Nhà giáo Phạm Toàn:

'Muốn cải cách giáo dục thì phải làm như bộ sách này'!

22/04/2013 14:03
Quyên Quyên
(GDVN) - "Chúng tôi coi như bộ sách này làm một mẫu, muốn cải cách thì phải làm như thế, muốn hiện đại thì cả thầy và trò cùng phải làm việc và học như thế. Lúc nào chấp nhận thì chấp nhận, lúc nào chưa chấp nhận thì chúng tôi kiên nhẫn chờ".
Viết sách cho xã hội duyệt

Nằm trong khuôn khổ ngày hội Sách và Văn hóa đọc, nhóm Cánh Buồm (nghiên cứu và biên soạn SGK Tiểu học theo phương pháp mới) đã tặng sách miễn phí 5.000 cuốn sách dành cho những độc giả đã đăng kí trên mạng. Song song với hoạt động đó, những thành viên của nhóm Cánh Buồm đã tổ chức giao lưu cùng độc giả để minh họa thế nào là khao khát tưởng tượng.
Điểm nhấn trên sân khấu của nhóm Cánh Buồm là lời trích dẫn lời của A.Einstein nhằm truyền cảm hứng thực hành cho trẻ em: "Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức".
Nhà giáo Phạm Toàn, người sáng lập và lãnh đạo nhóm Cánh Buồm năm nay đã 82 tuổi. Ông bận bịu với những triển khai hoạt động nhóm Cánh Buồm, ước muốn làm thay đổi cơ bản phương pháp dạy và học để làm sao nền giáo dục phải đào tạo ra được những con người có tư duy độc lập, sống độc lập. Tại ngày hội Sách và Văn hóa đọc, nhà giáo Phạm Toàn cũng đã có những chia sẻ đầy tâm huyết.
Ông nêu: "Cánh Buồm là nhóm thiện nguyện viết sách giáo dục tiểu học với mục tiêu tạo dựng một nền giáo dục hiện đại vì trẻ em và cho trẻ em. Cho đến hết năm 2012, Cánh Buồm đã hoàn thành 15 cuốn sách từ lớp 1 đến lớp 5 bao gồm: Sách Văn từ lớp 1 đến lớp 5, sách Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5, sách Lối Sống lớp 1, 2, 3, sách Tiếng Anh lớp 1, 2".

Nhà giáo Phạm Toàn: Sách hiện tại mới chỉ đạt được thang điểm 5,5 điểm của tôi, nhóm sẵn sàng nghe mọi ý kiến chê và sẵn sàng để viết lại để mỗi ngày một hay hơn. (Ảnh: Quyên Quyên)
Nhà giáo Phạm Toàn: Sách hiện tại mới chỉ đạt được thang điểm 5,5 điểm của tôi, nhóm sẵn sàng nghe mọi ý kiến chê và sẵn sàng để viết lại để mỗi ngày một hay hơn. (Ảnh: Quyên Quyên)

Chủ trương viết sách của nhóm Cánh Buồm là viết cho xã hội duyệt, hi vọng được nghe nhiều ý kiến phản biện của chuyên gia và phụ huynh, dù được đón nhận hay không cũng đều tốt.

Nhà giáo Phạm Toàn cho biết: "Sách hiện tại mới chỉ đạt được thang điểm 5,5 điểm của tôi, nhóm sẵn sàng nghe mọi ý kiến chê và sẵn sàng để viết lại để mỗi ngày một hay hơn. Hai năm nữa sách sẽ được hoàn thiện hơn, tôi mong lúc đó sẽ được 8 điểm. Nhưng đường lối của bản trước sau cuả nhóm là một, đó là đường lối hiện đại".
Viết sách là một công việc không hề đơn giản, hơn nữa đây lại là viết sách cho giáo dục. Khi được hỏi, nguyên nhân vì sao nhóm Cánh Buồm lại biên soạn bộ sách này, nhà giáo Phạm Toàn cho biết: "Hiện nay nước ta cần phải đổi mới giáo dục, đã có rất nhiều ý kiến về cải cách khác nhau. Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải thực hiện một nền giáo dục hiện đại. Hiện đại không phải là trốn ra nước ngoài để học, hiện đại không phải là rời xa khỏi tổ quốc ta, hiện đại là làm cho nước nhà trở nên hùng mạnh. Muốn như thế thì phải thay đổi cách nghĩ, cách học. Cách học của chúng tôi là học sinh tự làm ra kiến thức. Thầy giáo không cần phải giảng mà giáo viên tổ chức việc học của trẻ em. Cần phải làm thế nào để mỗi ngày đi học của trẻ cần phải là một ngày hạnh phúc của các em".
Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Huyên là PGS.TS Nguyễn Bích Hà (con gái cố GS-TS Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên) đã sử dụng bộ sách của nhóm Cánh buồm từ những phút đầu tiên, áp dụng dạy và học vào các buổi chiều, gọi là "chương trình nâng cao kiến thức". Cô Bích Hà đã từng chia sẻ: “Nhóm Cánh Buồm và chúng tôi gặp nhau nhiều điểm trong tư duy và phương pháp. Chúng tôi cùng chung mối quan ngại về chất lượng dạy học nói chung. Đặc biệt, chúng tôi cùng tin tưởng vào cái mới và phản biện xã hội”.

"Chúng tôi không còn kiên nhẫn nữa"
Trong nền giáo dục hiện tại của nước nhà, học sinh các cấp đều sử dụng bộ SGK của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm chương trình học. Vậy mục đích của bộ sách của Nhóm Cánh buồm là gì? Tại sao nhóm Cánh Buồm lại không làm thành đề án gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để bộ sách của nhóm có thể mở rộng trong việc dạy và học trong nhà trường? Đây là những thắc mắc của đông đảo độc giả gửi nhà giáo Phạm Toàn.
Nhà giáo Phạm Toàn thẳng thắn: "Bộ sách của chúng tôi là sáng kiến của những người biết lo cho giáo dục. Tại sao chúng tôi lại không làm một đề án gửi Bộ Giáo dục và đào tạo để có các hướng làm vì làm thế lâu lắm, chúng tôi không còn kiên nhẫn nữa. Tôi năm nay đã bước sang tuổi 82, tôi đã làm việc lâu năm trong ngành giáo dục và đã hiểu hệ thống giáo dục chậm chạp như thế nào. Vì vậy tôi đã mời các bạn trẻ dưới 30 tuổi cùng với tôi làm việc, đưa ra một bộ sách. Chúng tôi coi như bộ sách này làm một mẫu, muốn cải cách thì phải làm như thế, muốn hiện đại thì cả thầy và trò cùng phải làm việc và học như thế. Lúc nào chấp nhận thì chấp nhận, lúc nào chưa chấp nhận thì chúng tôi kiên nhẫn chờ".

Nhà giáo Phạm Toàn ký sách tặng độc giả. (Ảnh: Quyên Quyên)
Nhà giáo Phạm Toàn ký sách tặng độc giả. (Ảnh: Quyên Quyên)
Nhà giáo Phạm Toàn cho biết: "Chúng tôi có 10 thành viên thì tất cả đều có một công việc nhất định, người đi dạy, người đi làm công ty… Chúng tôi dành mỗi ngày một thời gian nhất định để làm công việc soạn sách, với điều kiện là phải chấp nhận đường lối hiện đại hóa giáo dục, chấp nhận cách soạn sách dạy học như thế".
"Tất cả các bạn làm cùng tôi đều là những người hăng hái. Tôi cũng chỉ chấp nhận những người hăng hái mà thôi. Tất cả những ai cùng hăng hái cùng tham gia, cùng làm tôi cũng hoan nghênh", nhà giáo Phạm Toàn nhấn mạnh.

Hiện đang ở cái tuổi "xưa nay hiếm", nhà giáo Phạm Toàn trăn trở: "Tôi vừa làm sách vừa huấn luyện cho các bạn trẻ. Để nếu tôi có mất đi thì cũng có những người thay thế. Gần đến độ U90 rồi, tôi còn được trời đất cho sống ngày nào thì tốt này đó".

Ảnh chụp bộ sách của nhóm Cánh Buồm, NXB Tri thức. (Ảnh: Quyên Quyên)
Ảnh chụp bộ sách của nhóm Cánh Buồm, NXB Tri thức. (Ảnh: Quyên Quyên)


Phạm Toàn sinh năm 1932, quê ở Đông Anh, Hà Nội.

Năm 1951, ông bắt đầu viết văn với bút danh Châu Diên. Về sau ông còn dịch tiểu thuyết, từng dịch các tác phẩm của Victor Hugo, Carlo Goldoni, Jean-Paul Sartre, A.de Saint-Exupéry, Đới Tư Kiệt... Nhưng sự nghiệp chính của ông là sư phạm.

Cách đây hơn 30 năm, ông bắt tay vào soạn sách giáo khoa cho trường Tiểu học Thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại, chủ yếu ở hai môn Văn và Tiếng Việt.
Quyên Quyên