LTS: Tiếp tục các tranh luận về cách thực hiện hiệu quả Thông tư 30 về đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học, Tòa soạn vừa nhận được thư của một cô giáo hiệu trưởng ở miền núi. Cô hiệu trưởng đề nghị Tòa soạn gửi trực tiếp thư này đến ông Hoàng Mai Lê sau khi ông có bài viết trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Tòa soạn đã chuyển thư đi và nhận thấy nội dung trao đổi trong bức thư này có thể chính là tâm sự của nhiều các thầy cô giáo khác trên cả nước.
Được sự đồng ý của tác giả, Tòa soạn trân trọng giới thiệu nguyên văn bức thư tới độc giả.
"Thưa TS Hoàng Mai Lê. Tôi là Vy Thị Mỹ, hiệu trưởng trường tiểu học Nà Ca, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.
Tôi là người ủng hộ tinh thần nhân văn của TT30 nhưng ngay khi được tập huấn tại huyện, tôi đã nhận ra nếu thực hiện cứng nhắc sẽ là một áp lực rất lớn cho giáo viên (GV). Tôi đã cố gắng tìm hiểu, trao đổi thường xuyên cùng các GV, tìm cách tháo gỡ khó khăn để GV trường mình có thể thực hiện được một cách suôn sẻ, hiệu quả.
Tại trường của tôi, một trường vùng sâu, xa của tỉnh Cao Bằng, đối tượng học sinh 100% là dân tộc Mông và Dao, cha mẹ 100% làm rẫy và ít chữ hoặc mù chữ thì việc ghi nhận xét là không hợp lý nên tôi chỉ đạo GV phải hướng dẫn sửa trực tiếp (nhận xét bằng lời), do đó GV vốn không bị áp lực về sổ sách.
Nhưng tôi không yên tâm vì TT30 quy định hồ sơ đánh giá gồm có cả sổ theo dõi chất lượng giáo dục, nên tôi tham gia diễn đàn để tìm hiểu rõ hơn, nhất là các ý kiến của ông.
Tại trường vùng sâu, vùng xa thì việc ghi nhận xét là không hợp lý (Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Tôi thấy ông thật sự là người đáng kính trọng. Tôi hy vọng ông không buồn vì tỷ lệ người không ủng hộ TT30. Tôi đọc tất cả các bài viết, các ý kiến ủng hộ và không ủng hộ để hiểu rõ hơn về TT30.
Tôi cũng nhận thấy tính nhân văn của TT30. Nhưng tôi không đồng ý với các ý kiến cho rằng những người không ủng hộ là những người chưa hiểu về TT30 hoặc thiếu trách nhiệm, thiếu tâm huyết.
Tôi xin được gửi tới ông ý kiến của cá nhân tôi, có thể nó không có ý nghĩa gì với ông nhưng tôi muốn ông thấy rằng chúng tôi quan tâm tới TT30 và muốn TT30 được mọi người đón nhận.
Là một GV, tôi nghĩ điểm số không phải là áp lực.
Hãy thử hình dung việc điểm số được sử dụng hàng ngày, ở các môn học nhưng theo một cách khác, thay vì GV chấm điểm thì sẽ do học sinh hoàn toàn tự chấm điểm hoặc tự nhận xét cho mình, cho bạn, nghĩa là học sinh có thể TỰ ĐÁNH GIÁ mức độ hoàn thành của mình một cách rõ ràng, minh bạch, khách quan.
Từ đó, các em biết tự đề ra cái đích phấn đấu cho mình, hiểu mình sẽ đạt ở mức nào để không thất vọng. Khi đó học sinh sẽ nắm rõ hơn mình có năng lực ở lĩnh vực nào và có hướng phát huy năng lực đó, không phải buồn vì cái mình không đạt được.
Và đương nhiên, điểm số đó sẽ không dùng để đánh giá học sinh, không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác, không dùng để báo cáo tổng hợp chất lượng, không có các tiêu chí xét chất lượng với bao nhiêu học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu.
Nghĩa là điểm số đó chính là TỰ NHẬN XÉT của học sinh thay những nhận xét của GV. Tôi cho rằng học sinh tự đánh giá được bản thân mình quan trọng hơn là chờ đợi và phụ thuộc vào những đánh giá của GV.
Ví dụ: Trong giờ toán, học sinh đối chiếu với kết quả chuẩn, tự chấm điểm cho mình, các học sinh được tự báo cáo kết quả trước lớp, những bạn chưa đạt điểm 5 sẽ YÊU CẦU giáo viên hỗ trợ. Việc yêu cầu hỗ trợ cũng là một kỹ năng cần rèn cho học sinh, thay vì thụ động ngồi đó đợi GV đến nhận xét, hướng dẫn.
Hoặc trong giờ hát nhạc, các bạn đánh giá, bình chọn bạn hát hay hơn để tuyên dương. Qua các tiết học như vậy, học sinh cũng sẽ biết rõ bạn nào giỏi để mình học tập, nếu mình chưa giỏi thì cũng không sao vì không ai “bới móc” mình cả, vậy có gì áp lực đâu.
Những phụ huynh quan tâm tới con cũng không cần phải chờ đọc những nhận xét của GV mà hỏi ngay chính con họ, hôm nay tự chấm được mấy điểm, con đã tự sửa lỗi được chưa, nếu chưa được thì cha mẹ hỗ trợ…
Trong TT30 có nhắc đến việc học sinh tự đánh giá (rất ít và) không rõ ràng mà chủ yếu là GV đánh giá. Việc GV vẫn “giành quyền” đánh giá như vậy sẽ không khuyến khích được tư duy phê phán, tư duy phản biện của học sinh. Nó vô tình tạo ra sự thụ động, phụ thuộc, sự chờ đợi vào GV, hạn chế khả năng phát huy được năng lực riêng của bản thân.
Việc khen thưởng cuối năm cũng nên đơn giản hơn vì theo TT30: Giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên, điều đó rất khó vì học sinh khó có thể hiểu được một cách cụ thể ba nội dung đánh giá nêu trong TT30, ngay cả các trường tiểu học, các giáo viên hiệu trưởng cũng lúng túng.
Vậy nên chăng cần có một số danh hiệu cụ thể để học sinh dễ bình bầu. Ví dụ như Nhà Toán học trẻ (với HS giỏi môn toán), Vận động viên tài năng, Học sinh ưu tú của lớp…Có thể kết hợp với phụ huynh đề ra các danh hiệu ngay từ đầu năm học để phụ huynh cùng khuyến khích con mình phấn đấu.
Tôi rất xin lỗi nếu ý kiến của tôi không phù hợp và làm mất thời gian của ông. Xin kính chúc ông sức khỏe."
Sau khi lá thư này được chuyển đến ông Hoàng Mai Lê, Tòa soạn được biết giữa ông Lê và cô Mỹ đã có trao đổi.
Và, để làm sáng tỏ thêm vấn đề, ông Hoàng Mai Lê cũng đã gửi tới Tòa soạn một số bài viết. Chúng tôi sẽ lần lượt gửi đến quý độc giả trong các số báo sau.