South China Morning Post ngày 5/3 dẫn lời giới phân tích nhận định, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong 5 năm tiếp theo bình quân đạt 6,5% là một quyết tâm chính trị nhiều hơn là quyết sách, hoạch định kinh tế. Điều này phản ánh vai trò "tối quan trọng" của ông Tập Cận Bình trong việc định hình tương lai kinh tế - xã hội Trung Quốc.
Một công nhân Trung Quốc đang hàn bánh xe điện ở bên trong xưởng sản xuất tại tỉnh An Huy, ảnh: Reuters. |
Ông Tập Cận Bình đã đưa ra 2 cam kết nêu trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13, bao gồm mục tiêu tăng gấp đôi GDP năm 2020 so với năm 2010, tăng gấp đôi thu nhập của cư dân cả đô thị lẫn nông thôn trong khoảng thời gian này. Đây cũng được xem như bước đi quan trọng để thực hiện "giấc mộng Trung Hoa".
Zhang Xiaoqiang, một cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và phát triển nhà nước Trung Quốc nhận xét: "Điều đó là cần thiết vì đảng đã hứa với người dân là sẽ tăng gấp đôi GDP và thu nhập bình quân đầu người vào năm 2020. Nếu tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm không thể đạt 6,5% trong 5 năm tới, có nghĩa là Trung Quốc đã tụt lại phía sau mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện vào năm 2020".
2020 cũng là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Tập Cận Bình, lúc đó ông có thể tự hào tuyên bố một cột mốc quan trọng về "phục hưng dân tộc Trung Hoa" và có thể đi vào sử sách Trung Quốc.
Tuy nhiên theo South China Morning Post, trên phương diện kinh tế điều này đòi hỏi một nỗ lực rất lớn của Bắc Kinh trong chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh dân số già, nợ công tăng lên.
Thế trận không thể đảo ngược |
Năm 2016 Trung Quốc đặt mục tiêu thâm hụt tài chính ở mức 3% GDP, tăng so với tỉ lệ 2,4% của năm 2015. Quy tắc bất thành văn ở Trung Quốc là không cho phép thâm hụt tài chính vượt quá 3% GDP, nhưng điều này đang sớm trở thành thử thách.
Jia Kang, một cựu nghiên cứu viên Bộ Tài chính Trung Quốc, hiện là thành viên Ban Cố vấn Chính hiệp Trung Quốc cho rằng: "6,5% là giới hạn chót rồi, không nên thấp hơn nữa. Nếu tăng trưởng chậm lại, sẽ có chính sách hỗ trợ tăng trưởng".
Trung Quốc sẽ không lặp lại "sự phát triển bừa bãi như mấy năm qua". Từ năm 2011 đến 2013, số lượng xi măng Trung Quốc sử dụng nhiều hơn toàn bộ lượng xi măng Mỹ đã dùng trong cả thế kỷ 20. Ngay cả ông Lý Khắc Cường cũng thấy điều này không cân bằng, không bền vững trong sự phát triển của Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới đường sắt cao tốc lên 30 ngàn km vào năm 2020. Tính đến cuối năm ngoái, Trung Quốc đã xây dựng được 19 ngàn km đường ray cao tốc, nhiều hơn cả phần còn lại của thế giới cộng lại.
Chuyển đổi kinh tế Trung Quốc là một quá trình "điều chỉnh với đau đớn, nâng cấp với hy vọng", ông Lý Khắc Cường nói: "Một khi Trung Quốc có thể vượt qua con dốc, nền kinh tế Trung Quốc mới có thể làm mới lại bản thân và nhận ra những vinh quang mới".
Trung Quốc đã phải chịu đựng một số "cơn đau" do tái cơ cấu, phải đóng cửa một số cơ sở không mong muốn. Cao Dewang, Chủ tịch hãng Fuyao Glass sản xuất kính xe hơi lớn nhất Trung Quốc cho biết: "Trong khi nền kinh tế Mỹ lớn hơn nhiều so với Trung Quốc, Mỹ có chưa đầy 30 dây chuyền sản xuất kính nổi, trong khi Trung Quốc có hơn 300 dây chuyền.
Bạn có thể tưởng tượng mức độ dư thừa nghiêm trọng như thế nào. Có rất nhiều cơ sở 'rác' từ sản xuất đến tiêu thụ, và tất cả những cơ sở này cần phải được xóa sổ", ông Cao Dewang nhận xét.