LTS: Thầy giáo Lư Nguyên chỉ ra những "sáng kiến" của những người làm công tác quản lý giáo dục rỉ tai nhau để lách luật mà thực hiện những tiêu cực trong nhà trường.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sáng kiến thứ nhất: bí mật là trong sạch
Có những mẩu chuyện hầu như người công tác trong ngành Giáo dục Việt Nam không thể quên.
Chuyện bưng bít thông tin của các loại văn bản liên quan đến tài chính, nhân sự hay chế độ chính sách nào không cần phổ biến đều được các Hiệu trưởng giấu kín.
Ngoài văn thư, người duy nhất được mở để vào sổ công văn đi đến, thì chỉ còn một người biết là chủ tài khoản.
Kinh nghiệm “bí mật là trong sạch” nên các thành viên Hội đồng nhà trường không bao giờ được biết ngân sách năm nay được duyệt bao nhiêu, lương bao nhiêu, chi thường xuyên bao nhiêu, tu sửa và mua sắm bàn ghế, trường lớp thường xuyên và định kỳ bao nhiêu.
Không công khai chi tiết tài chính cũng là một cách để nhà trường giữ "bí mật là trong sạch". Ảnh minh họa trên http://baophapluat.vn |
Không công khai chi tiết tài chính mà chỉ công bố tổng thu, tổng chi, số còn thiếu/thừa bao nhiêu.
Kết thúc năm tài chính, anh em thấy tấp nập xe hàng về. Mua bán, sắm sửa thế mà có trường vẫn bị lãnh đạo Sở phê bình vì còn vài trăm triệu đồng không chi hết trước ngày 25/12 hàng năm!
Sáng kiến thứ hai: thống nhất hành động
Những năm 90 của thế kỉ XX, bạn tôi dạy ở Cao Lộc, Lạng Sơn, nhà trường trả 15.000/tiết hệ B (hệ học sinh nộp tiền học theo quy định), trong khi ở Vĩnh Phúc, các nhà trường lúc đó trả 8000 đồng/tiết.
Hệ B đã có vị lãnh đạo giáo dục bấy giờ ví "như con bò sữa" nuôi thầy cô. Hỏi ra thì trường nào cũng trả thế, số còn lại rất nhiều được chi thế nào không ai biết.
Đến khi Thủ tướng chính phủ phải quy định trả cho người dạy tối thiểu 70% đến không quá 80% và đồng loạt giáo viên chỉ được 70% tổng số tiền học sinh nộp. Phần mình thầy cô dạy cầm về mua gạo thịt cho gia đình, còn ai thế nào kệ họ.
Tiền Tết Nguyên đán, các trường cũng thống nhất theo từng vùng, từng huyện, không để lệch nhau quá xa.
Trường nghỉ tết ngày nào cũng được thống nhất. Hình như, các lãnh đạo có hệ thống liên lạc nội bộ bí mật, toàn thông tin nội bộ.
Tiền đi nghỉ mát, du lịch, dường như không ai bảo ai nhưng trường nào cũng chỉ chi theo tỉ lệ 50/50, người đi một nửa, nhà trường một nửa.
Cá biệt có trường nhân sự kiện đặc biệt nào đó, mới được ông chủ tài khoản hào phóng theo tỉ lệ 80/20 (người đi 20%). Gặp nhau, anh em giáo viên đều nhận ra "vẫn vòm trời này cả"!
Mùa thi tốt nghiệp phổ thông năm nay, xảy ra sự cố nghiêm trọng, phơi sáng mánh gian lận nghiêm trọng mà rất có thể đã quen làm nhiều năm rồi. Chữa điểm bài nóng ngay trên máy tính và tinh vi chắc ăn hơn là chữa trên bài thi gốc.
Chẳng may, là tại có căn số đi ở tù, nên một số người được giao trọng trách đã thống nhất làm và bị bắt tạm giam.
Khi số điểm của tỉnh mình cao vút và lại cao vút nhiều bài, trong khi đồng nghiệp tỉnh bạn chỉ nổ vài quả theo cách ăn ít no lâu nên không bị phanh phui.
Nếu không rỉ tai nhau cách làm thì sao lỗi giống nhau đến thế! Phổ biến kinh nghiệm, nhất là sáng kiến, luật pháp đâu có cấm!
Sáng kiến thứ ba: phụ huynh tâm phục
Mỗi năm trung bình có 3-4 cuộc họp phụ huynh học sinh (đầu năm, cuối kỳ I, cuối kỳ II, riêng khối 5, khối 9 và 12 còn thêm cuộc họp chuẩn bị cho thi tuyển sinh).
Vài năm nay, nhiều trường bị đưa lên mạng xã hội, nguyên cả con dấu hoặc tên trường, chữ ký cùng với danh mục dài dằng dặc số tiền từng khoản theo tinh thần có phần bắt buộc và phần xã hội hóa.
Việc bị phê bình là nhẹ nhàng, nhưng cũng có chủ tài khoản phải trả lại phụ huynh, thậm chí bị mất chức.
Một bản chép tay minh bạch còn thiếu nhiều khoản. Ảnh: NVCC/ Giaoduc.net.vn |
Ngồi ngẫm nghĩ mãi rồi họ cũng nảy ra sáng kiến nhỏ nhưng tuyệt vời. Vừa thu đúng, thu đủ lại vừa an toàn nên rất cần chia sẻ với đồng cấp!
Cách được học trong trường quản lý giáo dục là nhờ Hội trưởng vận động các chi hội trưởng, các chi hội trưởng các lớp lại vận động, phổ biến đến phụ huynh trong lớp mình tự nguyện.
Tiếng nói của phụ huynh, đề xuất của phụ huynh chứ đâu phải của trường nên thành ra dân chủ và khách quan lắm! Bà con có ai ngờ ông/bà Hội trưởng đã họp riêng với Hiệu trưởng từ ngày nào rồi.
Cách chắc chắn nhất là bộ phận văn phòng in cho mỗi chủ nhiệm 01 bản các khoản thu chi tiết, tên và số tiền (không có tên cơ quan hay dấu và chữ ký; cấm photo gửi trực tiếp cho học sinh hay phụ huynh).
Chủ nhiệm cho học sinh chép hoặc đọc từng khoản hoặc đọc chậm để phụ huynh ghi, không ghi lên bảng, không cho ghi âm.
Sáng kiến này đã được nhiều trường các cấp, các nơi áp dụng hiệu quả. Tuy nhiên một vài đơn vị vẫn chưa biết, nên vẫn bị đưa lên mạng xã hội và dư luận lại dậy sóng suốt mấy tuần qua.
Cách thu tiền cũng có sáng kiến. Nhiều trường thu theo từng đợt, chia nhỏ con số 10 triệu chẳng hạn thành 4 đợt thay vì thu luôn đầu năm 1 lần.
Cấp trên cũng chỉ đạo thu làm nhiều đợt nhưng chỉ lợi cho phụ huynh, còn nhà trường thu thế tiền không thành mô thành món. Phụ huynh, "đa số dân trí còn thấp" (như một đại biểu quốc hội nhận định) nên sẽ hài lòng nhiều hơn phản đối, thế là được việc.
Cách xử lý không nộp cũng cần trao đổi để các đơn vị vận dụng ngay. Đến thời hạn quy định, giáo viên chủ nhiệm báo cáo và quyết toán.
Giáo viên chủ nhiệm bất biết lý do gì, nếu học sinh hay phụ huynh chưa nộp vào tiết/ ngày X, cho học sinh nghỉ học về lấy; nếu không thì hôm sau nghỉ học.
Sáng kiến lớp nào nộp xong trước thời gian được thưởng xem ra hết tác dụng. Tiền thưởng vài chục ngàn đồng, giáo viên ứng tiền nộp trước cho học sinh, bỗng nhiên học sinh bỏ học, nhiều người vỡ nợ nên không ai dại gì mắc kế ăn tiền thưởng nữa!
Còn học sinh nào, phụ huynh nào chưa thông suốt, gửi giấy mời gặp riêng trực tiếp hiệu trưởng để nghe và bàn hướng giải quyết.
Thú thực, vì vài trăm nghìn đồng, mà lên phòng hiệu trưởng, mà cùng con, mà trước ánh mắt của bạn bè con thì cho con nộp còn hơn phải nghỉ việc đến trường!
Rất mong quý bạn đọc công khai thêm sáng kiến đặng cứu các đồng nghiệp thoát khỏi rắc rối của lạm thu và lạm chi của các nhà trường hiện nay!