Lãnh đạo chủ chốt không tham gia Quốc hội là tốt

30/03/2016 13:18
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Nhiều ý kiến cho rằng, cần hạn chế số lượng Đại biểu ở cơ quan hành pháp để tránh trường hợp "vừa đá bóng, vừa thổi còi".

Cần tăng số lượng Đại biểu chuyên trách

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã xin rút không ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Trong danh sách các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XIV cũng không có tên Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.

Một trong những lý do được đưa ra là “việc lãnh đạo chủ chốt không tham gia vào Quốc hội cũng là điều kiện tốt để họ có thời gian tập trung cho cho công việc lãnh đạo, điều hành ở địa phương.

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa (ảnh: QUỐC TOẢN).
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa (ảnh: QUỐC TOẢN).

Về sự việc này, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa (hôm 27/3) nhận định, đây là tín hiệu tốt trong việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

"Nếu Đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm các chức vụ lãnh đạo địa phương thì khó làm tốt được trọng trách của mình đối với cử tri. 

Thực tế, nhiều Đại biểu do kiêm nhiệm nhiều chức vụ không thể tham gia họp đầy đủ, gây ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động của Quốc hội. Cụ thể, có những phiên họp số lượng vắng rất nhiều, ảnh hưởng tới việc biểu quyết thông qua luật”, ông Lê Văn Cuông chỉ rõ.

Ông Cuông nêu thực tế, là Đại biểu khối hành chính thì

Lãnh đạo chủ chốt không tham gia Quốc hội là tốt ảnh 2

Bầu cử bình đẳng, người tự ứng cử dù không trúng cũng phải tâm phục, khẩu phục

khó có chuyện người ta “vạch áo cho người xem lưng”, tự nói ra yếu kém của Chính phủ hoặc địa phương mình.

“Thực tế cho thấy Đại biểu thuộc khối hành chính rất ít phát biểu, hoặc có phát biểu cũng né trách trước những vẫn đề gai góc của cuộc sống vì sợ đụng chạm. 

Điều này dẫn tới việc trách nhiệm của Đại biểu khi thực hiện chất vấn để truy trách nhiệm đến cùng về sự yếu kém trong quản lý của Bộ, ngành... không được thể hiện rõ nét.

Cũng có thể họ biết những bức xúc trong dư luận và những thiếu xót trong quá trình điều hành quản lý Nhà nước nhưng không dám nói ra.

Bởi lẽ, trong mối quan hệ trên - dưới, ngang - dọc, cơ chế xin - cho phần nào ảnh hưởng tới nguồn lực phát triển của địa phương ấy.

Từ những hạn chế nêu trên, ông Cuông cho rằng, Trung ương cần điều chỉnh tăng Đại biểu chuyên trách, giảm số lượng đại biểu ở khối hành chính thuộc cơ quan hành pháp.

“Theo tôi khoảng 50% Đại biểu chuyên trách là phù hợp. Bởi thực tế, chính các đại biểu chuyên trách là những người có tiếng nói trong Quốc hội, ít phụ thuộc, chịu tác động, ràng buộc bởi các yếu tố quản lý hành chính Nhà nước. 

Theo đó, việc tăng số lượng Đại biểu chuyên trách là các nhà khoa học, luật sư… sẽ góp phần tăng chất lượng hoạt động của Quốc hội trong việc tham gia góp ý, giám sát luật… 

Để tránh xung đột lợi ích

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, việc một số Đại biểu thuộc cơ quan hành pháp xin rút, không ứng cử là điểm mới trong Quốc hội khóa tới.

“Ở các nước có nền pháp quyền phát triển thì Bộ trưởng tham gia Quốc hội là chuyện không bình thường. Bởi anh đã tham gia ở cơ quan hành pháp thì không bao giờ tham gia cơ quan lập pháp cả". 

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao (ảnh: Nhân vật cung cấp).
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao (ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao cho rằng, việc giảm số lượng Đại biểu cơ quan hành pháp để tránh trường hợp “vừa đá bóng vừa thổi còi”. 

“Anh đang làm trong cơ quan hành pháp, mà lại ngồi thêm ghế lập pháp để giám sát hành pháp thì gọi là xung đột lợi ích. Không ai tự nhiên tự giám sát mình và nói xấu về mình.

Do đó, việc giảm số lượng Đại biểu ở cơ quan hành pháp càng nhiều càng có lợi trong quá trình hoạt động của Quốc hội cũng như việc vận hành của tổ chức bộ máy Nhà nước nói chung", Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao nhấn mạnh.

QUỐC TOẢN