Cuộc thi Khoa học kỹ thuật Quốc tế 2017 (Intel ISEF) tổ chức tại Mỹ năm nay đoàn Việt Nam tham dự với 8 sản phẩm.
Dù không đạt giải cao nhất trong cuộc thi nhưng 8 học sinh Việt Nam được xướng tên ở nhiều hạng mục trong đó có giải Ba, giải Tư. Bên cạnh đó, 3 công trình còn nhận được 4 giải phụ do các quỹ và công ty công nghệ trao tặng.
Cuộc thi năm nay có 1.403 công trình tham gia, do hơn 1.700 học sinh của 78 quốc gia thực hiện.
Riêng đoàn Việt Nam, người giành giải cao nhất - giải Ba là em Phạm Huy (học sinh Trường Trung học phổ thông thị xã Quảng Trị) với dự án "Cánh tay robot dành cho người khuyết tật" ở hạng mục "Robot và máy móc thông minh".
Em Phạm Huy vui mừng khi nghe tên mình được thông báo trong kết quả cuộc thi. Nguồn ảnh: Báo Quảng Trị |
Bên cạnh đó, Huy còn được nhận một giải thưởng phụ khác là giải ba do Viện Kỹ nghệ và Điện tử Quốc tế trao tặng.
Trước đó, sản phẩm cánh tay robot của Huy là một trong 5 dự án giành giải Nhất tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia khu vực phía Bắc năm 2017, được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đại diện Việt Nam dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF 2017) tại California, Mỹ.
Tuy nhiên, Phạm Huy đã 2 lần bị từ chối cấp visa sang Mỹ để dự kỳ thi này. Sau khi truyền thông lên tiếng, Huy được phỏng vấn lần 3 và kịp đến tham dự cuộc thi sau đoàn Việt Nam 2 ngày.
Phạm Huy sinh năm 2000, học sinh lớp 11A3, Trường Trung học phổ thông thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Yêu thích robot từ nhỏ, với mong muốn sáng tạo một sản phẩm giúp đỡ những người bị dị tật bẩm sinh, tai nạn giao thông, bom mìn… đến năm lớp 8 Huy bắt đầu hình dung chế tạo cánh tay robot điều khiển từ bộ cảm ứng lắp đặt ở giày và cổ chân người khuyết tật.
Và năm lớp 10, sản phẩm đầu tay của Huy dự cuộc thi của cộng đồng thiết kế trên mạng Internet và giành giải khuyến khích. Một năm sau, Huy cải tiến sản phẩm, trình bày ý tưởng với nhà trường và dự các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Giải thưởng cao nhất trong cuộc thi năm nay trị giá 75.000 USD được giao cho Ivo Zell, nam sinh 18 tuổi đến từ Đức với những cải tiến về thiết kế máy bay. |