tiền phụ thu chưa “đòi” được để nộp về theo lệnh của Hiệu trưởng.