Mới đây, một bài báo với tiêu đề “Xin hãy tử tế với người đã khuất” đã nêu đích danh những viên hài rất nổi tiếng ở Việt Nam (như Phạm Bằng, Quốc Anh, Quang Thắng, Kim Oanh…) đã có những hành động làm xúc phạm tới nơi thờ tự của dòng họ ở làng cổ Đường Lâm khi quay tác phẩm hài “Chôn Nhời”.
Những hành động trong phim như: nhảy sập thờ, vén váy, chửi nhau, chim chuột nhau trước án nhang…của một loạt các nghệ sĩ được ông Đỗ Doãn Hoàng, tác giả bài báo chỉ ra đầy gay gắt.
NSƯT Kim Oanh và NSƯT Phạm Bằng |
NSƯT Kim Oanh, người cũng tham gia đóng trong phim này đã gửi tới Báo Giáo dục Việt Nam bài viết thể hiện quan điểm của mình về vấn đề này.
Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam xin đăng toàn bộ ý kiến của NSƯT Kim Oanh.
NSƯT Phạm Bằng nói gì vụ diễn cảnh sàm sỡ trước bàn thờ người đã khuất
(GDVN) - 'Khi có những cảnh đùa cợt với nhau, chúng tôi đều diễn ở cái buồng bên cạnh chứ ở ngoài nhà thờ thì không có' - nghệ sĩ Phạm Bằng chia sẻ.
Theo Kim Oanh, khi đọc bài báo trên, cô thực sự bức xúc và lấy làm tiếc với những ngôn từ mà tác giả đã nói về mình và các nghệ sĩ khác.
Bởi theo cảm nhận của Kim Oanh thì tác giả là một người có học thức trong một dòng họ - có nhiều danh tiếng ở Làng cổ Đường Lâm nhưng đã “cả giận mất khôn” mà sử dụng những từ ngữ như “mất dạy, đáng sỉ nhục…” để nói về một chương trình hài dân gian nhân dịp Tết Nguyên đán 2014 phục vụ bà con cả nước.
Ngoài ra, Kim Oanh cũng cho rằng, tác giả bài báo là người không thật sự am hiểu về công việc của đoàn phim nên đã có những nhận định phiến diện mang tính cá nhân.
Thứ nhất, mỗi khi đoàn phim đến liên hệ bối cảnh quay thì đều phải xin cơ quan chủ quản, chính quyền địa phương và phải báo cáo nội dung của chương trình cho những người có trách nhiệm. Khi được chính quyền và ban quản lý cho phép đoàn phim mới xuống gia đình có bối cảnh phù hợp để liên hệ xin quay. Nếu gia đình đồng ý thì đoàn phim mới có thể triển khai công việc, nếu gia đình không đồng ý thì đoàn phim sẽ tìm nơi khác.
Vậy việc ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm đồng ý cho đoàn phim được quay bối cảnh trong làng là chuyện đã được nhiều cấp thông qua. Vì thế việc ông Doãn Hoàng phàn nàn đoàn phim quay trong nhà thờ tổ làm ảnh hưởng đến sự tôn kính thì người phải chịu trách nhiệm đầu tiên là những người họ hàng trông coi nhà thờ tổ đó. Kim Oanh nói thêm nếu cô có nhà cổ như vậy mà đoàn làm phim ngỏ ý muốn quay thì dù có trả bao nhiêu tiền cô cũng không cho vào.
Nơi thờ tự là chốn linh thiêng của mỗi gia đình, nếu như gia chủ không mở cửa cho người ta vào,thì ai dám vào? Tại sao gia đình lại cho người khác vào tự do như vậy để rồi, khi bộ phim đã ra mắt khán giả cả hơn nửa năm trời, bây giờ mới búc xúc? Vậy tác giả bài báo không nên trách đoàn làm phim mà hãy "trong nhà đóng cửa bảo nhau" thì sẽ tốt hơn.
Trong bài báo có đoạn tác giả viết: “…Các bộ phim ấy quý báu với ai thì tôi không biết, nhưng khi lôm lổm diễn cảnh chợ búa ở trước bàn thờ nhà tôi, nó là một thứ mất dạy”, theo Kim Oanh đó là sự xúc phạm vì mỗi gia đình có một cách giáo dục riêng. Việc thế nào là có giáo dục và mất dạy chỉ mang tính tương đối của từng gia đình - nhưng một người được giáo dục như tác giả bài viết lại sẵn sàng nói một đoàn phim có đủ mọi lứa tuổi từ người lớn tuổi nhất là NSƯT Phạm Bằng đến những diễn viên trẻ là “mất dạy” thì Kim Oanh cảm thấy không thể chấp nhận được.
Chương trình “Chôn Nhời” được phát hành vào dịp Tết và được bà con hưởng ứng - đón nhận khá nhiều đặc biệt là ở vùng nông thôn vì nhân vật trong phim gần gũi với cuộc sống của họ, vậy sự “mất dạy” mà ông Doãn Hoàng vừa nêu có thỏa đáng không? Phải chăng đối với ông Doãn Hoàng tất cả những ai đã cổ vũ cho chương trình Chôn Nhời cũng như ủng hộ những diễn viên đã đem lại cho họ tiếng cười ngày Tết là “mất dạy” hết cả hay sao?
Phạm Bằng, Quang Thắng... làm hoen ố thánh địa, ai xin lỗi dân?
(GDVN) - Các nghệ sĩ hài như: Phạm Bằng, Kim Oanh, Quang Thắng, Quốc Anh làm hoen ố thánh địa làng cổ thì ai xin lỗi dân?
Thứ 2, trước khi đến quay ở đâu, địa điểm nào, đoàn làm phim đều có liên hệ, thỏa thuận với người trông giữ địa điểm đó, có đồng ý thì đoàn làm phim mới mang đạo cụ đến và chuẩn bị trường quay.
Trường hợp ở Làng cổ Đường Lâm, rõ ràng là gia chủ đồng ý, những cảnh quay diễn ra trước mắt họ, trước mắt những người trông giữ nhà thờ họ của ông Doãn Hoàng, họ đâu có phản ứng gì. Nếu cảm thấy thô tục, bẩn thỉu, chim chuột, họ có quyền đuổi đoàn làm phim ra. Thế nhưng, không hề có sự búc xúc của gia chủ ở mỗi cảnh quay mà tác giả bài báo cho là “mất dạy”. Không những thế, đôi khi thiếu đạo cụ gia chủ còn ủng hộ bằng cách cho mượn để đoàn phim hoàn thành công việc. Ngoài ra, họ còn nấu cơm cho đoàn làm phim ăn.
Ngay cả chiếc sập – cái mà tác giả bảo mẹ của anh 50 năm cũng không dám ngồi - gia chủ còn chủ động bầy cơm lên đó mời chúng tôi ngồi ăn. Nếu gia chủ không cho ngồi, ai trong đoàn làm phim dám ngồi vào đó.
Về phần diễn viên, việc họ đến bối cảnh đã được cho phép của chính quyền địa phương và ban quản lý thì đâu cũng là bối cảnh quay mà thôi. Và việc của họ là thể hiện nhân vật thật tốt ở bối cảnh đó với những nội dung đã được kiểm duyệt bởi cơ quan chức năng, vì vậy việc diễn viên nói và diễn thô tục, sờ soạng nhau… thì đó cũng là những lời thoại trong phim, diễn viên chỉ diễn theo kịch bản, không phải là những câu chuyện ngoài lề tếu táo mà nói diễn viên “mất dạy” được. Theo Kim Oanh, bộ phim có mất dạy, thô tục hay không thì cơ quan quản lý là người hiểu rõ nhất bởi họ là người cấp phép và duyệt để bộ phim có thể ra đĩa phát hành.
Nếu bộ phim có trái với thuần phong mỹ tục, nó đã không được duyệt. Cho nên, diễn viên Kim Oanh cho rằng, đừng cố ý bẻ cong vấn đề để chỉ trích diễn viên. Một lần nữa cô khẳng định, diễn viên chỉ là những người diễn theo kịch bản đã được kiểm duyệt và tại bối cảnh đã được cho phép. Với những diễn viên trong Chôn Nhời thì nhà thờ họ đó cũng là một bối cảnh quay như bao bối cảnh khác mà đoàn phim đã từng đến mà thôi.
Tác giả có nêu cảnh những nhân vật cởi yếm, diễn trò chim chuột trước trước di ảnh của liệt tổ liệt tông của tác giả thì Kim Oanh cho biết, khi đi làm phim có cảnh bàn thờ thì gia chủ thường cất ảnh người trong gia đình dòng họ đi để đoàn phim đưa ảnh đạo cụ lên hoặc gia chủ sẽ chủ động đề nghị cho dùng một mảnh vải che lại. Nếu gia chủ không có ý kiến gì tức là đã đồng ý để đoàn phim sử dụng và cho lên hình toàn bộ những gì trong bối cảnh. Vì vậy trong trường hợp này rõ ràng ở đây đã được sự chấp thuận của gia chủ.
Thứ 3, việc ông Doãn Hoàng gọi tên diễn viên mà không gọi tên nhân vật khi đề cập trong bài báo cũng khiến Kim Oanh bức xúc. Trích báo có đoạn: “ông Phạm Bằng (diễn viên) sờ soạng, cởi yếm cô Kim Oanh (diễn viên), ông Quang Thắng chửi bới tục tĩu “tổ cha tổ mẹ”, lũ nọ lũ kia; ông Quốc Anh rầm rĩ “bắt nó ăn ba bát cứt chó”, dân làng ơi vào xem thằng này ăn hết ba bát cứt chó cấm rớt ra tí nào”.
Danh hài Quốc Anh phản bác chỉ trích vụ nói tục tĩu trước bàn thờ
(GDVN) - 'Mấy chục năm trong nghề chưa ai chê tôi điều gì vì tôi rất cẩn thận trong bài vở, ngôn từ...', diễn viên hài Quốc Anh chia sẻ.
Theo Kim Oanh một người có kiến thức tối thiểu khi viết báo đều hiểu rằng cần gọi tên nhân vật chứ không được phép gọi tên diễn viên. Và họ có thể viết rằng: Quan Tri Phủ (NSƯT Phạm Bằng) sờ soạng, cởi yếm Vợ Bợm (NSƯT Kim Oanh), Bợm (diễn viên Quang Thắng) chửi bới tục tĩu “tổ cha tổ mẹ”, lũ nọ lũ kia; Lý Trưởng (NSƯT Quốc Anh) rầm rĩ “bắt nó ăn ba bát cứt chó”, dân làng ơi vào xem thằng này ăn hết ba bát cứt chó cấm rớt ra tí nào”…
Vậy ông Đỗ Doãn Hoàng có nên viết với hàm ý “xúc phạm” đến cá nhân các nghệ sỹ như thế không? Tại sao lại viết là “ông Phạm Bằng sờ soạng, cởi yếm cô Kim Oanh trước bàn thờ tổ nhà tôi”? Ngoài ra, những nghệ sĩ tham gia đóng phim cũng đã được nhà nước phong tặng danh hiệu thì ít nhất ông Hoàng cũng phải gọi cho đúng, cũng như ông đang kêu gọi phải tôn trọng làng cổ Đường Lâm vì đã được nhà nước trao bằng di tích quốc gia vậy. Thế nên, ông Doãn Hoàng không thể phát ngôn tùy tiện như vậy.
NSƯT Kim Oanh cũng chia sẻ rằng, sau khi bộ phim “Chôn Nhời” được phát hành, nhiều người gặp cô đều hỏi “Bối cảnh phim ở đâu mà đẹp thế?” và khi nghe Kim Oanh nói đó là làng cổ Đường Lâm thì họ nói sẽ phải sang nhìn tận nơi. Vậy theo Kim Oanh qua phim ảnh cũng là một hình thức quảng bá hình ảnh tốt.
NSƯT Kim Oanh cho rằng, cô hiểu có thể do ông Doãn Hoàng quá tức giận hoặc đang bị một sức ép nào đó mà đã viết ra nhưng lời văn như vậy và Kim Oanh hy vọng ông Doãn Hoàng sẽ cẩn trọng hơn trong cách sử dụng ngôn từ của mình khi nói về diễn viên nói riêng và giới văn nghệ sĩ nói chung. Còn việc bức xúc của ông Doãn Hoàng thì ông nên có ý kiến lên chính quyền địa phương, hoặc họp nội gia đình - đề nghị không cho đoàn phim vào quay nữa chứ không nên mang những nghệ sĩ, diễn viên ra để nói họ làm việc - mà ông coi là “mất dạy”.