Một số nội dung về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học

26/02/2015 06:00
Vụ GDTH
(GDVN) - Đánh giá thường xuyên thực ra là những việc bình thường giáo viên vẫn làm trong quá trình dạy học và vấn đề chỉ là bây giờ làm bài bản, làm tốt hơn thôi ...

Tiếp diễn câu chuyện áp dụng Thông tư 30, Tòa soạn đã đăng bức thư của cô Vy Thị Mỹ, gửi TS.Hoàng Mai Lê, Vụ Giáo dục Tiểu học. 

Ngay sau đó, TS. Hoàng Mai Lê đã có 3 bài viết gửi tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, trước là để trả lời cô Mỹ, sau cũng là để độc giả hiểu rõ hơn vấn đề.

Dưới đây là bài viết thứ nhất mà theo Tiến sĩ Hoàng Mai Lê thì các nội dung này đều đã được Bộ GD&ĐT trình Quốc hội từ năm ngoái, Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Về mục đích đổi mới đánh giá học sinh tiểu học

Giải quyết bất cập về việc đánh giá học sinh tiểu học trong những năm qua. Trước khi triển khai Thông tư 30/2014, việc đánh giá học sinh tiểu học còn một số hạn chế, bất cập như: chú trọng kiểm tra kết quả tiếp thu kiến thức, chưa quan tâm đến quá trình hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh, do đó chưa góp phần tạo cơ hội để giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, học sinh rút kinh nghiệm để hình thành cách học, ít có tác dụng động viên học sinh tự tin trong học tập. Do chú trọng vào điểm số nên còn tạo ra áp lực đối với học sinh và cha mẹ học sinh; điểm số cũng là một nguyên nhân của dạy thêm, học thêm, …

Để góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục. Chất lượng giáo dục chỉ có được nếu học sinh tự tin, thích học, say mê, tìm tòi sáng tạo trong quá trình học, từ đó phát triển năng lực, phẩm chất của chính học sinh. Chính vì vậy, việc đánh giá phải tập trung vào mục đích hình thành động lực bên trong của việc học, đồng thời giúp giáo viên đổi mới cách dạy, giúp học sinh học được, thích học và học tốt hơn.

Kế thừa và phát huy những ưu điểm về đánh giá học sinh tiểu học đã thực hiện trước đây, đặc biệt là đổi mới đánh giá đã thực hiện trong hai năm học ở các trường tiểu học triển khai Mô hình trường học mới Việt Nam; học tập kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã không dùng điểm số, thay vào đó học sinh nhận được những động viên, phản hồi từ giáo viên về sản phẩm học tập của các em, về các câu trả lời của các em... và biện pháp để các em vượt qua các khó khăn trong học tập.

Một số điểm mới cơ bản về đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014

Nguyên tắc đánh giá: đánh giá sự tiến bộ và vì sự tiến bộ của học sinh, giúp học sinh phát huy nội lực, tiềm năng của mình, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh …

Nội dung đánh giá: đánh giá toàn diện quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kĩ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh.

Cách đánh giá: Gồm đánh giá thường xuyên trong quá trình học (chỉ nhận xét, không dùng điểm số) và đánh giá định kì cuối học kì I và cuối năm học (dùng cả điểm số và nhận xét).

Coi trọng đánh giá ngay trong quá trình học tập của học sinh, biết được học sinh đạt kết quả bằng cách nào, vận dụng kết quả đó như thế nào, giáo viên tư vấn, hướng dẫn giúp đỡ để học sinh hoàn thành nội dung học tập và có phương pháp học tốt hơn; hướng dẫn học sinh biết tự đánh giá mình và nhận xét, góp ý bạn, khuyến khích cha mẹ tham gia đánh giá học sinh.

Về đánh giá thường xuyên bằng nhận xét

Một số nội dung về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học ảnh 2Thông tư 30: Cần làm cho phụ huynh hiểu và cùng đồng hành

(GDVN) - Thông tư 30 là chủ trương mới, phù hợp với sự phát triển của trẻ, rất cần được làm đúng, triệt để hơn, chuẩn bị và thực hành tốt hơn...

Giáo viên được quyền chủ động vận dụng một cách linh hoạt, có thể bằng "lời nói" hoặc là “viết” phù hợp với học sinh và nhà trường. Giáo viên cần dựa vào mục tiêu nội dung bài học, đối chiếu sản phẩm đạt được theo cách học của học sinh với chuẩn kiến thức, kĩ năng; xem xét, cân nhắc các đặc điểm tâm sinh lí, hoàn cảnh… của học sinh để có nhận xét xác đáng, kịp thời, sao cho khích lệ được học sinh, làm cho các em hứng thú học tập; đồng thời còn phải tư vấn, hướng dẫn giúp các em biết được những hạn chế và biết tự mình khắc phục.

Giáo viên được quyền chủ động viết nhận xét vào vở hoặc phiếu học tập, hoặc bài kiểm tra của học sinh sao cho thuận tiện trong việc phối hợp giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh cùng đánh giá, rút kinh nghiệm, hướng đến sự tiến bộ của học sinh.

Giáo viên được quyền chủ động viết vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục (thay thế sổ ghi điểm trước đây và cũng được coi như sổ nhật kí về đánh giá học sinh, chỉ dành cho giáo viên ghi nhận xét, theo dõi giúp đỡ học sinh). Không bắt buộc phải ghi nhận xét tất cả học sinh hằng tháng. Thông tư 30/3024 quy định, yêu cầu giáo viên cần quan tâm đánh giá tất cả học sinh, không được “quên” em nào nhưng chỉ cần ghi những điểm nổi bật hoặc những điều cần thiết về học sinh để giáo viên theo dõi và có biện pháp cụ thể, riêng biệt giúp đỡ kịp thời (đối với học sinh chưa hoàn thành, giáo viên giúp học sinh tự hoàn thành hoặc những học sinh hoàn thành tốt giáo viên giúp  hứng thú học tập hơn).

Việc sử dụng sổ theo dõi chất lượng giáo dục, giáo viên cũng được quyền chủ động linh hoạt: Mẫu sổ theo dõi chất lượng giáo dục do Bộ hướng dẫn chỉ là gợi ý, không bắt buộc giáo viên phải thực hiện theo mẫu đó; mặt khác, giáo viên có thể dùng sổ điện tử thay cho sổ bằng giấy.

Bộ yêu cầu các Sở GD&ĐT thực hiện nghiêm chỉnh công văn số 68/BGDĐT- GDTrH ngày 07/01/2014 về việc chấn chỉnh lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường để giảm thủ tục hành chính cho giáo viên.

Cùng với hướng dẫn đổi mới đánh giá học sinh, Bộ cũng hướng dẫn các trường tổ chức vào cuối năm học việc nghiệm thu chất lượng giáo dục, bàn giao học sinh lớp dưới lên lớp trên, học sinh tiểu học lên trung học cơ sở để tránh học sinh“ngồi nhầm lớp”.

Về quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 30/2014

Để triển khai Thông tư 30/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn cấp trung ương cho gần 1600 cán bộ quản lí và giáo viên cốt cán cấp tỉnh. Đội ngũ cán bộ và giáo viên cốt cán có trách nhiệm triển khai tập huấn trực tiếp cho các giáo viên đứng lớp tại địa phương. Tập huấn cấp trung ương đã được truyền hình trực tuyến trên tv.edu.net.vn để giáo viên các trường tiểu học cùng theo dõi. Theo báo cáo tại các đợt tập huấn, tuyệt đại đa số thầy giáo, cô giáo được thực hành và giải đáp để hiểu rõ quan điểm đánh giá của thông tư. Đó là tính nhân văn trong đánh giá, sự tiếp cận với xu thế đánh giá hiện đại. Bên cạnh đó, các thầy cô cũng hiểu được đánh giá thường xuyên thực ra là những việc bình thường giáo viên vẫn làm trong quá trình dạy học và vấn đề chỉ là bây giờ làm bài bản, làm tốt hơn thôi. Như vậy, giáo viên có thể yên tâm thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014.

Tuy nhiên, những ngày đầu thực hiện Thông tư 30/2014 vẫn còn một số ý kiến phản ánh mấy băn khoăn khi triển khai thực hiện Thông tư. Chẳng hạn, có ý kiến giáo viên cho rằng việc này không có gì mới, một số giáo viên môn chuyên biệt (Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục) cho rằng sẽ phải viết nhận xét rất nhiều nên vất vả, mất thời gian… Một số giáo viên khác còn băn khoăn về nhận thức, chưa muốn đổi mới. Một bộ phận nhỏ giáo viên thì làm đối phó, sợ kiểm tra nên nghĩ ra việc dùng dấu để đóng cho tiện…

Các băn khoăn trên có thể do các trường, các giáo viên chưa hiểu đúng tinh thần, hiểu máy móc nội dung của Thông tư 30/2014; chưa thấy hạn chế của cách đánh giá cũ. Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng một số trường còn yêu cầu giáo viên sử dụng các hồ sơ, sổ sách ngoài quy định... Các băn khoăn, trở ngại này đã được cán bộ cấp tỉnh giải thích và chia sẻ.

Bộ GD&ĐT xác định những công việc cần triển khai tiếp để thực hiện có hiệu quả Thông tư 30/2014:

- Tiếp tục truyền thông, giải thích và hướng dẫn các địa phương, chỉ đạo, giúp đỡ, hỗ trợ giáo viên về kĩ thuật để giáo viên có thể hiểu đúng và làm tốt việc đánh giá học sinh theo tinh thần của Thông tư 30/2014;

- Thành lập tổ công tác kịp thời hỗ trợ địa phương và giáo viên trong quá trình thực hiện Thông tư 30;

- Đưa nội dung thực hiện, cách đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014 vào sinh hoạt chuyên môn và sẽ thường xuyên được trao đổi trên trang mạng: tieuhoc.moet.gov.vn;

- Chỉ đạo việc thực hiện hồ sơ sổ sách hợp lí. Việc gì làm để đối phó, hình thức thì kiên quyết bỏ, việc nào làm thực chất có lợi cho học sinh thì tiếp tục làm;

- Chỉ đạo hỗ trợ, giúp đỡ giáo viên thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014 với tinh thần giảm nhẹ thủ tục hành chính, chủ yếu để giáo viên dành nhiều thời gian hướng dẫn, giúp đỡ, động viên học sinh tự sửa lỗi, hoàn thành nội dung học tập, tiến bộ, tự tin, sáng tạo...

- Chỉ đạo các phòng GD&ĐT, nhà trường tổ chức sơ kết thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014 vào giữa học kì, vào cuối học kì I, giữa học kỳ II và cuối năm học 2014-2105, gửi báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Giáo dục Tiểu học) để kịp thời chỉ đạo.

Vụ GDTH