Câu chuyện về Thông tư 30 Đánh giá học sinh tiểu học đang thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả, các thầy cô giáo, các chuyên gia và các bậc phụ huynh trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam suốt những ngày qua.
Theo đó, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các thầy cô, các chuyên gia, hôm nay là bài viết của ông Dương Quốc Nam - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình.
Ông Nam đã có đôi điều muốn trao đổi thêm về Thông tư 30 và chia sẻ việc triển khai Thông tư tại tỉnh Ninh Bình nhân đọc bài viết của TS Ngô Gia Võ: Trò lười, cô quá tải, gia đình khó kiểm soát sau một kỳ áp Thông tư 30.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Nhân TS Ngô Gia Võ - Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên có bài viết trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam với 5 nhận định: Giáo viên quá tải; Học sinh lười học; Gia đình khó kiểm soát; Cách kiểm tra đánh giá ở các vùng, các địa phương, các trường rất khác nhau; nguồn gốc của vấn đề.
Xin được trao đổi hai nội dung Giáo viên quá tải; Học sinh lười học:
Đánh giá thường xuyên (ĐGTX) được Quy định trong Thông tư 32 và Thông tư 30 được thể hiện:
Thông tư 32 |
Thông tư 30 |
Đánh giá thường xuyên được thực hiện ở tất cảc các tiết học theo quy định của chương trình nhằm mục đích theo dõi, động viên, khuyến khích hay nhắc nhở học sinh học tập tiến bộ, đồng thời để giáo viên đổi mới phương pháp, điều chỉnh hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục nhằm đạt hiệu quả thiết thực. Đánh giá thường xuyên được tiến hành dưới các hình thức kiểm tra thường xuyên (KTTX), gồm: kiểm tra miệng, kiểm tra viết (dưới 20 phút), quan sát học sinh qua hoạt động học tập, thực hành vận dụng kiến thức, kĩ năng. |
1. Đánh giá thường xuyên là đánh giá trong quá trình học tập, rèn luyện, của học sinh, được thực hiện theo tiến trình nội dung của các môn học và các hoạt động giáo dục khác, trong đó bao gồm cả quá trình vận dụng kiến thức, kĩ năng ở nhà trường, gia đình và cộng đồng. 2. Trong đánh giá thường xuyên, giáo viên ghi những nhận xét đáng chú ý nhất vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục, những kết quả học sinh đã đạt được hoặc chưa đạt được; biện pháp cụ thể giúp học sinh vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ; các biểu hiện cụ thể về sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh; những điều cần đặc biệt lưu ý để giúp cho quá trình theo dõi, giáo dục đối với cá nhân, nhóm học sinh trong học tập, rèn luyện. |
Với so sánh này, cho thấy đánh giá thường xuyên được Quy định trong Thông tư 30 có nhiều ưu điểm hơn Thông tư 32, đó là:
- Làm rõ “Khái niệm” đánh giá thường xuyên
- Cách thực hiện đánh giá thường xuyên
- Việc đánh giá thường xuyên không chỉ quan tâm đến việc trang bị kiến thức kỹ năng các môn học ở tiểu học mà còn quan tâm đến việc hình thành và phát triển năng lực (3 nhóm), phẩm chất (4 nhóm) cho học sinh.
Theo ông Dương Quốc Nam: "Đánh giá thường xuyên được Quy định trong Thông tư 30 có nhiều ưu điểm hơn Thông tư 32". Ảnh minh họa (Nguồn: internet) |
Do vậy những người làm công tác giáo dục nói chung và giáo dục tiểu học nói riêng ắt hẳn đồng thuận cao với việc thực hiện Thông tư 30.
TS Ngô Gia Võ cho rằng giáo viên quá tải khi thực hiện Thông tư 30. Thực ra khi thực hiện Thông tư 30, cũng phải thừa nhận giáo viên tiểu học có vất vả hơn khi thực hiện Thông tư 32, bởi một số lí do sau:
- Thông tư 30, yêu cầu giáo viên phải quan tâm thực sự tới từng học sinh (cá thể hóa trong dạy học), vì sự tiến bộ của mỗi học sinh, đánh giá sự tiến bộ của học sinh, không so sánh các học sinh với nhau.
- Mặt khác, khi đánh giá học sinh tiểu học, Thông tư 30 đã làm rõ “Đánh giá học sinh tiểu học nêu trong Quy định này là những hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.”
Với yêu cầu mới như trên, nên giáo viên vất vả hơn là điều bình thường, hy vọng thời gian không xa nhà nước sẽ tăng tỷ lệ giáo viên trên lớp.
Thực tinh tôi hơn bất ngờ với khẳng định sau của TS Ngô Gia Võ “Tuy nhiên, đối với giáo viên bộ môn, đặc biệt những bộ môn đặc thù như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục… thì quả là một gánh nặng khủng khiếp. Nhiều giáo viên không thể đảm đương nổi. Nhiều trường tiểu học chỉ có 1 giáo viên dạy môn này. Việc ghi hàng nghìn lời nhận xét vào hai cuốn sổ đúng là một cực hình. Giáo viên phải làm ngày làm đêm, thậm chí sáng hôm sau đến lớp vẫn phải tiếp tục nhận xét cho kịp.”
TS nói “nhiều giáo viên...”, là khoảng bao nhiêu người không đảm đương nổi công việc đánh giá học sinh theo Thông tư 30? Bao nhiêu giáo viên làm việc ngày đêm… Theo tôi dù dạy 35 học sinh một lớp, hay dạy 1000 học sinh đối với 1 giáo viên hay 1 giảng viên thì cả 35 học sinh hoặc 1000 học sinh, giáo viên, giảng viên cũng phải đánh giá. Đặc biệt với giáo viên tiểu học không được phép quên một em nào?
Hệ lụy đổi mới giáo dục nhìn từ Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Sự ra đời Thông tư 30, kỳ thi quốc gia, biên soạn sách giáo khoa là những bước đột phá trong cải cách giáo dục, vậy TT30 có thực sự là bước cải cách ?
Thực ra, để giải tỏa băn khoăn của Tiến sĩ và các giáo viên tiểu học, Vụ Giáo dục Tiểu học đã có nhiều giải pháp chỉ đạo đến cơ sở việc thực hiện Thông tư 30, như Công văn 6169/BGDĐT-GDTH ngày 29 tháng 10 năm 2014 V/v thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014 có ghi:
“Chỉ đạo cán bộ quản lí, cán bộ cốt cán hỗ trợ, giúp đỡ giáo viên trong đánh giá thường xuyên bằng nhận xét: được quyền chủ động vận dụng một cách linh hoạt, có thể bằng "lời nói" hoặc là “viết” phù hợp với học sinh và nhà trường, đúng với yêu cầu của việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét; được quyền chủ động viết nhận xét vào vở hoặc phiếu học tập, bài kiểm tra của học sinh, sử dụng tin nhắn, email… để liên lạc sao cho thuận tiện trong việc phối hợp giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.
Thông tư 30/2014 quy định, yêu cầu giáo viên phải quan tâm đánh giá tất cả học sinh, không được “quên” em nào, nhưng khi viết nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục không bắt buộc phải ghi nhận xét tất cả học sinh hằng tháng; không lạm dụng việc dùng các câu nhận xét có mẫu vì không phù hợp với các học sinh khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau.”
Nếu tất cả các trường tiểu học, giáo viên tiểu học, giảng viên các lớp tập huấn cấp tỉnh, cấp huyện, cấp trường và cán bộ quản lí giáo dục tiểu học; các khoa sư phạm Tiểu học ở các trường Đại học nắm vững được nội dung trên thì chắc hẳn thầy Ngô Gia Võ chưa hẳn có nhận định trên. Với giáo viên tiểu học của tỉnh Ninh Bình, thì nhận định của TS Ngô Gia Võ chưa hẳn đã đúng. Rất mong Tiến sĩ xem xét lại.
“Hầu hết giáo viên và phụ huynh học sinh cho biết từ ngày áp dụng Thông tư 30, con em họ lười học hẳn đi ”, tôi mong rằng Tiến sĩ có thêm con số cụ thể để dẫn chứng được thuyết phục nhất.
Riêng với học sinh tiểu học của tỉnh Ninh Bình, từ khi thực hiện Thông Tư 30, Phòng Giáo dục tiểu học - Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình khảo sát 20% số trường tiểu học nhận thấy: việc học của học sinh vẫn diễn ra binh thường, cái được rõ nhất là giáo viên bước đầu buộc phải đổi mới cách dạy, trong đánh giá giáo viên đã chú ý đến 3 nội dung và từng bước đảm bảo các nguyên tắc đánh giá đó là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, giáo viên trân trọng mọi có gắng của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác, hơn nữa học sinh đã mạnh dạn giao tiếp, hợp tác; tự quản; tự tin; tích cực tham gia hoạt động giáo dục;… nghĩa là giáo dục dần hướng đến việc tiếp cận năng lực.
Thiết nghĩ, việc phát hiện vấn đề nảy sinh trong chỉ đạo, tổ chức, thực hiện Thông tư 30 là rất cần thiết, rất trân trọng; nhưng điều cần hơn là các nhà khoa học, các nhà giáo dục đặc biệt là những nhà giáo dục tiểu học nên tư vấn các giải pháp thực hiện Thông tư 30 có hiệu quả.