Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội thứ 11, ông Dương Trung Quốc nhận định, việc kiện toàn các chức danh nhà nước ở thời điểm này là một yêu cầu đặc biệt quan trọng và cần thiết.
Xin ông cho biết, sau khi miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, quy trình bầu chọn nhân sự sẽ diễn ra như thế nào?
Ông Dương Trung Quốc: Lần bầu những chức danh Nhà nước cao cấp trong nhiệm kỳ Quốc hội này có sự khác biệt, bởi thông thường các chức danh này được bầu cho một nhiệm kỳ mới và do một nhiệm kỳ Quốc hội mới.
Trước đây, cũng đã có sự thay đổi nhân sự cấp cao của Đảng, thí dụ như Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư thì chuyển giao cho ông Nguyễn Văn An. Trong những trường hợp ấy tương đối đơn giản hơn bởi vì các đồng chí ấy vẫn ở cương vị Uỷ viên Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên 3 chức danh quan trọng nhất của Nhà nước, sau Đại hội Đảng XII không tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Để kéo dài tình trạng những chức danh cao cấp ấy không có cương vị trong Đảng thì không phù hợp với thiết chế chính trị của ta.
Vì vậy chúng ta phải làm một lúc 3 chức danh quan trọng. Đây là tình huống phù hợp với đòi hỏi bộ máy sớm đi vào hoạt động một cách có hiệu quả trong công tác đối nội và đối ngoại.
Ông Dương Trung Quốc trả lời báo chí bên lề kỳ họp sáng 30/3. ảnh: Ngọc Quang. |
Hơn thế nữa, trong chừng mực nào đó, những người từ nhiệm trước nhiệm kỳ cũng là sự hy sinh. Vì thế thủ tục như đã thông báo có động tác từ nhiệm, rời chức vụ để có cơ sở bầu những người mới.
Việc bầu như mọi quy trình khác, bảo đảm sự giám sát của Quốc hội trong việc đánh giá các nhân sự tương xứng với những chức năng được Hiến pháp quy định cũng như những chuẩn mực, tiêu chuẩn.
Nhiều chức danh quan trọng sau khi được bầu phải tuyên thệ trước Quốc hội. Tôi cho đây là những điều cần thiết để tạo ra được yếu tố khiến cho người nhận nhiệm vụ mới không những nhận được vinh dự mà còn ý thức được trách nhiệm của mình.
Trước sự kiện quan trọng này, Đại biểu Quốc hội thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình như thế nào?
Ông Dương Trung Quốc: Trước hết phải thực hiện đúng luật, không coi đây là vấn đề hình thức. Chúng ta hoàn toàn có quyền giám sát tính chân thật, tính chính xác của những dữ liệu liên quan đến nhân vật ấy và căn cứ vào tiêu chuẩn, kể cả sự tín nhiệm mà chúng ta cảm nhận được trong xã hội, trong quá trình những vị ấy hoạt động.
Phát biểu tại phiên họp sáng nay, trước khi Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: "Thưa Quốc hội, theo chương trình và nội dung được Quốc hội quyết định từ đầu kỳ họp, hôm nay chúng ta bắt đầu triển khai công việc liên quan tới các quyết định nhân sự có điều chỉnh trong kỳ họp này. Đây là nội dung hết sức quan trọng. Chúng ta biết Đại hội Đảng lần thứ XII đã thành công, chủ trương, đường lối, kế hoạch kinh tế 5 năm, kinh tế xã hội 5 năm kỳ họp này Quốc hội sẽ quyết định thông qua. Điều chúng ta cần làm ngay lập tức triển khai thành công Nghị quyết của Đảng và quyết định của Quốc hội về kinh tế xã hội 5 năm có bộ máy mới, nhân sự mới bắt tay ngay vào công việc, mục đích để đảm bảo công việc của Đảng, Nhà nước, nhân dân được triển khai kịp thời, được những người có trách nhiệm được phân công sẽ đảm nhiệm trách nhiệm ngay từ đầu. Vì vậy, đại hội có thay đổi về nhân sự của Ban chấp hành Trung ương, Ban chấp hành Trung ương có quyết định, Bộ Chính trị có quyết định trình Quốc hội cho phép thay đổi một số nhân sự của Nhà nước ngay trong kỳ họp này. Tôi biết có ý kiến của các đồng chí này, đồng chí khác còn phân vân đôi chút liên quan tới việc này nhưng chúng ta không có mục đích, mục tiêu gì khác là sớm thực hiện thắng lợi Nghị quyết lần thứ 12 của Đảng và quyết định của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm cần phải có đội ngũ nhân sự có trách nhiệm phân công bắt tay ngay vào công việc. Công tác nhân sự nhà nước đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chúng tôi đã sao gửi tất cả các văn bản cần thiết của Đảng tới các đoàn đại biểu Quốc hội để các đồng chí nghiên cứu. Lần này chúng ta sẽ điều chỉnh lớn để kiện toàn, đúng với quy định của Hiến pháp và pháp luật ngay trong nhiệm kỳ này và tại kỳ họp lần thứ 11. Chương trình sáng nay, chúng ta sẽ làm 2 việc. Một là Quốc hội sẽ nghe Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia đương nhiệm. Sau đó, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận về Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại đoàn”. |
Tuy nhiên, lần này có thể nói là lần đầu tiên nhiều gương mặt mới được đặt vào vị trí mới, làm cho mọi người hy vọng.
Chúng ta đã trải qua công tác tổng kết, kể cả trách nhiệm cá nhân lẫn bộ máy tổ chức trong bộ máy Nhà nước. Tôi nghĩ rằng để lại nhiều bài học, nhiều di sản, kể cả tích cực lẫn không tích cực, đòi hỏi người kế nhiệm phải gách vác. Tôi nghĩ đây chính là cơ hội để các vị đặt vào vị trí mới thể hiện năng lực của mình.
Ông có suy nghĩ gì khi lần đầu tiên Trung ương giới thiệu bà Nguyễn Thị Kim Ngân - ứng viên nữ để bầu Chủ tịch Quốc hội?
Ông Dương Trung Quốc: Đây là dấu ấn đầu tiên, là tiền lệ rất đáng mừng, nhưng tôi lưu ý rằng nhìn ra thế giới thì nữ làm Thủ tướng, Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ lâu rồi. Vì vậy, chúng ta vui mừng có yếu tố mới, song cũng đừng coi đó là điều gì đó quá đặc biệt.
Nếu là nữ Chủ tịch Quốc hội lãnh đạo, ông có kỳ vọng nhiệm kỳ tới Quốc hội sẽ trả được những món nợ với dân?
Ông Dương Trung Quốc: Đương nhiên, nói món nợ Quốc hội với dân là thể hiện trách nhiệm và đòi hỏi không chỉ những người lãnh đạo Quốc hội mà còn ở mỗi cá nhân ĐBQH phải phấn đấu nữa. Tuy nhiên, phấn đấu gì, thể hiện trách nhiệm gì thì cũng phải có cơ chế và môi trường hoạt động.
Như tôi, 14 năm làm Đại biểu Quốc hội nhưng cũng chưa đi hết, tiếp xúc hết được với những cử tri đã tin tưởng bầu mình. Một năm cũng chỉ có cơ hội tiếp xúc cử tri tại địa phương mình ứng cử 4 lần, hoặc cùng lắm là 6 lần.
Đây là hạn chế, thể hiện tính gần dân. Hạn chế này phải từng bước làm thay đổi, trong đó phải hướng tới thông lệ quốc tế.
Chúng ta cũng đừng coi trọng quá tính đặc thù vì cơ chế dân chủ đương nhiên có văn hoá, lịch sử và chính tính cơ chế đảm bảo cho nền dân chủ minh bạch, phát huy hiệu quả.
Thưa ông, sau khi được bầu, các chức danh lãnh đạo chủ chốt sẽ tuyên thệ trước Quốc hội. Ông kỳ vọng gì ở những lời tuyên thệ này?
Ông Dương Trung Quốc: Thực ra, tôi đã nhiều lần đề cập đến vấn đề tuyên thệ trước nghị trường Quốc hội. Từ lịch sử xa xưa trong truyền thuyết các vua Hùng cũng đã có tuyên thệ. Gần hơn, trước khi kết thúc Đại hội Tân Trào, Quốc hội đầu tiên, Chính phủ đầu tiên cũng tuyên thệ.
Thế giới cũng đã quá phổ biến chuyện tuyên thệ của những lãnh đạo cấp cao khi vừa nhậm chức, thì sao mình lại không tuyên thệ? Lần này, việc tuyên thệ của các lãnh đạo cấp cao ngay sau khi nhậm chức được đưa vào quy định trong Hiến pháp, đó là điều rất đáng mừng.
Chúng ta tin rằng, một người đã tuyên thệ thì chắc chắn ý chí thực hiện lời thề của mình cao hơn. Chúng ta cũng đừng nghĩ tuyên thệ là một chỉ tiêu đánh giá mà chính là thể hiện ý chí, tinh thần, đạo đức của người tuyên thệ. Điều đó tôi nghĩ dân vẫn đủ sáng suốt để nhận ra.
Trân trọng cảm ơn ông!